Công bằng mà nói, việc 3 công dân Mỹ được phóng thích không phải là động thái đảm bảo cho thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều - nơi mà hai bên phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn nhiều như giải quyết khu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay sự hiện diện của lính Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên, vấn đề an ninh và ổn định ở châu Á… Tuy nhiên, theo giới chức Mỹ, động thái mới nhất của Triều Tiên rõ ràng đã gửi đi thông điệp tích cực cho thấy Bình Nhưỡng nghiêm túc hướng đến mục tiêu kết thúc hơn 7 thập kỷ đối đầu với Mỹ và các đồng minh. Đây cũng được xem là hành động cụ thể nhất của phía Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Về phía Mỹ, nước này trước đó liên tục yêu cầu Triều Tiên phóng thích 3 công dân: Kim Dong-chul, Tony Kim và Kim Hak-song, những người này đều bị phía Triều Tiên giam giữ với cáo buộc làm gián điệp và có “hành động thù địch” chống nhà nước Triều Tiên. 2 trong 3 người bị bắt sau khi ông Trump nhậm chức hồi năm ngoái.
Ông Evan S. Medeiros, cựu cố vấn cấp cao về châu Á dưới thời Tổng thống Obama nhận định: “Đối với ông Trump, việc các công dân Mỹ được phóng thích giúp ông ấy có thêm cơ sở để củng cố quan điểm cá nhân cho rằng chỉ có ông Trump mới có thể đàm phán hiệu quả với Triều Tiên. Trong khi đó, đối với ông Kim Jong-un, động thái này giúp ông ta làm suy yếu chiến dịch gây áp lực tối đa - có lẽ đã lên đến đỉnh điểm, và hơn nữa là tạo lợi thế, kéo dài thời gian biểu tiến tới phi hạt nhân hóa”.
3 cựu tù được trả tự do (từ trái) Kim Hak-song, Kim Dong-chul, Tony Kim. |
Ba cựu tù “họ Kim”
Nói chung, để 3 tù nhân người Mỹ được phóng thích, cả Mỹ và Triều Tiên đã phải trải qua một chặng đường dài và không hề đơn giản. Theo New York Times, Kim Dong-chul, Kim Hak-song và Tony Kim hay còn gọi là Kim Sang-duk là những người Mỹ cuối cùng bị Triều Tiên giam giữ trước khi được trả tự do.
Theo AFP, 3 cựu tù nhân đều là người Mỹ gốc Triều Tiên, đều mang họ Kim, nhưng không có quan hệ thân thuộc với nhau. Chuyên gia nông nghiệp Kim Hak-song và cựu giáo sư Tony Kim làm việc tại một trường đại học danh tiếng trước khi bị bắt năm 2017 vì tình nghi có “hành vi thù địch”. Người còn lại, doanh nhân Kim Dong-chul, còn là mục sư người Mỹ, sinh tại Hàn Quốc, từng bị cáo buộc gián điệp và bị kết án 10 năm lao động khổ sai năm 2016.
Theo một quan chức Mỹ, chính quyền Triều Tiên đã thả tự do cho 3 công dân Mỹ này theo cơ chế ân xá, gỡ bỏ một mâu thuẫn lớn giữa Washington và Bình Nhưỡng, cũng là cản trở đáng kể cho các đối thoại cấp cao giữa hai bên. Ông Trump mô tả việc Triều Tiên thả 3 công dân Mỹ là “biểu hiện thiện chí” và ông sẵn sàng tiếp đón phái đoàn trở về dù máy bay hạ cánh lúc 2 giờ sáng 10/5 (giờ Mỹ). Ông Trump còn viết trên Twitter: “Tôi rất vui mừng thông báo tới quý vị là Ngoại trưởng Mike Pompeo đang trên hành trình trở về và đi cùng ông từ Triều Tiên có 3 quý ông tuyệt vời mà ai cũng mong gặp họ. Họ có vẻ đều mạnh khỏe”.
Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Trump tweet cả vấn đề sức khỏe. Cách trả tự do cho 3 người này và cho Otto Warmbier, một trong những người Mỹ bị phía Triều Tiên bắt giữ trước đây, dường như có sự tương phản rõ rệt. Một số nguồn tin cho rằng, Bình Nhưỡng đã thận trọng hơn trong vấn đề chăm sóc y tế với các tù nhân để tránh lặp lại kịch bản xảy ra với Otto Warmbier, sinh viên Đại học Virginia 22 tuổi đã chết tháng 6/2017, vài ngày sau khi được phía Triều Tiên trả tự do. Theo CNN, Otto bị bắt tháng 3/2016 vì tội cố ý lấy trộm tờ khẩu hiệu tuyên truyền trong chuyến du lịch tới Triều Tiên và bị kết án 15 năm lao động khổ sai. Bố mẹ Otto cáo buộc Bình Nhưỡng đã tra tấn Otto trong 17 tháng giam giữ, dẫn đến cái chết của con trai họ. Tuy nhiên, Triều Tiên bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định Otto chết do ngộ độc thịt và thuốc ngủ. Còn về phía 3 người Mỹ vừa được thả, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, cả 3 người đã gửi thư cảm ơn tới chính phủ, Tổng thống và Ngoại trưởng Pompeo. Riêng gia đình Tony Kim còn cảm ơn “tất cả những người đã nỗ lực góp sức trong việc đưa ông Kim về với gia đình” và đặc biệt cảm ơn Tổng thống Trump vì đã trực tiếp thương lượng với Triều Tiên.
Kim Dong-chul
Kim Dong-chul, doanh nhân người Mỹ sinh tại Hàn Quốc, bị bắt tháng 10/2015 vì tội gián điệp và các tội danh không được tiết lộ khác. Ông bị giam lâu nhất trong 3 người. Việc bắt giữ ông cũng bí mật. Công chúng chỉ chú ý đến ông hồi tháng 1/2016 khi Chính phủ Triều Tiên cho phép CNN phỏng vấn ông ở Bình Nhưỡng. Khi đó, ông nhận mình là công dân Mỹ, sống ở Fairfax (Virginia), và vào thời điểm bị bắt, ông đang điều hành một công ty thương mại và dịch vụ khách sạn ở Rason, một đặc khu kinh tế gần biên giới của Bắc Triều Tiên với Trung Quốc và Nga. Ông bị kết án 10 năm lao động khổ sai tháng 3/2016, chỉ một tuần sau bản án của Otto. Cả 2 bản án được thực thi ngay sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt Triều Tiên vì thử tên lửa.
Một tháng trước phiên tòa, theo Time, ông Kim đã xuất hiện tại một cuộc họp báo do chính phủ sắp xếp ở Bình Nhưỡng (chỉ có Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc và Tân Hoa Xã của Trung Quốc được mời đến). Tại đó, ông đã thú nhận và xin lỗi công khai rằng mình bắt đầu làm gián điệp năm 2013, thông đồng với người Hàn Quốc đánh cắp bí mật quân sự, tờ New York Times đưa tin thời đó. Tất nhiên, phía Hàn Quốc phủ nhận mọi sự tham gia. Vài bản tin về buổi họp báo viết ông thừa nhận đã hối lộ cán bộ Bắc Triều Tiên để lấy thông tin về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Kim Dong-chul có vợ và hai con gái đang sống ở Trung Quốc, nhưng không thể liên lạc với họ trong thời gian ngồi tù. Trả lời phỏng vấn của CNN năm 2016, ông cho biết mình 62 tuổi.
Kim Hak-song
Giới chức Triều Tiên tin rằng đã bắt giữ kịp thời Kim Hak-song, còn có tên tiếng Hoa là Jin Xue Song, người đã ở Triều Tiên vài tuần và làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), khi ông này sắp rời đất nước ngày 6/5/2017. Hãng Thông tấn TƯ Triều Tiên KCNA chỉ đưa tin bắt Kim Hak-song vì “hành động thù địch” chống nhà nước Triều Tiên, nhưng không nêu tuổi, nghề nghiệp hay mắc tội danh gì.
