Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Ảnh minh họa. (Nguồn: The Hill) |
“Vỡ nợ” ở Mỹ không giống như vỡ nợ ở các nền kinh tế khác mà thực chất là nợ công vượt mức trần đã được Quốc hội nước này phê chuẩn.
Câu chuyện nước Mỹ
Mỹ bắt đầu áp dụng trần nợ công từ năm 1939 với mức 45 tỷ USD, cao hơn khoảng 10% so với tổng nợ của chính phủ liên bang năm đó. Trần nợ công là mức tối đa số tiền quốc hội Mỹ cho phép chính phủ vay tiền từ các nguồn trong và ngoài nước để chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản, từ bảo hiểm, y tế, phúc lợi xã hội đến trả lương cho quân đội và duy trì sức mạnh quốc phòng.
Nước Mỹ không phải là trường hợp duy nhất từng “vỡ nợ”. Tuy nhiên, “vỡ nợ” ở Mỹ không phải là “phá sản” mà chỉ là vướng trần nợ công do quốc hội nước này quy định khiến chính phủ hết tiền để hoạt động.
Trên thế giới, ngoài Mỹ, chỉ có Đan Mạch áp dụng trần nợ công tương tự. Tuy nhiên, Đan Mạch chưa một lần lâm vào những cuộc đối đầu chính trị kinh niên như ở Mỹ trong vấn đề trần nợ công bởi nước này luôn áp dụng mức trần cao hơn nhiều so với mức nợ chính phủ trên thực tế.
Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ tính từ năm 1960 đến nay, đã có 147 chính phủ vỡ nợ. Hiện mức trần nợ công của Mỹ là 31.400 tỷ USD, tương đương 117% GDP. Con số này cho thấy, dự trữ tiền mặt của chính phủ sẽ cạn kiệt vào ngày 5/6. Nếu quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận cho phép nâng trần nợ công, chính phủ hết tiền chi tiêu và buộc phải tuyên bố “phá sản”, đóng cửa hoạt động.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, nước này luôn trong tình trạng chi nhiều hơn thu trong nhiều năm qua. Thâm hụt ngân sách nửa đầu năm tài chính từ tháng 10/2022-4/2023 là trên 1.100 tỷ USD.
Mỹ từng vỡ nợ thực sự ít nhất năm lần, trong các năm 1862, 1934, 1968, 1971 và 1979. Kể từ năm 1960, chính phủ Mỹ đã 78 lần phải đề nghị Quốc hội nâng trần nợ và phần lớn đều diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, có nhiều lần quốc hội không chấp thuận nâng trần nợ khiến chính phủ phải dừng hoạt động. Những năm gần đây, việc đàm phán nâng trần nợ thường được sử dụng như một vũ khí lợi hại trong “cuộc đấu nảy lửa” giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa cho các mục tiêu chính trị, nhất là khi bầu cử Tổng thống sắp đến.
Ở Mỹ, việc nâng trần nợ công là quy trình thông thường tại quốc hội. Hầu hết các lần trước đây, thỏa thuận về nâng trần nợ công được hai đảng đàm phán và đi đến thỏa hiệp nhanh hơn. Năm nay, trong bối cảnh sự chia rẽ giữa đảng Dân chủ có xu hướng mở rộng chi tiêu với đảng Cộng hòa chủ trương thắt lưng buộc bụng khiến việc hai bên dàn xếp được mức nâng trần nợ khó khăn hơn hơn nhiều.
Lần gay cấn gần đây nhất vào năm 2011, nước Mỹ đã sẵn sàng cho khả năng vỡ nợ do đảng Cộng hòa nhất quyết không đồng ý tăng trần nợ cho đến khi Tổng thống Obama (đảng Dân chủ) phải nhượng bộ, đồng ý cắt giảm chi tiêu chỉ 72 giờ trước khi chính phủ liên bang tuyên bố vỡ nợ. Khi đó, ông Joe Biden là Phó Tổng thống.
Việc quốc hội chỉ chấp thuận vào phút chót khiến hãng xếp hạng tín dụng uy tín hàng đầu thế giới Standard & Poor's (S&P) lần đầu tiên trong lịch sử hạ mức tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+, một động thái khiến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu ngay lập tức lao dốc, kinh tế Mỹ suy thoái trầm trọng trong năm 2012 và lạm phát tiếp tục leo thang trong những năm sau.
Trước đó, chính phủ Mỹ từng phải đóng cửa hai lần vào năm 1995 và 1996 khi Tổng thống Bill Clinton (Dân chủ) và Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa đối đầu trong vấn đề này.
Các quốc gia vỡ nợ
Sri Lanka là quốc gia mới nhất tuyên bố vỡ nợ ngày 18/5/2022 khi chính phủ nước này không còn khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD. Tháng 3/2020, Lebanon vỡ nợ lần đầu khi không thể trả khoản nợ 1,2 tỷ USD trái phiếu châu Âu (Eurobond) và các khoản nợ đến hạn khác tương đương 170% GDP.
Tháng 5/2020, Argentina tuyên bố vỡ nợ lần thứ chín vì không thể thanh toán 500 triệu USD tiền lãi đến hạn cho các khoản nợ nước ngoài trong khi nền kinh tế đã suy thoái nghiêm trọng từ năm 2018. Năm 2001, Argentina tuyên bố vỡ nợ với khoản nợ 100 tỷ USD, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Phải đến năm 2016, Argentina mới có thể quay lại thị trường tín dụng quốc tế.
