Ngay trước Quốc khánh Mỹ, ngày 4/7, Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-14 tại khu vực Banghyon, phía Bắc Bình Nhưỡng, gần biên giới với Trung Quốc. Tên lửa đã bay trong 40 phút, đạt độ cao 2.802 m và đi được 933 km trước khi rơi xuống Vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản (EEZ), nhưng không gây thiệt hại tới tàu bè trong khu vực.
Tuy nhiên, khác với những vụ phóng trước, loại tên lửa được thử nghiệm lần này được Bình Nhưỡng tuyên bố là ICBM, với tầm bắn được nhận định có thể lên tới 8.000 km, khoảng cách từ Triều Tiên với Mỹ. Bất chấp những nhận định khác nhau của Nga và Mỹ xung quanh việc liệu đây có thực sự phải là ICBM, việc Bình Nhưỡng được cho là sở hữu công nghệ tên lửa này sẽ có tác động đáng kể tới cục diện hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Đầu tiên, việc “chạm tay” vào công nghệ tên lửa hành trình sẽ không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự của Triều Tiên, mà còn khiến cho Bình Nhưỡng có tiếng nói hơn trong khu vực. Trong trường hợp Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán hòa bình sáu bên, đây sẽ là lá bài then chốt của Bình Nhưỡng trong việc thoả thuận, đổi lấy nhiều viện trợ hơn từ phía Washington và các nước đồng minh tại Đông Bắc Á.
Hơn nữa, đây cũng là cơ hội cho Trung Quốc và Nga thể hiện vai trò trung gian hòa giải, gây áp lực buộc Mỹ và Hàn Quốc từ bỏ việc lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ngay sau vụ phóng tên lửa, ngày 4/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Triều Tiên dừng các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và ICBM, đổi lại, phía Mỹ và Triều Tiên cần hạn chế thực hiện các vụ tập trận chung và ngưng việc triển khai THAAD.
Mặt khác, cuộc phóng tên lửa vừa qua của Triều Tiên lại làm dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định vụ phóng tên lửa “cho thấy mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng” từ Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhanh chóng triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia ngay sau vụ phóng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kịch liệt lên án hành động của Triều Tiên và cho rằng các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, cần có những động thái cứng rắn hơn để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, theo giới phân tích, mối đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên sẽ đặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào thế khó về vấn đề THAAD: triển khai hệ thống này và hứng chịu những lệnh trừng phạt về kinh tế và chính trị từ phía Trung Quốc, hoặc tiếp tục chứng kiến mối đe dọa ngày càng lớn đến từ phía Bắc. Nghiêm trọng hơn, việc này gây ảnh hưởng lớn tới mong muốn khôi phục chính sách Ánh Dương của ông Moon Jae-in. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, các hoạt động ngoại giao giữa hai miền khó có thể thành hiện thực, bất chấp những thiện chí đơn phương từ phía Seoul như mời phía Bình Nhưỡng cùng tham dự Thế vận hội Mùa Đông 2018 tại Pyeongchang.
Có thể nói, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang khiến triển vọng khôi phục hòa bình tại khu vực này ngày càng mong manh.