📞

Vai trò của Mỹ trên thế giới đang thay đổi

14:59 | 31/03/2016
Liệu Mỹ sẵn sàng làm mọi thứ để lãnh đạo trật tự thế giới cùng với các đồng minh, đồng thời vẫn là siêu cường chủ chốt ở những khu vực trọng yếu?
Bài viết "Học thuyết Obama" trên trang bìa The Atlantic. (Nguồn: The Atlantic)

Các cuộc bầu cử sơ bộ nhằm chọn ra ứng cử viên cho vị trí Tổng thống mới của Mỹ đang đưa ra những góc nhìn thú vị về câu hỏi trên. Song trước khi đánh giá, người ta cũng nên quan tâm những gì Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã nói. Hồi đầu tháng Ba này, tạp chí The Atlantic (Mỹ) đã đăng bài viết dài có tên “Học thuyết Obama”, gồm một loạt bài phỏng vấn với Obama để tìm hiểu quan điểm của ông về chính sách đối ngoại và vai trò của nước Mỹ trên thế giới trong thời gian ông tại nhiệm.

Không mạo hiểm đối đầu

Tổng thống Obama đã bác bỏ nhiều quan niệm chính thống về vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, vốn được giới tinh hoa chính sách đối ngoại - bao gồm những cố vấn cấp cao nhất của ông - xem là hiển nhiên. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của ý niệm chính thống này là tầm quan trọng của duy trì uy tín của Mỹ. Ý tưởng này cho rằng nước Mỹ cần phải phản ứng quyết đoán trước bất kỳ thách thức nào nhằm vào quyền lực của họ, thậm chí ngay cả khi lợi ích tức thời của Mỹ là thấp và cái giá phải trả là cao. Bởi lẽ, bất cứ thất bại nào như thế sẽ phát tín hiệu đến đồng minh và đối thủ ở những nơi khác trên thế giới. Đồng minh sẽ mất niềm tin vào Mỹ, trong khi đối thủ trở nên bạo dạn hơn.

Đây là lập luận mà ông Obama từng đưa ra hồi năm 2013 khi đối mặt với quyết định, liệu có nên không kích Syria để đáp trả việc Damascus sử dụng vũ khí hóa học, vấn đề mà Tổng thống Mỹ trước đó tuyên bố sẽ tạo ra "giới hạn đỏ" hay không. Tuy nhiên, ông Obama đã không làm vậy. Ông Obama nói: "Không kích để chứng tỏ bạn sẵn sàng không kích ai đó chỉ là lý do tồi tệ nhất nhằm biện minh cho việc sử dụng vũ lực".

Tổng thống Obama đã nhắc đến quyết định này như một sự phủ nhận "giáo trình” chính sách đối ngoại, mà theo ông mô tả là "cái bẫy có thể dẫn đến những quyết định sai lầm". Sau gần 8 năm cầm quyền, ông Obama vẫn tự hào là người đứng ngoài giới tinh hoa chính sách đối ngoại của Washington. Và dù Tổng thống Mỹ cũng khẳng định quan điểm rằng quan hệ Mỹ-Trung là quan trọng nhất với Mỹ, ông dường như không quá lo lắng về việc Trung Quốc trỗi dậy sẽ tạo ra cho trật tự khu vực do Mỹ đứng đầu. Ông Obama tuyên bố, "chúng tôi sợ một Trung Quốc suy yếu, đầy đe dọa hơn là một Trung Quốc trỗi dậy và thành công".

Sự chối bỏ của ông Obama về khái niệm uy tín là lý giải cho hành động và can dự quân sự của Mỹ, sẽ tác động đến các quyết định mà ông sẽ đưa ra trong một cuộc khủng hoảng châu Á, chẳng hạn như ở Biển Đông. Ông Obama dường như phát tín hiệu rằng, nước Mỹ sẽ không mạo hiểm đối đầu trong những vấn đề chủ yếu mang giá trị biểu tượng, cũng không sử dụng vũ lực khi một chiến thắng mau chóng không được đảm bảo. Song ông Obama giờ đây sắp mãn nhiệm, người thay thế ông sẽ nghĩ sao?

