📞

Tương lai của tiến trình Brexit

07:00 | 30/01/2017
Một quan chức cấp cao của Anh cho biết: “Nếu chúng ta ở lại EU, thì đó là do nhầm lẫn”. Thủ tướng Theresa May, dù không ủng hộ Brexit, vẫn khẳng định: “Brexit là Brexit”.

Ngày 7/12, kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện Anh cho thấy đa số hạ nghị sĩ đã nhất trí với thời gian kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon là tháng 3/2017 nhằm khởi động tiến trình đàm phán Brexit kéo dài 2 năm. Đây cũng là thời gian biểu mà Thủ tướng Anh Theresa May đã đưa vào kế hoạch. Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis đã nhắc lại cam kết sẽ dành quyền bỏ phiếu cuối cùng cho các nghị sĩ, trước khi chính phủ Anh kích hoạt Điều 50.

Điều quan trọng trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện Anh là phe Công Đảng đối lập đã đồng ý với kế hoạch của Thủ tướng dù họ có yêu cầu chính phủ công bố chiến lược đàm phán cụ thể, chi tiết. Một số nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng đề nghị chính phủ công bố kế hoạch đàm phán vào đầu năm 2017. Nhìn chung, việc Hạ viện Anh nhất trí với thời gian biểu kích hoạt Điều 50 sẽ giúp tiến trình Brexit diễn ra dễ dàng hơn. Phát biểu sau khi Hạ viện bỏ phiếu, Thủ tướng May bày tỏ niềm tin rằng chính phủ của bà có thể kích hoạt Điều 50 vào cuối tháng 3/2017 như dự kiến.

Thế lưỡng nan của Chính phủ

Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân với 51,89% cử tri ủng hộ Brexit so với 48,11% người phản đối đã thể hiện rõ sự phân hóa trong nội bộ nước Anh, cho thấy quốc gia này bị chia rẽ sâu sắc trong vấn đề “đi hay ở”. Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân, một bộ phận cử tri Anh đã thấy “hối tiếc” vì đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, thậm chí nhiều người kiến nghị tiến hành trưng cầu ý dân lại nhưng kết quả cuối cùng đã được công nhận và phải được tôn trọng.

Việc Anh rời EU hoàn toàn có thể tạo ra sự bất mãn cho người dân Scotland và khuyến khích họ tổ chức thêm một cuộc trưng cầu ý dân để ly khai. Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý về Brexit được công bố, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã nói rằng, kết quả trưng cầu này là “không thể chấp nhận được” bởi Scotland sẽ buộc phải rời khỏi EU trong khi đại đa số cử tri vùng lãnh thổ này muốn được ở lại. Tiến trình Brexit là cơ hội để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân tiếp theo ở Scotland. Scotland cũng sẽ tìm cách để ở lại thị trường chung EU mặc cho những vùng lãnh thổ khác của Anh rời khỏi thị trường này. Đối với Bắc Ireland, Phó Thủ hiến Martin McGuiness đã nói rằng tác động của Brexit ở khu vực này rất nghiêm trọng và toàn bộ hòn đảo Ireland nên tổ chức trưng cầu ý dân về việc tái thống nhất.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Quốc gia về nghiên cứu xã hội (NatCen) công bố hôm 16/11, trong số 1.400 người tham gia khảo sát, 85% muốn chính phủ kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn, 90% cho rằng nước Anh cần phải ở lại thị trường chung EU nhằm đối phó với những nguy cơ đe dọa về kinh tế. Tuy nhiên, khi buộc phải lựa chọn, 51% ủng hộ việc kiểm soát nhập cư so với 49% ủng hộ thị trường chung EU – một tỉ lệ rất sát sao. Điều này cho thấy chính phủ Anh sẽ rất khó khăn khi hoạch định và triển khai Brexit, làm sao vừa đảm bảo được quyền lợi của đất nước nhưng cũng không được làm mất lòng cử tri.

Kịch bản nào cho Brexit?

Tuy nhiên, không ai thực sự biết rằng tiến trình rút lui của nước Anh sẽ diễn ra như thế nào bởi điều khoản này mới được tạo ra năm 2009 và chưa bao giờ được sử dụng. Dù vậy, chúng ta có thể đưa ra một số kịch bản dự báo về tiến trình Brexit.

Kịch bản 1: Brexit “cứng”. Theo kịch bản này, đàm phán sụp đổ. Nước Anh sẽ rời EU với rất ít thỏa thuận đạt được, mất đi hầu hết những quyền ưu tiên tiếp cận thị trường chung EU, không còn cơ chế hợp tác nào đáng kể giữa Anh và EU nữa. Giả định rằng những đòi hỏi của cả hai phía (Anh và EU) là quá khắt khe, Anh sẽ sẵn sàng thực hiện những hành vi đơn phương để trở thành một trục thu hút hoạt động kinh tế toàn cầu với thuế suất thấp, rồi tạo ra những mối đe dọa cạnh tranh. Thủ tướng Theresa May không thích kịch bản này nhưng các quan chức ở cả hai phía đều thừa nhận lo ngại về khả năng xấu nhất có thể xảy ra.

