TIN LIÊN QUAN | |
Báo Đức ca ngợi Việt Nam chủ động và quyết liệt trong phòng chống dịch Covid-19 | |
Covid-19: Thiếu lòng tin tưởng toàn cầu, loài người khó lòng dập tắt đại dịch |
Tinh thần quyết tâm cao của Việt Nam đã tạo nên sức mạnh kiên cường để chiến đấu và quyết chiến thắng đại dịch Covid-19. |
Khi tôi viết những dòng này (ngày 24/3) thì đại dịch Covid-19 do virus SARS-COV-2 gây ra, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã lan ra trên 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đại dịch Covid-19 này nguy hiểm đến mức, đêm 11/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố là đại dịch toàn cầu và ngày 18/3, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phát biểu với báo giới rằng, Covid-19 là kẻ thù chống lại nhân loại.
Tính đến nay, số người lây nhiễm trên toàn cầu đã hơn 400.000 ca, số người tử vong đã lên đến hơn 18.500. Không chỉ Trung Quốc, một số nước đã nổi lên là ổ dịch lớn như Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức Iran...
Theo Worldometer, số người bị lây nhiễm và tử vong trên thế giới tiếp tục thay đổi khó lường. Ngay bây giờ, chúng ta đang chứng kiến các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục đóng cửa. Loài người đang bước vào một thời kỳ giảm tiêu dùng, chấp nhận việc sống với ít nhu cầu về vật chất và tinh thần hơn. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phầm chìm của tảng băng là “những hệ quả không định trước”. Bên cạnh những tổn thất về người và có thể đo đếm được có những tổn thất không thể đo đếm được, đó là những tổn thất không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần và lòng tin. Ngược lại với những hệ lụy trên, đại dịch Covid-19 cũng gợi lên cho loài người nhiều suy nghĩ mới, cách làm mới.
Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu cho đến nay có thể chia làm ba đợt. Đợt 1 là Trung Quốc; đợt 2 là Hàn Quốc và Nhật Bản; đợt 3 là châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới.
Đại dich Covid-19 ở Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dịch Covid-19 lan truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam khởi đầu từ ngày 23/1, với hai trường hợp được xác nhận ở TP. Hồ Chí Minh là hai cha con người Trung Quốc, đến ngày 25/2, khi ca nhiễm thứ 16 (ca cuối cùng của giai đoạn 1) được chữa khỏi. Tất cả những người lây nhiễm trong đợt 1 đều đến từ vùng dịch Trung Quốc hoặc đi qua vùng dịch Trung Quốc và những người tiếp xúc trực tiếp với những người đã lây nhiễm. Giai đoạn 2, khởi đầu từ ngày 6/3 cho đến nay. Tin tức cập nhật cho biết, tính đến 21h ngày 23/3, Việt Nam có 123 ca nhiễm, trong đó 17 ca đã khỏi bệnh, không có ca nào tử vong. Tất cả các ca lây nhiễm trong đợt 2 đều đến từ các vùng có dịch trên thế giới, chủ yếu là từ châu Âu. Một số ít trường hợp lây nhiễm nội địa do tiếp xúc trực tiếp với người đã lây nhiễm từ vùng dịch trên thế giới. |
Chủ trương, biện pháp phòng chống và điều trị của Việt Nam
Thời điểm dịch bùng phát và lây lan sang Việt Nam là thời điểm nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Trong khi người dân Việt Nam đang hồ hởi đón Tết, vui Xuân thì những nhà lãnh đạo của đất nước không nghỉ ngơi trước tình hình dịch bệnh liên tục có diễn biến bất thường từ quốc gia láng giềng phương Bắc. Hàng loạt văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ được ban hành, nhiều phương án, biện pháp phòng chống được triển khai nhằm nhắc nhở người dân mức độ nguy hại của dịch bệnh, đồng thời nâng cao nhận thức và sự đồng thuận, thống nhất giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, Đảng, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban. Ban Chỉ đạo quốc gia này đã yêu cầu các địa phương thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Ngoại giao, quân đội, công an cũng thiết lập các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch theo ngành dọc.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “minh bạch, công khai, không giấu dịch”, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã tích cực vào cuộc, dành mọi ưu tiên tốt nhất để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời giữ gìn sự ổn định, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, xáo trộn trong xã hội. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch đề ra phương châm chỉ đạo chủ động, bình tĩnh, sáng suốt, đồng bộ, bám sát tình hình diễn biến của đại dịch để xử lý linh hoạt, nhanh nhạy với tinh thần Bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Đặc biệt, hơn bao giờ hết, Việt Nam chú trọng thông tin, tuyên truyền, vận động, động viên, hướng dẫn... người dân thường xuyên, liên tục, bằng rất nhiều hình thức, phong phú, đơn giản, dễ hiểu, hấp dẫn, dễ đi vào lòng người (tin nhắn nhắc nhở, hướng dẫn; thơ, ca, tranh, tiểu phẩm…) trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo giấy, trang tin điện tử, mạng xã hội, đến cả loa phát thanh phường, xã, nơi công cộng…
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt như: cách ly, phong tỏa khu có dịch, đóng cửa trường học, hoãn các hoạt động tổ chức đông người, triển khai làm việc online... Để đảm bảo đời sống dân sinh, Chính phủ có các phương án đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế cần thiết cho người dân, có biện pháp chống tăng giá…
Với phương châm chỉ đạo đúng đắn và tinh thần cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc, cũng như việc thực hiện tốt nguyên tắc chống dịch như: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, trong đó việc phát hiện sớm và ngăn chặn và rất quan trọng, nên giai đoạn 1 của chiến dịch chống dịch Covid-19 của Việt Nam (từ ngày 23/1 đến ngày 25/2) đã giành được thắng lợi trọn vẹn. Tất cả 16 ca nhiễm đã được chữa khỏi và xuất viện.
