Vào lúc 5h30 sáng ngày 25/3/1941, người ta nghe thấy hai tiếng nổ cực mạnh trên vịnh Souda tại Địa Trung Hải và cùng với đó là hai con tàu bị chìm nghỉm. Vụ thứ nhất, tàu tuần dương hạng nặng York của Anh đã bị thủng lỗ chỗ dưới nước và từ từ chìm vào biển sâu. Thế chiến Hai coi như đã kết thúc đối với con tàu. Vụ nổ tiếp theo để lại một lỗ lớn ở mạn tàu chở dầu Pericles của Na Uy khi tàu này cố gắng kéo một con tàu khác mắc cạn. Tàu chở dầu bị gãy làm đôi và chìm rất nhanh. Những chiếc xuồng nổ không người lái loại MTM (Motoscafo Turismo Modificato) của Italy đã kết liễu thành công các tàu của đối phương.
Xuồng nổ thời Thế chiến Hai. (Nguồn: topwar.ru) |
Người Italy tiên phong
Kinh nghiệm sử dụng tàu khu trục và tàu phóng lôi cho thấy, hiệu quả nhất là các cuộc tấn công áp sát, khi chỉ huy tàu dũng cảm ra lệnh tấn công mục tiêu bằng cách bắn ngư lôi vào kẻ thù ở khoảng cách ngắn nhất. Với những cuộc tấn công như vậy, tàu khu trục hộ tống Samuel B. Roberts của Mỹ đã phóng ngư lôi vào tàu tuần dương hạng nặng Chokai của Nhật Bản, và tàu khu trục Acast của Anh, vượt qua hàng rào đạn pháo của kẻ thù, xuyên thủng tàu tuần dương chiến đấu Scharnhorst của Đức bằng một quả ngư lôi.
Tuy nhiên, việc áp sát tàu chiến kẻ thù quá nguy hiểm với tàu tấn công cũng như thủy thủ đoàn. Vì vậy, tưởng tấn công bằng thuyền cảm tử, đánh vào tàu trên bề mặt nước, đã ra đời. Người Italy là những người đầu tiên sử dụng xuồng nổ không người lái để tấn công kẻ thù, cho dù trước đó các kỹ sư của Đức đã sáng chế chúng thậm chí từ Thế chiến thứ Nhất.
Ban đầu, đây là những chiếc thuyền được trang bị động cơ 95 mã lực có lượng giãn nước đủ tải 1 tấn. Người lái đưa thuyền vào trạng thái chiến đấu, định hình vô lăng và nhảy khỏi mạn tàu, cố gắng leo lên bè cứu sinh bằng gỗ càng nhanh càng tốt nhằm không bị sốc thủy lực do vụ nổ. Con thuyền đâm vào mạn tàu mục tiêu với tốc độ 33 hải lý/giờ, sau đó lượng thuốc súng cắt nó thành hai phần. Phần mũi tàu, ở độ sâu cần thiết, cầu chì thủy tĩnh của đầu đạn nặng 300 kg được kích hoạt. Một kế hoạch phức tạp như vậy đã tạo ra một lỗ thủng lớn cho tàu mục tiêu bên dưới mặt nước.
Các thuyền chứa chất nổ của Italy đã tấn công thành công hạm đội Anh ở Vịnh Suda, nhưng cuộc tấn công tiếp theo vào cảng La Valeta lại thất bại nặng nề. Người Anh đã rút ra bài học hiệu quả từ cuộc tấn công đầu tiên và tăng cường lực lượng canh gác của họ. Khi sáu chiếc thuyền nổ МТМ hướng vào bến cảng, chúng đã bị phát hiện bởi đèn pha chiếu sáng, và sau đó một cơn bão súng máy, súng phòng không đổ xuống quân Ý. Kết quả của chiến dịch là 15 người chết, 18 người bị thương và những kẻ tấn công bị bắt.