Kịch bản 2: Thành lập một dạng thức hợp tác mới giữa Anh và EU. Theo kịch bản này, quan hệ Anh - EU căng thẳng nhưng đủ vững để sắp xếp một thỏa thuận về thuế quan, đàm phán các điều kiện thương mại và thông qua thỏa thuận đó ở Nghị viện châu Âu cũng như quốc hội các nước thành viên. Giả định nước Anh sẽ rời EU, nhưng ý chí chính trị mang tính hợp tác giữa hai phía sẽ được duy trì để thống nhất về vấn đề thương mại có lợi cho cả hai bên. Anh và đối tác EU sẽ xem xét một mô hình ở đó hai bên cùng nhau cam kết không tăng thuế trong khi một thỏa thuận thương mại được hoàn thành. Bộ trưởng  David Davis đã nhấn mạnh nhu cầu giữ một khối tự do thuế quan, mà ông tin rằng EU sẽ đưa ra đề nghị đó.

Kịch bản 3: Anh vẫn là một phần của thị trường chung EU nhưng với những điều khoản được điều chỉnh. Nước Anh sẽ được thỏa mãn với quyền kiểm soát lớn hơn trong một số lĩnh vực chính sách. Quan trọng hơn, EU cho phép “một cú phanh khẩn cấp” để thắt chặt dòng người nhập cư vào nước Anh làm việc trong một số ngành đang quá tải vì thiếu nhân lực. Đổi lại, Anh từ bỏ hầu hết ảnh hưởng của họ lên các quy định của EU mà họ phải tuân thủ. Anh tiếp tục đóng góp vào ngân sách của EU nhưng ít hơn. Đây là lựa chọn mà các doanh nghiệp lớn và khu vực thủ đô London ưu tiên. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn. Đầu tiên, Anh sẽ phải nhận được sự ủng hộ không chỉ từ khu vực Đông Âu vốn ủng hộ di cư mà còn cả từ Pháp và Hà Lan, những nước không muốn đặt ra tiền lệ cho chủ nghĩa dân túy chống EU. Thứ hai, nếu Anh chỉ là người tuân thủ luật chơi trong một thị trường chung, cam kết đi theo luật lệ của EU về mọi lĩnh vực, tức là Anh sẽ mất đi quyền đặt ra luật chơi và không thể kiểm soát vấn đề người di cư.

Kịch bản 4: Thay đổi quyết định. Anh sẽ viện dẫn Điều 50 Hiệp ước Lisbon, nhưng sẽ rút ra khỏi quá trình đàm phán chính thức trước khi đàm phán xong, tiếp tục là một thành viên đầy đủ của EU. Kịch bản này phụ thuộc vào sự vận động của chính trường Anh. Sau những cuộc đàm phán, Thủ tướng Theresa May hoặc một thủ tướng nào đó trong tương lai không được chấp nhận cho đàm phán về một thỏa thuận rút khỏi EU, có thể là sự ngăn cản từ Quốc hội, Tòa án hoặc một cuộc trưng cầu ý dân khác. Một nhân tố khác là chính trường EU, tức là EU thay đổi, đặt ra điều kiện cho các thành viên, hoặc một dạng thức “thành viên không chính thức” nào đó. Tình hình kinh tế khó khăn được dự báo khi nước Anh thực sự rút lui có thể là một nhân tố quan trọng trong quyết định cho sự lựa chọn này.

Kịch bản nào sẽ xảy ra phụ thuộc vào quyết định của các chính trị gia. Nhưng như một quan chức cấp cao của Anh cho biết: “Nếu chúng ta ở lại EU, thì đó là do nhầm lẫn”. Thủ tướng May, dù không ủng hộ Brexit, vẫn khẳng định: “Brexit là Brexit” và sẽ phải là một chính trị gia thực sự can đảm để đảo ngược Brexit mà không được sự đồng ý của cử tri.

Cựu Ngoại trưởng Anh Philip Hammond (bây giờ là Bộ trưởng Tài chính) dự báo sẽ mất 6 năm để đàm phán rút khỏi EU hoàn tất. Những điều khoản liên quan đến Brexit phải được sự chấp thuận của nghị viện tất cả các nước thành viên, chắc chắn đó sẽ là một tiến trình kéo dài vài năm. Trong thời gian đó, các quy định của EU vẫn có hiệu lực ở Anh cho đến khi Anh chính thức rút. Anh sẽ tiếp tục thực thi những hiệp ước và quy định của EU nhưng không tham gia vào bất cứ quá trình hoạch định chính sách nào nữa. Dù thế nào thì Brexit sẽ là một tiến trình dài mà chỉ có tương lai mới mang tới câu trả lời chính xác.