Tháng 11/2017, Venezuela tuyên bố vỡ nợ một phần với khoản nợ hơn 196 tỷ USD trong khi ngoại hối chỉ còn 9,6 tỷ USD dự trữ. Hy Lạp được coi là quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ vào ngày 30/6/2015 khi nước này không thể trả 1,5 tỷ Euro cho các quốc gia chủ nợ và 456 triệu Euro cho IMF. Tuy nhiên, một khoản vay ngắn hạn khẩn cấp 96 tỷ USD từ quỹ chống khủng hoảng của EU đã giúp Hy Lạp thanh toán các khoản nợ sau khi đồng ý cải cách và thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Tháng 12/2008, Ecuador thông báo tạm ngừng thanh toán gần 40% nợ quốc gia lần thứ ba trong 14 năm. Sau đó, Ecuador buộc phải tái cơ cấu khoản nợ trị giá 17,4 tỷ USD, một động thái mà các cơ quan xếp hạng tín dụng coi là vỡ nợ. Đến 2020, Ecuador vỡ nợ lần nữa do đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế từ trước đó song nước này đã tái cấu trúc nợ nhờ các gói cứu trợ của IMF.
Tháng 8/1998, Nga tuyên bố tạm ngừng thanh toán nợ nước ngoài trong vòng 90 ngày, hạ giá đồng Ruble và tuyên bố vỡ nợ trong nước. Nợ nước ngoài của Nga vào năm 1989 là 141 tỷ USD, trong khi Fitch ước tính nợ trong nước là khoảng 50,6 tỷ USD. Phải hơn 10 năm sau, đến năm 2008, Nga mới nối lại được các khoản vay từ các thị trường tài chính quốc tế. Tháng Tư vừa rồi, S&P từng tuyên bố, Nga “vỡ nợ có chọn lọc” sau khi nước này trả nợ bằng Ruble thay vì USD.
Tháng 8/1982, Mexico cho biết không còn khả năng trả khoản nợ 86 tỷ USD. Sau đó, Mỹ và IMF đã cung cấp khoản vay khẩn cấp cho Mexico với yêu cầu phải tái cấu trúc kinh tế. Năm 1995, IMF phải giải cứu Mexico lần nữa với các khoản vay trị giá 17,8 tỷ USD, một phần của gói hỗ trợ quốc tế trị giá 50 tỷ USD cho nước này.
Nước nào lo nhất?
Trung Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất với 2.000 tỷ USD, chiếm hơn 25% trong tổng số 7.600 tỷ trái phiếu Mỹ đang nằm trong tay nước ngoài. Trung Quốc bắt đầu gia tăng mua trái phiếu Mỹ vào năm 2000, sau khi Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO. Lượng trái phiếu Mỹ do Trung Quốc sở hữu đã tăng vọt từ mức 101 tỷ USD vào năm 2000 lên mức 1.300 tỷ USD vào năm 2013.
Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump khiến Trung Quốc giảm tỷ lệ nắm giữ nợ chính phủ Mỹ, nhường ngôi “chủ nợ lớn nhất” cho Nhật Bản. Nhật Bản hiện nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD nợ chính phủ Mỹ còn Trung Quốc nắm giữ 870 tỷ USD. Con số khổng lồ này khiến nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới dễ bị tổn thương nhất nếu Mỹ vỡ nợ, khiến trái phiếu Mỹ lao dốc.
Các quốc gia vỡ nợ có xu hướng cơ cấu lại khoản nợ thay vì từ chối thanh toán bất cứ khoản nào. Ví dụ, sau khi vỡ nợ 81 tỷ USD năm 2001, Argentina đã đề nghị trả cho các chủ nợ một phần ba số tiền và cuối cùng, 93% khoản nợ được chuyển đổi thành trái phiếu đảm bảo vào các năm 2005 và 2010.
Khi Hy Lạp vỡ nợ năm 2015, các chủ nợ buộc phải chấp nhận khoản lỗ cao nhất lên tới 50%. Trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, các quốc gia có thể chọn cơ cấu lại khoản nợ bằng cách xin gia hạn thêm thời gian thanh toán. Điều này có tác động làm giảm giá trị trái phiếu nên nó không hoàn toàn an toàn đối với các nhà đầu tư.
Nếu việc vỡ nợ xảy ra bất ngờ, với quy mô đáng kể, những người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư trong nước lo ngại sự sụt giảm giá trị của đồng nội tệ. Khi đó, họ sẽ ồ ạt rút tiền từ tài khoản ngân hàng và chuyển ra nước ngoài.
Để tránh tình trạng này, các chính phủ có thể phải đóng cửa ngân hàng cũng như áp đặt một số biện pháp kiểm soát vốn. Tất nhiên, các cơ quan xếp hạng tín dụng chắc chắn sẽ cảnh báo việc đầu tư vào một quốc gia vỡ nợ. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, những chủ nợ muốn hưởng lợi vẫn sẽ cho vay trở lại miễn là họ nhận được khoản tiền xứng đáng với rủi ro mà mình chấp nhận.
Theo Economist, điều quan trọng cần lưu ý là không có luật hay tòa án quốc tế nào giải quyết các vụ vỡ nợ của chính phủ. Điều này giải thích tại sao các vụ vỡ nợ diễn ra rất đa dạng, cả về quy mô và mức độ nghiêm trọng.