Mặt khác, người Italy dù có những ý tưởng tấn công kẻ thù nhưng bản thân họ lại không thể bảo vệ được hạm đội của chình mình. Hạm đội Italy, mặc dù có nguồn kinh phí khổng lồ, nhưng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai tàu tuần tra Regia Marina đã phải chịu thất bại tan nát trước quân Anh trong các trận chiến Calabria và Cape Spada, ba thiết giáp hạm bị mất trong một cuộc không kích của Anh vào Taranto, và trong trận chiến Cape Matapan, ba tàu tuần dương hạng nặng xinh đẹp bị đánh chìm.
Điểm mạnh và yếu của xuồng tự sát
Một cuộc tấn công bởi xuồng nổ không người lái được lên kế hoạch tốt và bất ngờ sẽ cực kỳ nguy hiểm. Năm 1948, loại xuồng phát nổ MTM do Israel mua của Italy đã đánh chìm tàu hộ tống Emir al Farouk của Ai Cập và làm hư hỏng tàu quét mìn của nước này.
Còn mặt yếu của nó lại khá nghiêm trọng. Khả năng sống sót của xuồng tự sát khi bị phát hiện là bằng không. Xuồng không người lái, kể cả loại nhỏ, bị phát hiện sẽ dễ dàng bị phá hủy ngay cả bằng vũ khí hạng nhẹ. Đây chỉ là vũ khí phá hoại của kẻ yếu trong cuộc chiến với kẻ mạnh và của người nghèo trong cuộc chiến với kẻ giàu.
Hãy so sánh xuồng nổ với một ngư lôi. Ngư lôi có ưu thế hơn về mọi mặt! Nó nhanh hơn, không bị radar phát hiện, ngư lôi không thể bị bắn hạ bằng vũ khí nhỏ, ngư lôi có đầu tự dẫn. Một quả ngư lôi tạo ra một lỗ hổng khổng lồ dưới nước đối với mục tiêu, trong khi xuồng nổ cần thiết kế khá phức tạp. Trên thực tế, ngư lôi so với xuồng tự sát chỉ có một nhược điểm, đó là cần có tàu ngầm để sử dụng. Vì vậy, sau này những quốc gia trước đây sử dụng xuồng nổ tự sát đã bắt đầu mua tàu ngầm và ngừng phát triển xuồng nổ không người lái.
Xuồng tự sát nhỏ gắn camera. (Nguồn: topwar.ru) |
Sự hồi sinh
Thời kỳ tái sinh của những chiếc xuồng nổ không người lái bắt đầu từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Do lực lượng Hải quân Ukraine đã nhanh chóng bị Hạm đội Biển Đen của Nga loại khỏi vòng vây nên gánh nặng chiến đấu với hạm đội Nga do Cục tình báo Ukraine gánh vác. Cấu trúc này bao gồm các đơn vị phá hoại được trang bị xuồng không người lái loại Magura V5.
Theo người Ukraine, xuồng không người lái là sự phát triển của Ukraine, nhưng một số chuyên gia tin rằng các linh kiện của chúng được sản xuất ở Mỹ và Anh, còn ở Ukraine chỉ là lắp ráp. Thật khó kiểm chứng, bởi người Mỹ rõ ràng không cần xuồng cảm tử vì họ luôn có một hạm đội mạnh, còn người Anh thì không có thông tin nào về sự phát triển của những vũ khí như vậy ở Vương quốc Anh.
Vậy xuồng cảm tử có thể được phát triển ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà phát triển là Meteksan Savunma còn nhà sản xuất là Nhà máy đóng tàu ARES. Trong trang Web của công ty, Chủ tịch Meteksan Savunma Selcuk Kerem Alparslan chỉ ra rằng loại xuồng này được cung cấp cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác của mình nhằm thay đổi cuộc chơi trên biển.
Xuồng tự sát được phát triển bởi Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: topwar.ru) |
Vì vậy, có thể nói những chiếc xuồng tự sát không người lái như Magura V5 không phải có nguồn gốc từ Mỹ hay Anh mà có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Dù gì đi nữa, những xuồng không người lái chứa thuốc nổ, kém phức tạp hơn nhiều về mặt kỹ thuật so với các loại tàu chiến, lại trở thành một mục tiêu khó diệt hơn nhiều và đã làm khổ nhiều tàu chiến Nga tại Biển Đen trong cuộc xung đột hiện nay.
