Là một trong những mắt xích trong chiến lược “Made in China 2025”, Tập đoàn công nghệ Huawei được kỳ vọng sẽ hiện thực hoá mục tiêu biến Trung Quốc thành siêu cường công nghệ vào năm 2025. Tuy nhiên, việc các nhà chức trách Canada bắt giữ “Công chúa Huawei” Mạnh Vãn Chu tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ tiếp tục thổi bùng căng thẳng và đẩy cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh sang một giai đoạn khốc liệt hơn.
Cú giáng mạnh vào đối thủ tiềm năng
Sau khi Mỹ từ chối cho phép Huawei tham gia đấu thầu dự án đầu tư mạng lưới viễn thông 3G và nâng cấp mạng lưới mạng không dây cho hãng viễn thông Sprint, tháng 10/2012, Quốc hội Mỹ đã ban hành Dự luật H.R.4747 về “Bảo vệ Thông tin liên lạc của Chính phủ Hoa Kỳ”. Theo đó, dự luật này cáo buộc Huawei là mối đe doạ an ninh quốc gia của Washington, khiến cho doanh thu của Huawei tại thị trường Mỹ sụt giảm mạnh. Năm 2017, một công ty Trung Quốc khác là ZTE cũng bị cáo buộc vận chuyển trái phép các mặt hàng có nguồn gốc Mỹ sang Iran. Hành động này được cho là vi phạm nghiêm trọng Đạo luật về “Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế” được Chính phủ Mỹ ban hành năm 1977.
Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, Trung Quốc. (Nguồn: NewDaily) |
Hãng tin Bloomberg cho biết, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu có thể là một iFan cuồng nhiệt. Tại thời điểm bị bắt giữ, bà Mạnh sử dụng iPhone 7 Plus, iPad Pro và MacBook Air bên cạnh chiếc điện thoại Huawei Mate 20 RS Porsche Edition - sản phẩm duy nhất của Huawei mà bà mang theo. |
Trước cáo buộc Huawei làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, cùng lệnh cấm sử dụng thiết bị hoặc giao dịch với những nhà thầu đang sử dụng thiết bị của Huawei, tập đoàn viễn thông đã phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng Washington đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Phía Trung Quốc cũng cho biết, việc Chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm Huawei đấu thầu các dự án tại Washington là không quan trọng.
Tháng 1/2018, thương vụ hợp tác phân phối điện thoại thông minh giữa Huawei và AT&T của Mỹ “đổ bể” vào phút chót xuất phát từ những lo ngại rằng thiết bị của Huawei sẽ là mối đe doạ an ninh đối với quốc gia và người dùng cá nhân Mỹ. Giới chức Washington cho biết, Huawei nhiều khả năng tạo điều kiện cho các hoạt động gián điệp của Trung Quốc thông qua việc cài đặt các thiết bị hỗ trợ trực tuyến trên nền tảng điện tử để nghe lén hoặc chia sẻ bí mật về thông tin khách hàng.
Trong bối cảnh Huawei vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới vào ngày 19/7/2018 và Mỹ đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp phương thức liên lạc, Washington được cho là đã và đang nỗ lực thuyết phục châu Âu và những đồng minh khác “tẩy chay” tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc này. Theo đó, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Canada, Australia, Nhật Bản, New Zealand và một số chính phủ khác đã áp đặt các biện pháp hạn chế sử dụng công nghệ Huawei đối với các vấn đề bảo mật và an ninh quốc gia. Đáp lại động thái đó, chính phủ Trung Quốc khẳng định, Mỹ đang phóng đại những quan ngại của Washington về mặt an ninh nhằm ngăn chặn một đối thủ tiềm năng như Bắc Kinh.
Ăn miếng, trả miếng
Ngày 1/12/2018, khi vừa đặt chân xuống máy bay từ Hongkong tới Vancouver, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu đã ngay lập tức bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu từ phía chức trách Mỹ.
Động thái trên được đánh giá là một nước cờ cao tay khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ chỉ vài giờ trước khi lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 với kết quả là “đình chiến” 90 ngày trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thêm vào đó, việc lựa chọn địa điểm bắt giữ “Công chúa Huawei” cũng thể hiện toan tính rõ ràng của các nhà chức trách Mỹ nhằm kéo Ottawa xích lại gần Washington hơn khi thỏa thuận thương mại Canada ký kết với Mỹ và Mexico còn chưa ngã ngũ.
