Tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. (Nguồn: China – US Focus) |
Hiện nay, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang có hai luồng quan điểm khác nhau. Trong khi bà Hillary Clinton coi quan hệ với châu Á là ưu tiên số 1, mà trong đó quan hệ với Trung Quốc chỉ là một bộ phận, thì ông Donald Trump lại đặt quan hệ Mỹ - Trung lên trên quan hệ với châu Á.
Chính sách của bà Hillary Clinton
Nhìn chung, đây sẽ là chính sách tiếp nối so với thời kỳ Tổng thống Obama. Chính sách tái cân bằng sang châu Á thực tế được triển khai từ thời bà Hillary là Ngoại trưởng Mỹ và được thực hiện bởi Kurt Cambell, khi đó là Trợ lý Ngoại trưởng và có khả năng trở thành lãnh đạo Bộ Ngoại giao hoặc Quốc phòng nếu bà Hillary đắc cử.
Thêm vào đó, bà Hillary vốn đã có quan hệ chặt chẽ với các cường quốc ở châu Á từ lâu. Ngay từ khi là Ngoại trưởng, bà Hillary đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các đồng minh và quan tâm nghiêm túc tới lợi ích của các đồng minh thân cận. Hơn nữa, ứng cử viên đảng Dân chủ có chính sách “diều hâu” đối với Trung Quốc hơn Tổng thống Obama và sẵn sàng dùng biện pháp quân sự. Do đó, ưu tiên của Mỹ sẽ là tiếp tục ủng hộ các đồng minh ở châu Á.
Mặt trái của việc bà Hillary lên nắm quyền nằm ở khía cạnh thương mại, đặc biệt là việc không mặn mà với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sáng kiến được nhiều đồng minh của Mỹ ủng hộ nhiệt liệt. Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn thì có thể thấy trong hầu hết giai đoạn sự nghiệp của mình, bà Hillary đều hỗ trợ tự do thương mại. Do đó, vẫn có khả năng sau khi lên nắm quyền một vài năm, bà Hillary sẽ quay trở lại hỗ trợ TPP.
Mặc dù bà Hillary chú trọng hơn quan hệ với châu Á những không có nghĩa là bà sẽ chống lại Trung Quốc. Trên thực tế, ứng cử viên đảng Dân chủ muốn có sự hợp tác tích cực mới Trung Quốc ở những lĩnh vực phù hợp, tiếp tục tiến trình hợp tác Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Obama trên các lĩnh vực môi trường, chống cướp biển và cứu hộ thiên tai. Trong vấn đề nhân quyền, ít khả năng bà Hillary sẽ có chính sách cứng rắn hơn thời của Thủ tướng Obama.
Chính sách của tỷ Donald Trump
Không cần bàn cãi, kinh tế sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Trump nếu ông lên nắm quyền. Cụ thể, ông Trump có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc phải “chơi đẹp” hơn trong các vấn đề tiền tệ, trợ cấp,... Với việc chưa rõ ràng ông Trump nhận định thế nào là “chơi đẹp”, chính sách hợp tác với Trung Quốc có thể đi theo chiều hướng tích cực nếu hai bên tìm ra phương thức hợp tác, hoặc đi theo chiều hướng tiêu cực nếu Trung Quốc có chính sách cứng rắn đối với các vấn đề này.
Đối với đồng minh của Mỹ ở châu Á, ông Trump đã nhiều lần thể hiện rõ lập trường là các đồng minh của Mỹ cần phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các vấn đề an ninh. Vị tỷ phú nhấn mạnh đến việc cần phải chia sẻ gánh nặng, cho rằng tất cả gánh nặng an ninh đang dồn vào Mỹ. Nói cách khác, nếu ông Trump lên nắm quyền, các đồng minh của Mỹ sẽ phải tự bảo vệ mình nhiều hơn.
Đối với TPP, ứng cử viên đảng Cộng hòa coi đây là “thảm họa” và sẽ ngừng tiến trình thúc đẩy TPP hoặc đề nghị đàm phán lại với lập trường cứng rắn hơn nhiều so với chính quyền Tổng thống Obama. Vì vậy, khả năng đạt được TPP trong nhiệm kỳ của ông Trump sẽ là rất thấp, tạo cơ hội cho hiệp định Đối tác kinh tế khu vực của Trung Quốc.
Lợi hay không lợi?
Nhìn chung, dường như chính sách của ông Trump sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề là chính sách của bà Hillary sẽ ổn định hơn và vị cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ tìm ra các phương cách qua các kênh ngoại giao truyền thống để hợp tác với Trung Quốc. Điều này lại mang lại nhiều cơ hội cho hợp tác Mỹ - Trung hơn là sự bất ổn định của tỷ phú Trump.
Đối với đồng minh của Mỹ, nếu bà Hillary lên nắm quyền, các đồng minh của Mỹ thậm chí sẽ được hỗ trợ nhiều hơn giai đoạn chính quyền ông Obama. Ngoài ra, so với ông Trump, bà Hillary có mối quan hệ lâu dài và chặt chẽ với nhiều cường quốc ở châu Á. Rõ ràng, ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ tiếp nối chính sách của ông Obama làm sâu sắc hóa quan hệ của Mỹ với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đồng thời mở rộng quan hệ với các quốc gia khác.
Trong khi đó, chính sách tập trung vào hợp tác kinh tế của tỷ phú Trump với Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nước châu Âu ưu tiên hợp tác kinh tế với Trung Quốc hơn là các lo ngại về an ninh. Tuy nhiên, vấn đề là chính sách của ứng cử viên đảng Cộng hòa có nhiều điểm chưa rõ ràng và đầy tính bất trắc. Bởi vậy, không loại trừ khả năng chính sách của ông Trump sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.