Việt Nam đã và đang triển khai tốt việc phòng chống dịch. (Nguồn: Dân trí) |
Bước vào giai đoạn 2, với tinh thần chủ động phát huy cao những kết quả giai đoạn 1, Việt Nam đã và đang triển khai tốt việc phòng chống dịch. Trong thắng lợi đó, ngoài nhân tố quyết định là sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự đồng lòng của người dân, thì trước hết, phải kể đến công lao quan trọng của ngành Y tế Việt Nam. Mặc dù trên thế giới và Việt Nam chưa có thuốc đặc trị, nhưng Việt Nam đã xây dựng được phác đồ điều trị hiệu quả đối với bệnh Covid-19 ngay từ những ngày đầu dịch bệnh mới lan sang Việt Nam.
Khi phác đồ điều trị được hoàn thiện thì ngành Y tế đã tổ chức tập huấn, triển khai quyết liệt cho các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương trong toàn quốc. Phác đồ điều trị của Việt Nam liên tục được cập nhật, bổ sung, trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tế điều trị và cập nhật kinh nghiệm của thế giới. Ở góc độ này, Việt Nam luôn đi trước khuyến cáo của WHO. Xét trên bình diện chuyên môn về y học, ngay trong giai đoạn 1 chống dịch, ngày 7/2, Việt Nam đã công bố nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm. Thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh chóng các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV, cũng là tiền đề cho nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống virus và giúp đưa ra các biện pháp phòng chống hiệu quả hơn.
Bước vào giai đoạn 2 chống dịch, ngày 3/3, Việt Nam đã công bố nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thành công bộ kit real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2. So với sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc và của CDC Mỹ, mỗi xét nghiệm nếu sử dụng test do Việt Nam sản xuất chỉ cần sử dụng 1 test (loại của Hàn Quốc cần sử dụng 2 test, loại của CDC Mỹ cần đến 4 test). Năng lực sản xuất bộ kit của Việt Nam đủ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, có hơn 20 nước đặt mua bộ kit của Việt Nam.
Ngày 18/3, Việt Nam đã chế tạo thành công và đưa vào sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân di động, thời gian khử khuẩn chỉ 20 đến 30 giây, có khả năng làm sạch toàn thân cho 1 người đi qua, có khả năng khử khuẩn cho 1.000 người/ngày, dễ dàng tháo lắp, phục vụ cho các khu vực tiếp xúc đông người như các bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, công xưởng…
Ngày 22/3, Việt Nam công bố chế tạo và đưa vào vận hành thành công Robot vận chuyển thức ăn phục vụ trong các khu vực cách ly dịch bệnh. Nhiều sáng tạo mới trong việc chống dịch bệnh cũng được Việt Nam nghiên cứu chế tạo như: dung dịch sát khuẩn Anolyte, máy rửa tay diệt khuẩn tự động; thiết bị đo thân nhiệt tự động, không tiếp xúc, giúp cảnh báo, phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho phòng chống đại dịch Covid-19.