PUST nêu rõ trong tuyên bố rằng ông Kim bị bắt sau khi kết thúc chuyến công tác thực hiện “chương trình phát triển nông nghiệp” tại “trang trại thực nghiệm” của trường. Ông là nhân sự mang quốc tịch Mỹ thứ hai của trường bị bắt năm ngoái sau người đồng nghiệp Tony Kim bị bắt hồi tháng 4/2017. Không có thông tin nào về việc hai người này có mối liên hệ với nhau.
PUST, trường đại học tư nhân đầu tiên của CHDCND Triều Tiên, được thành lập và vẫn hoạt động dưới sự điều hành của những nhân vật bên ngoài đất nước, chủ yếu là các tổ chức Cơ đốc giáo Tin Lành. PUST có quan hệ gần gũi với Đại học Yanbian ở Cát Lâm (Trung Quốc), sát biên giới Triều Tiên. Tony Kim từng giảng dạy ở đó trong khi Kim Hak-song được cho là đã học và có lẽ cũng đã làm việc ở đó. Đại diện của PUST đã tuyên bố: việc bắt Tony Kim và Kim Hak-song “không liên quan” đến công việc của nhà trường.
Theo CNN, sinh ở Cát Lâm (Trung Quốc) và được học hành chủ yếu ở California (Mỹ), nhưng ông Kim là người gốc Hàn Quốc và đã di cư sang Mỹ hồi giữa những năm 1990 của thế kỷ trước. Trích dẫn lời hai người đàn ông nói rằng từng học với ông Kim ở Mỹ, CNN nhận định nhiều khả năng ông đã trở thành công dân Mỹ trong những năm 2000, sau đó mới chuyển về Trung Quốc. Các bạn cùng lớp cũng mô tả ông như một người Hàn Quốc đáng tự hào với niềm đam mê các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực và nông nghiệp. David Lee, một trong hai bạn học, đã nói với CNN: “Triều Tiên đang bức hại vị cứu tinh của họ, một người đến để giúp họ. Thật sai lầm”.
Tony Kim (Kim Sang-duk)
Tony Kim, 59 tuổi, còn có tên tiếng Hàn là Kim Sang-duk, cũng giảng dạy tại PUST. Ông bị Triều Tiên bắt ngày 22/4/2017 tại sân bay Bình Nhưỡng khi đang tìm cách rời khỏi nước này. Giống như đồng nghiệp Kim Hak-song, ông Tony cũng bị cáo buộc có hành động thù địch chống phá Triều Tiên. Báo chí nhà nước Triều Tiên không nêu rõ các cáo buộc chống lại ông, nhưng sau khi bị bắt, PUST đã tuyên bố: “Việc bắt Tony Kim không liên quan đến công tác của trường. Hoạt động ở trang trại thực nghiệm và công tác giảng dạy tại PUST vẫn tiếp tục như bình thường”.
Theo tờ Times, Kim Sang-duk sinh ra ở Hàn Quốc và đã được nhập tịch Mỹ. Thời gian gần nhất trước khi bị bắt, ông Kim sống với vợ ở CHDCND Triều Tiên và vợ ông rất có thể vẫn đang ở nước này. Trích dẫn từ trang Facebook cá nhân, tờ Times thông tin, ông Kim đã học kế toán tại Đại học California, Riverside và tại Đại học Aurora, và có thời gian chục năm làm kế toán tại Mỹ trước khi quay lại châu Á.
Hiệu trưởng PUST Park Chan-mo cho biết Tony Kim từng dạy kế toán tại Đại học Yanbian. Trước khi bị bắt, ông Kim đã làm việc tại PUST một tháng và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như làm tình nguyện viên giúp đỡ tại trại trẻ mồ côi. Trước đó cũng có tin, Tony Kim nhiều lần tới Triều Tiên làm từ thiện.
Tóm lại, dù họ là ai, thì quyết định trả tự do trước hết mang niềm vui đoàn tụ đến cho họ và gia đình. Nhưng đáng chú ý hơn cả, theo AFP, sự kiện này đánh dấu cho một thắng lợi ngoại giao quan trọng cần thiết của Tổng thống Donald Trump và rõ ràng có tính mở đường cho cuộc hội đàm lịch sử Mỹ - Triều sắp tới.