Xin giới thiệu bài viết của Shimon Stein và Shlomo Brom – những cây bút chuyên bình luận các vấn đề Trung Đông của tạp chí Haaretz.com
Ván cược “không được tính sai” Iran - Israel
Cuộc cách mạng năm 1979 không chỉ đưa Iran trở thành một nước cộng hòa Hồi giáo mà còn là một bước ngoặt làm thay đổi chính sách đối ngoại của Iran, đặc biệt trong quan hệ với Israel.
Những quan điểm thù địch giữa Iran với Israel tích tụ dần qua thời gian và khiến mối quan hệ 2 nước rơi vào những vòng xoáy leo thang căng thẳng. Iran luôn tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Israel nhưng cùng lúc đó, nước này cũng cung cấp đáng kể sự hỗ trợ về chính trị, tài chính và quân sự cho tổ chức Hezbollah cũng như các nhóm khủng bố ở Palestine nhằm tiến hành các cuộc tấn công chống lại Israel và người Do Thái, với điều kiện cơ bản là các lực lượng này phải phục vụ những lợi ích của Iran.
Trong khi đó, chương trình hạt nhân của Iran bị Israel coi là một mối đe dọa hiện hữu và lần đầu tiên nó trở thành yếu tố làm dấy lên khả năng về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa 2 quốc gia. Đó có thể là lý do cho một cuộc tấn công của Israel nhằm phá hủy các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran và ngăn chặn Tehran phát triển khả năng hạt nhân.
Tuy nhiên, viễn cảnh về một cuộc tấn công của Israel hiện vẫn chưa thành hiện thực nhờ Thỏa thuận hạt nhân Iran. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Thỏa thuận - một động thái mà Chính phủ Israel rất hoan nghênh, nhưng Iran vẫn tiếp tục tuân thủ các điều khoản mà nước này đã nhất trí với các bên ký kết (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). Chính vì vậy mà chừng nào mà thỏa thuận này vẫn được thực hiện thì các chương trình hạt nhân của Iran vẫn chịu sự kiểm soát và Israel không có lý do gì để thực hiện một cuộc tấn công.
Nguy cơ có khả năng gây ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Iran và Israel trong bối cảnh hiện nay là sự hiện diện chiến lược của quân đội Iran tại Syria, gần biên giới phía bắc với Israel. Cuộc nội chiến Syria kéo dài trong suốt 8 năm qua đã quyết định chiến thắng thuộc về chính quyền của ông Assad. Điều này có thể đồng nghĩa với việc lực lượng quân đội của Iran ủng hộ Tổng thống Syria có thể sẽ tiếp tục hiện diện ở đây trong một thời gian dài.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài trong suốt 8 năm qua đã quyết định chiến thắng thuộc về chính quyền ông Assad. (Nguồn: Enca) |
Bên cạnh đó, Israel cũng lo ngại rằng sự hiện diện của Iran ở Syria sẽ củng cố thêm tham vọng "bá chủ khu vực" của nước này và đe dọa đến Israel từ 2 phía: Syria và Lebanon. Israel đã tuyên bố công khai rằng Tel Aviv sẽ không cho phép Tehran hiện diện quân sự lâu dài ở Syria.
Israel đã sử dụng những ưu thế vượt trội hơn về quân sự để tấn công các cơ sở hiện diện quân sự của Iran tại Syria, bao gồm cả lực lượng quân ủy nhiệm của nước này. Iran cũng đã đáp trả một số lần nhưng đều không thành công. Nếu Iran có khả năng đáp trả các hành động khiêu khích của Israel hiệu quả hơn thì có thể hiện giờ căng thẳng giữa hai nước đã leo thang ở một mức độ vô cùng nghiêm trọng.
Những yếu tố chung có thể dung hòa những lợi ích trái ngược giữa Iran và Israel dường như rất mong manh. Iran không thể rút toàn bộ sự hiện diện quân sự khỏi Syria bởi đây là một phần quan trọng trong tuyến phòng thủ đầu tiên của Tehran trước Tel Aviv. Trong khi đó, Israel sẽ nỗ lực tối đa để ngăn cản Iran xây dựng một cơ sở hạ tầng chiến lược lâu dài cùng với lực lượng Hezbollah ở Lebanon bởi Israel coi việc này là mối đe dọa nghiêm trọng về mặt an ninh quốc gia.