Xét trên bình diện vĩ mô, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ các chủ trương và biện pháp sát với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong và ngoài nước khi dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập Việt Nam với tần suất nhanh và nhiều lên từng ngày, khi châu Âu và châu Mỹ trở thành điểm nóng của dịch bệnh. Cho dù Việt Nam đã dự báo được nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập, song vì nhiều yếu tố nên không thể ngay lập tức “đóng cửa”.
| Bộ Ngoại giao: Sẵn sàng hỗ trợ công dân Việt Nam bị 'kẹt' tại sân bay quốc tế do dịch Covid-19 |
Từ ngày 1/3 đến nay, đã có hàng trăm ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có rất nhiều người đến từ vùng có dịch. Trước tình hình đó, Việt Nam đã triển khai các biện pháp hữu hiệu:
Kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở, tổ chức các tuyến điều trị có kinh nghiệm, rộng rãi trên toàn quốc, tập trung nguồn y tế giỏi nhất, trang thiết bị vật tư y tế tốt nhất cho phòng chống dịch.
Sử dụng hệ thống truyền thông: báo, đài phát thanh, truyền hình, mạng Internet, xuất bản phẩm và đồng bộ các phương tiện khác để công khai, minh bạch dịch bệnh; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người thông qua các bài hát, thơ, tranh vẽ; dán pano quảng cáo, hướng dẫn vệ sinh ở các nơi công cộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi ngờ.
Triển khai thực hiện toàn dân đeo khẩu trang khi ra ngoài và ở nơi tiếp xúc đông người, khai báo y tế bắt buộc, khai báo y tế tự nguyện toàn dân theo hình thức điện tử, phân loại các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, những người già, người có bệnh nền; đẩy mạnh sàng lọc, phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị, dập dịch tại chỗ; phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ, những người có nguy cơ lây nhiễm cao để cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, sau đó cơ quan y tế cử người đến tận nhà hướng dẫn, kiểm tra sức khỏe. Thực hiện tốt phương châm: “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị khỏi bệnh”.
Toàn bộ lực lượng quân đội vào cuộc với tinh thần sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để mang lại sự bình yên, an toàn cho đồng bào, tổ quốc. Quân đội đã nêu cao ý thức trách nhiệm tổ chức, xây dựng các trung tâm cách ly tập trung trên toàn quốc theo chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ là phục vụ tốt chỗ ở, sinh hoạt, ăn uống miễn phí cho người cách ly. Hiện tại, quân đội đã chuẩn bị tốt các trung tâm cách ly phục vụ gần 50.000 lượt người Việt Nam và nước ngoài đến Việt Nam từ các vùng có dịch.
Phát động toàn quân, toàn dân thi đua đoàn kết chống dịch nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch gây ra.
Tổ chức hãng Hàng không quốc gia cử các chuyến bay đón người Việt Nam từ các vùng có dịch trên thế giới về nước; cách ly, điều trị miễn phí. Hơn 2 tháng nay đã có 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam được cách ly theo dõi, điều trị dịch bệnh theo các hình thức phù hợp.
Chủ động cho học sinh, sinh viên từ mầm non đến đại học trong cả nước nghỉ học; tổ chức biên soạn các chương trình học tập, giảng dạy, học tập theo hình thức “lớp học không khoảng cách” trong toàn quốc (online).
Tạm dừng các hoạt động du lịch, quán bar, vũ trường, văn nghệ, thể thao, lễ hội đông người trong toàn quốc, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo; tạm chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế, không cho quá cảnh (transit), nhiều hãng hàng không nước ngoài ngừng nhận khách, hủy chuyến, cũng như thay đổi các quy định về vận chuyển hàng hóa. Để đảm bảo an toàn và sức khỏe của công dân, tránh những khó khăn trong quá trình di chuyển, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay; tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra; cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có). Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết có thể bị phía nước ngoài từ chối cho quá cảnh hoặc xuất nhập cảnh. |
Các chiến sĩ biên phòng, bác sĩ quân y trở thành những người lính trên tuyến đầu, sẵn sàng đối mặt với những rủi ro của dịch Covid-19. (Nguồn: VOV) |
Điều gì diễn ra tại Việt Nam trong hơn hai tháng phòng, chống và điều trị dịch bệnh covid-19?
Đó là sự gắn kết, đồng lòng giữa Đảng, Chính phủ và toàn thể quân đội, nhân dân trong trận chiến chống đại dịch Covid-19.
