Một khi được tiến hành, Brexit sẽ là vụ “ly hôn” phức tạp nhất mọi thời đại. (Nguồn: Twitter) |
1. Brexit - Chấn động trời Âu
Sự kiện đầu tiên theo trình tự thời gian là vào ngày 23/6, 51,9% cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi EU. Cựu Thủ tướng Anh David Cameroon tưởng chừng đã thành công để xoa dịu người dân khi buộc Brussels phải nhượng bộ các yêu sách của London vào ngày 20/2/1015. Thậm chí, từ đầu năm nay, ông cùng đảng Bảo thủ liền bắt tay vào chiến dịch vận động nước Anh "ở lại". Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã được mời đến phát biểu tại Nghị viện Anh để vận động người Anh ở lại "mái nhà chung". Nhưng thực tế, sự kiện này đã kết thúc với kết quả khiến người Anh, người châu Âu và thế giới bất ngờ. Đây có thể nói là sự kiện rung chuyển châu Âu, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Liên minh 28 nước. Hệ quả của nó để lại là sự thấp thỏm của giới tài chính, xu hướng thoái vốn khỏi Anh - EU của nhà đầu tư và một lộ trình đầy chông gai để kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon mà chính quyền mới của Thủ tướng Theresa May phải gánh vác.
Tuy nhiên, sự kiện này có phần đã bị truyền thông thổi phồng quá mức. Có người nói đây là sự kiện chấn động nhất kể từ năm 1991 đến nay, rung chuyển cả nền kinh tế – chính trị thế giới. Nhưng với dân số chưa đến 1% dân số thế giới và nền kinh tế chưa chiếm đến 5% giá trị kinh tế toàn cầu thì sự kiện của nước Anh chưa đủ để rung chuyển thế giới.
2. Châu Á - Thái Bình Dương dậy sóng
Sự kiện thứ hai là phán quyết 12/7 của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trọng vụ kiện Philippines – Trung Quốc. Trong lịch sử tài phán quốc tế thì đây là lần đầu tiên một nước nhỏ thắng kiện một nước lớn với một chiến thắng áp đảo như vậy. Trước đây, Mỹ, Anh, Pháp cũng đã từng bị nước nhỏ kiện nhưng phán quyết cũng có phần cân bằng hơn, nể nang hơn đối với các nước là ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Tòa thụ lý 9/15 điểm mà Philippines đệ trình, với 2 nội dung có tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn đó là: Tòa chỉ ra rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc theo đường 9 đoạn là đi ngược với UNCLOS 1982, nói cách khác là Tòa đã bác bỏ gốc rễ yêu sách phi lý của Bắc Kinh. Điểm thứ hai, theo khoa học hàng hải, 43 địa vật ngoài Trường Sa mà 5 nước 6 bên đang tranh chấp đều không phải là đảo. Ngay cả địa vật lớn nhất ở Trường Sa, đảo Ba Bình – 4000m2 cũng chỉ là đá, con người không thể tự sinh sống được với các tài nguyên tại đây mà cần sự tiếp tế từ ngoài. Hiện Trung Quốc đã cải tạo 7 bãi đá chìm thành đảo nổi với diện tích khoảng 1000 ha. Quan điểm của Trung Quốc là họ sở hữu 7 đảo với chủ quyền lãnh hải 200 hải lý khiến họ có quyền kiểm soát toàn bộ Trường Sa.
Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không thể vận dụng nhiều ưu thế này nhưng sự kiện này thực tế lại mang nhiều ý nghĩa quốc tế hơn. Phán quyết 12/7 đã làm thức tỉnh toàn thế giới, giúp các quốc gia nhận thức được rõ hơn cục diện tranh chấp trên Biển Đông. Đây là thắng lợi của công lý quốc tế, trong thế giới đương đại thì dù cường quốc có lớn mạnh bao nhiêu cũng phải nằm dưới luật pháp quốc tế. Kết quả cũng có thể coi là bất ngờ bởi chưa có ai có thể dự đoán được chiến thắng lại nghiêng về Philippines 100%.