Ở khu vực Trung Đông, kể từ tháng 10/2023, lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen thường xuyên tấn công tàu thuyền của các quốc gia không thân thiện đi qua Biển Đỏ, trong đó có sử dụng xuồng tự sát không người lái. Vụ việc cuối cùng được biết đến xảy ra vào ngày 12/6, khi lực lượng Houthi tấn công tàu chở hàng Tutor của Hy Lạp, vận chuyển dưới lá cờ Liberia bằng xuồng tự sát. Một xuồng va vào đuôi tàu khiến nó không thể di chuyển. Sau đó, một xuồng khác tấn công vào phần trung tâm của thân tàu, khiến tàu chở hàng bị ngập nước.
Xuồng của lực lượng Houthi sử dụng trong vụ tấn công ngày 12/6/2024 trên Biển Đỏ. (Nguồn: The Warzone) |
Mặc dù vậy, các thông tin gần đây cho thấy thấy hiệu quả chiến đấu của xuồng tự sát đã giảm sút. Suy cho cùng, ngay cả khi khoa học đã tiến bộ vượt bậc, những chiếc thuyền không người lái hiện đại vẫn chứa đựng tất cả những khuyết điểm của xuồng nổ của Italy từ Thế chiến thứ Hai. Chúng khá dễ bị phát hiện và khi bị phát hiện thì sẽ bị tiêu diệt. Trên thực tế, cuộc chiến chống xuồng tự sát không đòi hỏi vũ khí và phương tiện kỹ thuật mới mà chỉ cần cách tổ chức vận hành bình thường trên tàu chiến và trong các căn cứ hải quân. Xuồng không người lái không phải là ngư lôi, vì thế nó sẽ bị phát hiện với việc tuần tra thường xuyên ở trên biển.
Nga có cần xuồng không người lái?
Kết thúc câu chuyện về xuồng không người lái, câu hỏi đặt ra là Hải quân Nga có cần những vũ khí như vậy không?
Câu trả lời: có và không. Theo một chuyên gia quân sự Nga, do Ukraine đã cạn kiệt lực lượng hải quân ở Biển Đen, vì vậy, đơn giản là không còn mục tiêu nào cho các xuồng tự sát của Nga.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến lâu dài không chỉ với Ukraine mà còn có thể với các đối thủ NATO, các nhà phát triển xuồng nổ không người lái của Nga vẫn còn nhiều việc làm. Khi tấn công, không chỉ tách biệt giữa phóng ngư lôi và xuồng không người lái, mà còn có thể kết hợp cả hai để hiệu quả hơn. Khi tiếp cận đối phương ở một khoảng cách nhất định, xuồng tự sát và ngư lôi có thể tách ra và lao về phía mục tiêu theo các quỹ đạo khác nhau, tốt nhất là quanh co. Sau khi thả ngư lôi nặng 1,5-2 tấn, tốc độ của xuồng không người lái sẽ tăng mạnh. Các thiết bị điện tử hiện đại có thể dẫn đường cho xuồng tự sát và ngư lôi một cách tự động và chính xác. Như vậy, đối phương sẽ phải chiến đấu đồng thời với hai phương tiện tấn công hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, xuồng không người lái không chỉ được sử dụng trong tấn công mà còn có thể được sử dụng trong các biến thể trinh sát. Và đây chính là nơi chúng có thể có ích cho Hạm đội Biển Đen.
Việc phát hiện xuồng tự sát bằng radar khó hơn việc phát hiện máy bay trinh sát (hoặc UAV trinh sát). Để phát hiện xuồng tự sát từ trên không, cần có lực lượng không quân mà Ukraine gần như không còn. Vì vậy, xuồng không người lái trinh sát vẫn có đất sống với hải quân Nga.