Đó là hàng chục nghìn “thiên thần áo trắng”, các y, bác sỹ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhìn và đối thoại với đồng nghiệp qua ánh mắt, cử chỉ, hành động, tạm gác lại tình thân, những ngày tháng chung sống cùng gia đình, người thân để làm nhiệm vụ; những nhà khoa học sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của virus, điều chế vaccine phòng dịch, sáng tạo bộ kit xét nghiệm, buồng khử khuẩn toàn thân di động, dung dịch sát khuẩn…
Đó là hàng nghìn y, bác sỹ đã về hưu và sinh viên trường y trong toàn quốc tình nguyện xin ra tuyến đầu chống dịch.
Đó là hàng trăm nghìn người Việt ở các vùng dịch khắp thế giới được đón miễn phí về nước, được cách ly, điều trị miễn phí.
Đó là hơn 700 tiếp viên hàng không - những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong top 3, đăng ký xin không nhận lương hoặc nghỉ không lương 2,3 tháng để đảm đương nhiệm vụ.
Đó là hơn 10.000 chiến sĩ quân đội hàng tháng trời sẵn sàng hy sinh thầm lặng, ngủ bạt giữa rừng, bên ngoài sân, sảnh các khu tập thể, nhường doanh trại để làm khu cách ly tập trung, và chính họ thâu đêm suốt sáng lo từng bữa ăn miễn phí cho gần nửa triệu người Việt Nam từ nước ngoài về và cả người nước ngoài đến Việt Nam trong khu cách ly tập trung.
Đó là những cán bộ ngoại giao ở các cơ quan đại diện trên khắp thế giới không quản ngày đêm bám trụ ở địa bàn, liên tục đưa ra những khuyến cáo kịp thời cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, bất chấp nguy cơ lây nhiễm để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân khi công dân gặp khó khăn như mất hộ chiếu, "kẹt" ở sân bay do đóng cửa đường hàng không...
| Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ: Không bao giờ bỏ rơi công dân Việt |
Công dân Việt Nam xếp hàng tại sân bay Ấn Độ chuẩn bị về nước đêm ngày 21/3. |
Đó là những bài thơ, bài đồng dao, những ca khúc tuyên truyền, vận động toàn dân chung tay đoàn kết, lan tỏa tình thương, chung sức đồng lòng chống dịch luôn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có ca khúc “Ghen Covi” bản tiếng Việt và tiếng Anh tạo tiếng vang trên truyền thông quốc tế.
Đó là rất nhiều khách sạn 4, 5 sao ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... chủ động xin nhà nước cho làm cơ sở cách ly, tiêu biểu là Bao Minh Radiant Hotel gồm 122 phòng, đã đón 157 người từ Hàn Quốc, Nga, Mỹ. Chủ khách sạn quyết định miễn phí toàn bộ tiền phòng và tiền ăn (ba bữa/ngày) cho 157 khách. Toàn bộ nhân viên khách sạn được cho nghỉ việc đều tình nguyện ở lại chung tay chống dịch.
Đó là rất nhiều người dân từ trẻ đến già, nhiều doanh nghiệp trong toàn quốc đã ủng hộ Nhà nước gần 300 tỷ đồng để góp công sức phòng chống dịch.
Đó là dù đất nước còn nhiều khó khăn và không phải là một nước giàu có, nhưng trong nguy nan, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc 500.000 USD và trao tặng nhiều trang thiết bị vật tư y tế để chống dịch bệnh.
Quyết sách đúng đắn của Việt Nam đã huy động được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, cùng chung tay quyết chiến thắng đại dịch Covid-19. Chính sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sức mạnh kiên cường để chiến đấu và quyết chiến thắng đại dịch Covid-19.
Qua trận đại chiến này, càng khẳng định thêm tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam, sự lãnh đạo sáng suốt, bình tĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo sát sao, chủ động, thấu tình, đạt lý của Chính phủ Việt Nam. Có thể khẳng định, hệ thống chính trị Việt Nam là một hệ thống chính trị của dân, do dân và vì dân. Tất cả những điều đó đã làm nên một Việt Nam hùng cường, ngời sáng, được WHO và bạn bè trên thế giới cũng như nhiều nước khắp năm châu ca ngợi.
| Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kịp thời hỗ trợ công dân bị 'kẹt' tại sân bay TGVN. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam bị ... |
| Chuyến bay cuối cùng đưa công dân Việt Nam từ tâm dịch Covid-19 ở Bangkok TGVN. Chuyến bay cuối cùng của TG ngày 24/3 mang theo gần 50 công dân Việt Nam bị kẹt từ sân bay Suvarnabhumi, Bangkok về ... |
| Covid-19: 37 công dân bị mắc kẹt tại sân bay Changi, Singapore đã về nước an toàn TGVN. Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương khẳng định, 37 công dân bị mắc kẹt tại sân bay Changi, Singapore do dịch ... |