Ít can dự vấn đề toàn cầu

Vẫn còn quá sớm để chắc chắn Donald Trump sẽ là ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Thậm chí ngay cả nếu đúng là ông, cơ hội để đánh bại đối thủ hàng đầu của đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng là mong manh. Dù vậy, toàn bộ cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng này trong 6 tháng qua đã thể hiện quan điểm của người dân về nước Mỹ. Thông điệp là họ không còn tin tưởng và ủng hộ những gì thể chế chính trị và chính sách của Washington đưa ra trong nhiều thập kỷ qua. 

Thông điệp này không chỉ đến từ những người ủng hộ Trump. Ở mặt khác của chính trường, sức mạnh đáng kinh ngạc mà Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang thể hiện, như một "nhà xã hội chủ nghĩa", đơn thuần là chối bỏ hoàn toàn thể chế đảng Dân chủ, cũng tương tự như Trump ở phía Cộng hòa.

Phần nhiều những gì thúc đẩy cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Trump và Sanders bắt nguồn từ các vấn đề trong nước, đặc biệt là kinh tế. Tuy nhiên, người ta không nên bỏ qua việc những ứng viên này đang phát đi quan điểm của đông đảo người dân Mỹ về vị trí đất nước họ trên thế giới. Nhìn bên ngoài, nhà tài phiệt khoa trương và nhà hoạt động xã hội dường như có rất ít điểm chung, song về chính sách đối ngoại, cả hai đều chỉ về cùng một hướng. Ngay từ đầu, cả hai đã thẳng thừng cự tuyệt ủng hộ giới tinh hoa chính sách đối ngoại của Washington. Họ không làm những gì mọi ứng viên khác đều làm như bổ nhiệm một vài tên tuổi lớn từ giới nghiên cứu làm cố vấn, đưa ra những bài phát biểu được soạn thảo kĩ lưỡng về chính sách đối ngoại để tạo uy tín cho mình.

Sâu xa hơn, cả hai rõ ràng đang đưa ra hình ảnh một nước Mỹ ít can dự vào các vấn đề toàn cầu hơn. Cả hai đang vứt bỏ “giáo trình” chính sách đối ngoại của Washington, giống như ông Obama đã làm. Điểm chính trong quan điểm về chính sách đối ngoại của Trump là từ bỏ những cam kết liên minh của Mỹ với các đồng minh. Trump không chấp nhận ý tưởng chính thống rằng bảo vệ đồng minh là lợi ích cốt lõi của Mỹ. Thay vào đó, Trump nói về chuyện các nước đó phải trả giá để có sự bảo vệ từ Mỹ. Quan điểm đang thu hút nhiều người ủng hộ Trump hoàn toàn không giống những gì giới tinh hoa Washington nghĩ đến. Thông điệp của ông Trump với thế giới là: Để nước Mỹ yên, và chúng tôi sẽ để các người yên.

Tất nhiên, bà Clinton đang có cơ hội lớn hơn để trở thành Tổng thống Mỹ, và bà là một nhân vật của giới tinh hoa Washington. Hillary Clinton có thể sẽ tuân thủ “giáo trình” truyền thống về chính sách đối ngoại. Song giờ đây, bà biết, sau những cuộc bầu cử sơ bộ đầu năm nay, nước Mỹ mà có thể do bà lãnh đạo sẽ ít sẵn sàng lao vào những cuộc phiêu lưu ở nước ngoài để bảo vệ uy tín của nước Mỹ. Khi đó, dưới thời Tổng thống Hillary Clinton, người ta có thể không còn thấy sự đảm bảo về vai trò của Mỹ trên thế giới, hoặc ở châu Á.

(theo Straits Times, The Atlantic)