Tạp chí Time bầu chọn ông Trump là Nhân vật của năm 2016. (Ảnh: Reuters). |
3. Thế giới "hoang mang" vì nước Mỹ
Sự kiện cuối cùng và quan trọng nhất thế giới trong năm 2016 là sự kiện bầu cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ với sự đắc cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Đây thực sự là sự kiện chưa từng có trong tiền lệ hơn 200 năm của nước Mỹ và trên thế giới khi bầu một Tổng thống chưa có bất cứ kinh nghiệm chính trường nào. Bên cạnh đó, với cá tính mạnh mẽ, quyết liệt, khó đoán của ông Donald Trump, đây thực sự sẽ là nhân tố quan trọng tác động đến chính sách đối ngoại của cường quốc hàng đầu thế giới, qua đó tạo ra cục diện quốc tế mới khó đoán định hơn. Đương nhiên, một tỷ phú Mỹ với kinh nghiệm làm kinh doanh lọc lõi, tài năng chưa từng có trong các đời Tổng thống Mỹ như ông Trump sẽ có các ưu thế khác so với các chính trị gia tinh hoa truyền thống.
Tuy nhiên, chủ trương chống toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch của ông Trump khiến cả thế giới quan ngại. Tuyên bố ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ của ông khiến hàng triệu người nhập cư Mỹ thấp thỏm lo âu. Ngay từ khi còn tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có nhiều phát biểu động chạm đến cộng đồng 1,2 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Bên cạnh đó, ông Trump liên tục chỉ trích các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lợi dụng sự hào phóng của nước Mỹ hay ám chỉ Liên hợp quốc chỉ "phung phí tiền của và thời gian" của các thành viên. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà trắng mới còn có tư tưởng khá "tiêu cực" đối với Trung Quốc - quốc gia đang thách thức mạnh mẽ vị thế "siêu cường đơn độc" của Washington. Đã nhiều lần, ông Trump chỉ ra việc Bắc Kinh dùng 3 thủ đoạn để làm nước Mỹ bị động và suy yếu đó là: hạ giá đồng Nhân dân tệ khiến mỗi năm Mỹ mất với Trung Quốc hơn 300 tỷ USD; phá giá hàng hóa – phá hoại nền sản xuất của Mỹ khiến hàng chục triệu người Mỹ mất việc làm, và cuối cùng là tiến hành tấn công mạng khiến Mỹ mất hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Nhìn chung, nếu ông Trump xem xét lại bảo hộ mậu dịch, chống nhập cư trái phép thì sẽ động chạm đến đời sống - việc làm của hàng trăm triệu người trên hành tinh; nếu ông cân nhắc đến mối quan hệ đồng minh hai bờ Đại Tây Dương hay mở ra một cuộc "chiến tranh tiền tệ" với Trung Quốc thì sẽ làm thay đổi cân bằng lực lượng quốc tế. Có thể coi đây một sự kiện động chạm đến toàn bộ an ninh - kinh tế quốc tế.
25 năm qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, có khá nhiều sự kiện "động trời", đó là: Năm 1999, Mỹ - NATO "giúp" Kosovo tách khỏi Serbia, thảm kịch khủng bố 11/9/2001 ở New York (Mỹ); tháng 10/2001 Mỹ đưa quân vào Afghanistan, tháng 3/2003 Mỹ - NATO mở chiến dịch tại Iraq. Tiếp theo là sự kiện "Mùa xuân Ả rập" năm 2011 gây đảo lộn toàn Trung Đông - Bắc Phi và điểm dừng cuối cùng đang là ở Syria. Đến năm 2014, sự kiện Nga sáp nhập Crimea và xung đột Đông Ukraine khiến thế giới quan ngại. Kể từ năm 2015, sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cuộc nội chiến Syria, cùng với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khiến bất ổn toàn cầu tăng cao. Nhưng về tầm ảnh hưởng, có thể nói bầu cử Mỹ 2016 được xem là sự kiện quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất đến hệ thống quan hệ quốc tế trong nửa đầu thế kỷ 21. |