📞

Vladivostok "lột xác" sau APEC

08:39 | 12/12/2016
“Khi hội nghị qua đi, một di sản ở lại”, câu nói của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev có lẽ là lời miêu tả chính xác về Vladivostok sau Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2012 (APEC 2012).

Vladivostok, địa danh thường được gọi là "San Francisco của phương Đông", nằm ở vùng Viễn Đông của nước Nga, cách thủ đô Moscow khoảng 6.500 km.

Với vẻ đẹp giao thoa giữa 2 nền văn hóa Đông - Tây, tiếp giáp Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Vladivostok là cửa ngõ lý tưởng của Nga nối với châu Á. Được lựa chọn làm nơi diễn ra APEC 2012, Vladivostok đã có hành trình “lột xác” ngoạn mục.

Cây cầu bắc qua vịnh Sừng Vàng được xây dựng nhằm phục vụ Hội nghị APEC 2012 tại Vladivostok, Nga. (Nguồn: russiatrek.org)

Được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển và các hòn đảo đẹp như tranh, núi rừng xanh ngắt và những con đường dốc tuyệt đẹp nhưng Vladivostok không có nhiều kinh nghiệm quản lý du lịch.

Từ thời Liên Xô, đây là khu quân cảng khép kín, đóng cửa đối với khách nước ngoài. Ngay cả công dân Liên Xô từ những vùng khác đến cũng cần giấy phép đặc biệt.

Vì vậy, khi quyết định chọn Vladivostok là nơi tổ chức APEC 2012, chính quyền phải bắt tay xây dựng mới ngành công nghiệp du lịch cho thành phố này. Dù tuyên bố đăng cai từ rất sớm (năm 2007), tới trước thời điểm diễn ra sự kiện, quá nhiều kế hoạch tưởng chừng không thể thực hiện được. Kinh phí thay đổi liên tục do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, có những lúc dự trù tăng đến 50%. Nhiều kế hoạch phải hủy bỏ, thậm chí có lúc nước chủ nhà tính tới phương án chuyển địa điểm sang St.Petersburg để đảm bảo yêu cầu về cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, cuối cùng chính phủ Nga vẫn chọn tổ chức APEC 2012 tại Vladivostok, bởi đây là cơ hội kêu gọi đầu tư cho thành phố xa xôi của nước Nga với mong muốn phát triển khu vực này thành điểm nhấn quan trọng về văn hóa và kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

Sự đổi thay ngoạn mục

Chỉ trong thời gian ngắn, dấu ấn khu cảng quân sự khép kín của Hạm đội Thái Bình Dương một thuở đã thay đổi với những cây cầu “vắt ngang bầu trời”, trường đại học rộng lớn, các khách sạn 5 sao, hệ thống giao thông cùng các công trình văn hóa - y tế công cộng như nhà ga, nhà hát, sân bay hiện đại và đẹp mắt.

Để phục vụ cho việc xây dựng lại thành phố, gần 3.000 công nhân nước ngoài, phần lớn từ Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng lực lượng địa phương đã dốc sức mình cho tới những ngày hè cuối cùng của năm 2012. Thời điểm ấy, khắp nơi trong thành phố là những tòa nhà mới, những con đường được trải lại nhựa, thảm cỏ cắt gọt tinh tươm, bãi biển sạch sẽ hơn, rác thải được thu gom gọn gàng…

Ba trong số những cây cầu lớn nhất thế giới được thông xe trước ngày khai mạc khoảng 2 tháng. Khu ký túc xá thuộc trường Đại học Viễn Đông có sức chứa 60.000 người trong khuôn viên đầy đủ hồ nước, công viên, nhà ở cho sinh viên và giảng viên được xây mới với trang thiết bị hiện đại.

Trong thời gian hội nghị, đây là một trong những địa điểm quan trọng để tổ chức các sự kiện lớn và là nơi cư trú cho quan khách. Kết thúc APEC 2012, ngành giáo dục ở vùng Viễn Đông được hưởng lợi lớn nhờ trường đại học quy mô tầm cỡ này. Các địa điểm tổ chức sự kiện khác cũng chuyển thành thư viện, trung tâm lưu trữ, trung tâm hội thảo...

Nhà hát Opera và Ballet Primorsky có 2.000 chỗ ngồi  được xây dựng trên một hòn đảo nổi. Với hệ thống sân khấu hiện đại, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng và tổ chức theo hướng giao lưu đối thoại giữa các nền văn hóa Đông - Tây đúng với hình ảnh của thành phố được mệnh danh là “ô cửa sổ nhìn vào châu Á”.

Các trung tâm y tế phục vụ cho hội nghị sau đó được chuyển thành bệnh viện để đáp ứng thêm nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương và khách du lịch. Thành phố có hơn 50 địa điểm được xây mới, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh.