Iran và Israel đều "không bằng mặt mà cũng chẳng bằng lòng với nhau" nhưng mối quan hệ 2 bên giống như một “ván cược không được tính sai” bởi cả Tehran và Tel Aviv đều không muốn rơi vào một cuộc đối đầu trực tiếp trên quy mô rộng. Điều này có thể được thấy qua chính sách truyền thông tránh khiêu khích của Israel và những màn đáp trả hạn chế của Iran. Đó cũng là cách để tránh leo thang căng thẳng và nếu căng thẳng có xảy ra thì chỉ là những cuộc xung đột ở quy mô nhỏ mà 2 nước có thể xoay xở và giải quyết được.
Nga không phải lựa chọn tốt nhất nhưng là lựa chọn duy nhất
Iran và Israel sẽ không bao giờ tự nguyện đặt những lợi ích an ninh quan trọng của quốc gia vào tay Nga nhưng hai nước này cần một bên thứ 3 "làm trọng tài" trong những tranh chấp giữa hai bên ở Syria và Nga là lựa chọn duy nhất.
Cả Iran và Israel, không bên nào có thể đạt được mọi thứ mình muốn và điều này dẫn đến tình trạng hiện tại là 2 bên đều đang trong thế “giằng co” lẫn nhau.
Tuy nhiên, thế giới luôn biến động và leo thang căng thẳng trong quan hệ 2 nước do tính toán sai, do hiểu lầm hay từ những sức ép chính trị trong nước vẫn luôn là nguy cơ thường trực, thậm chí cả khi hai bên đều có chủ ý tránh xung đột ngay từ đầu.
Một giải pháp hiệu quả để xử lý tình huống này là tạo ra một cơ chế ngăn chặn khủng hoảng nhằm tăng cường trao đổi liên lạc giữa 2 bên, giải quyết các hiểu lầm, đưa ra những "lằn ranh đỏ" để không bên nào đi quá giới hạn... Một cơ chế như vậy đã chứng minh được tính hiệu quả trong các cuộc xung đột khu vực và thế giới.
Bởi vì cả Iran và Israel về mặt chính trị đều không thể tự thiết lập một cơ chế như vậy hay tham gia vào một cuộc đối thoại trực tiếp nên cả 2 quốc gia đều vô cùng cần một bên thứ 3 mà 2 bên có thể tin tưởng được. Bên thứ 3 đó sẽ phải là một bên không có lợi ích riêng và cũng không liên quan hay có ảnh hưởng gì với một trong 2 nước. Trên thực tế, một bên mà 2 nước có thể chấp nhận được như vậy vẫn chưa có.
Do đó, giải pháp tốt nhất tiếp theo chỉ có thể là Nga. Nga đã can thiệp vào cuộc chiến ở Syria và chắc chắn có mong muốn đóng vai trò điều phối này bất kể những hạn chế không thể tránh khỏi. Israel và Iran đều nhận thức rõ Nga có lợi ích riêng ở Syria và những tham vọng quyền lực trong khu vực.
Quân đội Nga tại Syria. (Nguồn: The Moscow Times) |
Trên thực tế, Hhai nước cũng không chào đón Nga đóng vai trò như một "trọng tài", lại càng không an tâm đặt lợi ích an ninh quốc gia vào tay Kremlin. Nhưng sự thật là cả 2 đều nhất trí là họ không thể tìm được bên thứ 3 nào phù hợp hơn. Nga không phải lựa chọn tốt nhất nhưng là lựa chọn duy nhất của cả Iran và Israel.
Dù sao, một cơ chế ngăn chặn leo thang dù có hạn chế và thiếu sót nhưng vẫn còn tốt hơn so với việc không có một lực lượng nào ngăn chặn những xung đột do tính toán sai lầm hoặc có chủ đích trong quan hệ giữa Iran và Israel.