Sau 3 phiên điều trần, tòa án British Columbia cho phép bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD cùng một số điều kiện khác. Theo đó, Mỹ có 30 ngày để gửi yêu cầu dẫn độ bà Mạnh. |
Sau khi ái nữ của Chủ tịch một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới bị bắt giữ, ngày 8 - 9/12/2018, Bộ Ngọai giao Trung Quốc đã tìm kiếm các biện pháp trả đũa bằng cách triệu hồi Đại sứ Canada tại Trung Quốc để phản đối, đề nghị Canada lập tức thả người. Trung Quốc cũng đồng thời triệu hồi Đại sứ Mỹ, cáo buộc Mỹ vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của công dân nước này và đề nghị Mỹ rút lại lệnh bắt giữ với bà Mạnh Vãn Chu.
Ottawa sau đó đã phải nhận “quả đắng” từ Bắc Kinh khi cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig bị bắt giữ mà không rõ lý do tại Trung Quốc cùng thời điểm bà Mạnh bị xét xử. Hai công dân Canada khác mà Bắc Kinh công khai bắt giữ là Michael Spavor – điều hành công ty du lịch Triều Tiên và nữ giáo viên tiếng Anh Sarah Mclver. Đó là chưa kể đến 10 công dân Canada khác chưa được công bố danh tính, cùng hàng loạt trừng phạt kinh tế mà Bắc Kinh có thể dành cho Ottawa.
Về phần mình, luật sư đại diện cho bà Mạnh Vãn Chu đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao British Columbia để khởi kiện chính phủ Canada, Cơ quan Dịch vụ Biên giới (CBSA) và Cảnh sát Hoàng gia Canada vi phạm nghiêm trọng quyền theo hiến pháp của bà khi bắt, lục soát và thẩm vấn trong ba giờ tại sân bay Vancouver.
Trong đơn kiện trình lên tòa án ngày 1/3, luật sư đại diện cho bà Mạnh cáo buộc việc các sĩ quan thu thập bằng chứng và thông tin từ nữ giám đốc tài chính Huawei đã vi phạm Hiến chương Canada về Quyền và Tự do. Tuy nhiên, số phận của công chúa Huawei cho đến nay vẫn chưa được định đoạt.
“Con át chủ bài” trên bàn thương thảo
Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có nhiều động thái cải thiện và mở rộng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Tuy nhiên, với việc Ottawa ngả về phía Washington trong vụ “Công chúa Huawei” và ông chủ Toà Bạch Ốc Trump tuyên bố sẽ can thiệp nếu điều này phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, có thể thấy Mỹ cũng có những tính toán riêng trong từng bước đi, trong đó có mong muốn kéo cả một mặt trận đồng minh chống lại Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định: “Chúng tôi vẫn tin rằng, Mỹ và Huawei sẽ không và không nên tiến tới đối đầu, cách giải quyết vấn đề có thể được tìm thấy miễn là dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”. |
Trước tiên, việc Mỹ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu là nhằm thể hiện sức mạnh của Washington. Bắt giữ một lãnh đạo chóp bu của Huawei là nhằm thực hiện hai vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump: xác minh việc Huawei ăn cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ và vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran.
Thứ hai, lệnh bắt giữ “công chúa Huawei” mang theo hàm ý cảnh báo nghiêm túc tới giới doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc về các hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích thương mại và an ninh quốc gia của Mỹ.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra, Tổng thống Trump có thể lấy “con át chủ bài” này ra để gây sức ép với Trung Quốc trên bàn thương thảo. Theo đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ đưa vào trong thoả thuận thương mại sắp tới các vấn đề về chống gián điệp kinh tế, sở hữu trí tuệ hay chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của cường quốc Đông Bắc Á, đồng thời khiến cho việc hiện thực hóa chiến lược “Made in China 2025” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở nên xa vời.
Cuối cùng, lợi ích cốt lõi mà Washington theo đuổi là yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức dừng mọi hoạt động gián điệp kinh tế, ăn cắp công nghệ hay bắt buộc các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền được hoạt động tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Sự phát triển về khoa học công nghệ đã khiến Mỹ vượt trội và nổi bật hơn so với phần còn lại của thế giới. Mặc dù Trung Quốc đang nỗ lực để thay đổi vị trí siêu cường công nghệ toàn cầu của Mỹ, song với việc Washington đang nắm giữ “con át chủ bài” Mạnh Vãn Chu, cuộc đua tranh giữa hai cường quốc này vẫn chưa có hồi kết.