Tiếng Anh là tiêu chuẩn hàng đầu

Để đảm bảo cho công tác truyền thông và xây dựng hình ảnh của thành phố, khoảng 1.000 tình nguyện viên phải trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe mới có cơ hội được hướng dẫn và giúp đỡ các vị khách tham dự hội nghị. Tình nguyện viên khi ứng tuyển phải tham gia bài thi TOEIC.

Điều thú vị là sau vòng sơ tuyển, một số ứng viên dù bị loại vẫn cảm thấy hài lòng, bởi qua quá trình tuyển chọn, họ được học hỏi về kỹ năng giao tiếp và kinh nghiệm tổ chức sự kiện quy mô quốc tế. Ngoài ra, nhờ tham gia dự tuyển, ứng viên có thêm chứng chỉ ngoại ngữ uy tín được công nhận trên toàn cầu, rất thuận tiện cho công việc của họ sau này, nhất là khi các công ty quốc tế bắt đầu các dự án đầu tư tại Vladivostok sau khi APEC 2012 kết thúc.

Ngoài ra, 300 sinh viên đến từ nhiều thành phố như Moscow, St. Petersburg, Chita, Astrakhan, Chelyabinsk, Blagoveshchensk, Khabarovsk, và những khu vực xa xôi so với vùng Viễn Đông như Buryatia, Kazan và Sochi, cũng tham gia hỗ trợ báo chí quốc tế đưa tin về sự kiện.

Bằng cách thức tổ chức linh hoạt như vậy, APEC 2012 là cơ hội cho người dân địa phương cũng như  giới trẻ ở nhiều địa phương khác được tham dự vào sự kiện quốc tế lớn, từ đó có thêm kinh nghiệm quay trở về phục vụ cho địa phương của mình.

Hệ thống an ninh quân sự bậc nhất

Đoàn đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên cùng các lãnh đạo cấp cao nhất của hơn 500 công ty lớn trên thế giới có mặt tại cùng một thời điểm. Đó là sức ép rất lớn đối với ban tổ chức về mặt an ninh. Tàu chiến, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được huy động nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế hàng đầu. Cơ quan Hàng không Dân sự Nga hạn chế quyền tiếp cận khu vực không lưu quanh thành phố Vladivostok trong thời gian diễn ra sự kiện.

An ninh tại Hội nghị Thượng đỉnh đều do những lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân khu miền Đông và các đơn vị chống máy bay đảm nhiệm, trong đó bao gồm hệ thống tên lửa S-400, các máy bay phản lực Sukhoi Su-27SM, Su-30, MiG-31 và các tàu chiến, tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Tàu du lịch làm nơi ăn nghỉ

Do chưa có kinh nghiệm phát triển du lịch, nhiều thứ tưởng như rất quen thuộc trên thế giới lại khá mới mẻ ở Vladivostok. Vì thế, mọi sự chuẩn bị đều được tính toán đến từng chi tiết. Các nhà hàng được khuyến khích mở cửa khuya hơn. Thực đơn được in bổ sung bằng tiếng Anh. Hệ thống thanh toán thẻ tín dụng nhanh chóng được cài đặt. Những nhà vệ sinh di động ở khu vực trung tâm trước đây trông rất chướng mắt vì sự thô kệch nay được trang trí lại bằng những hình ảnh ấn tượng về Vladivostok thời trước Cách mạng Tháng Mười.

Tuy nhiên, không phải việc gì cũng thuận buồm xuôi gió. Hệ thống khách sạn Hyatt không kịp hoàn thiện đúng tiến độ. Ba tàu cánh ngầm mới không sẵn sàng để phục vụ việc di chuyển giữa Vladivostok và đảo Russkiy. Điều đó có nghĩa là hơn 10.000 khách không có chỗ ăn ở và gặp nhiều khó khăn trong đi lại. Giải pháp được thay thế là sử dụng chính tàu du lịch làm nơi ăn nghỉ và hỗ trợ vận chuyển khách tham quan.

Một di sản ở lại

Với những nỗ lực của chính quyền cùng sự chung tay góp sức của người dân Vladivostok, sau khi Hội nghị APEC 2012 kết thúc, thành phố được kế thừa di sản hạ tầng, còn người dân có thêm kinh nghiệm phát triển du lịch. Bên cạnh đó, đội ngũ tình nguyện viên, sinh viên được giao lưu quốc tế và rèn luyện tiếng Anh, chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố trong tương lai gần. Vì thế, dù chi phí tổ chức có tốn kém nhưng đây là sự đầu tư xứng đáng cho cửa ngõ giao thương của nước Nga ở khu vực Viễn Đông trong những năm đầu thế kỷ XXI.