TIN LIÊN QUAN | |
Phủ tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh kết quả đối thoại liên Triều | |
Nữ ca sĩ quyền lực của Triều Tiên đã đến Panmunjom |
1. Nhân tố Moon Jae-in
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang là tâm điểm dư luận thì người ta lại có vẻ như không mấy chú ý tới một nhân tố khác cũng rất quan trọng trên Bán đảo Triều Tiên: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người lên nắm quyền từ tháng 5/2017 sau khi người tiền nhiệm vướng vào vòng lao lý vì cáo buộc tham nhũng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Tribune) |
Trước khi trở thành Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in từng là một luật sư về nhân quyền và có thời gian phục vụ trong quân ngũ. Ông bước vào Nhà Xanh với hình ảnh một chính trị gia “sạch”, không liên quan đến căn bệnh tham nhũng thâm căn cố đế trong chính trường Hàn Quốc. Nền tảng này giúp ông có được lợi thế chính trị để thúc đẩy hòa giải với Bình Nhưỡng thay vì cô lập nước láng giềng phương Bắc.
Thực tế chiến lược của Tổng thống Moon Jae-in khá giống với chính sách “Ánh dương” được đưa ra từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, song từng bị hai chính quyền tiền nhiệm gạt bỏ để cùng Washington có thái độ cứng rắn với Triều Tiên. Trong suốt nhiều năm, Seoul liên tục bỏ qua khả năng đối thoại dù đa phần người dân Hàn Quốc đều cho rằng nên khôi phục đối thoại với Triều Tiên để giảm thiểu căng thẳng và đảm bảo hòa bình lâu bền.
2. “Nước Mỹ trước tiên” buộc Seoul phải hành động
Địa vị cường quốc của Mỹ đã bị cạnh tranh và Hàn Quốc hiểu được điều này. Quân đội Mỹ vẫn hùng mạnh, chi tiêu quốc phòng của Mỹ cũng lớn hơn các đối thủ cạnh tranh rất nhiều. Tuy nhiên ảnh hưởng và uy tín của Mỹ đã không còn như trước. Nói một cách công bằng, sự suy thoái này đã diễn ra từ thời hai người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, nhưng xu thế này dường như mạnh mẽ hơn với việc vị tỷ phú lên nắm quyền cùng chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington (Mỹ), tháng 6/2017. (Nguồn: Reuters) |
Một chính sách đối ngoại không rõ ràng của Mỹ có thể dẫn đến hậu quả quá sức chịu đựng của Hàn Quốc và Seoul không còn nhiều lựa chọn ngoài việc chìa tay về phía Bình Nhưỡng. Và đó chính xác là những gì họ đã làm.
3. Áp lực đối với Trung Quốc
Chính sách của Mỹ đẩy Hàn Quốc tới chỗ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, song cũng chính Washington đã đưa Bình Nhưỡng trở lại tiến trình này vì những nguyên nhân tích cực. Đây là kết quả của việc Nhà Trắng gắn liền mối quan hệ kinh tế và ngoại giao cùng Trung Quốc với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, một cách tiếp cận khác hẳn với những chính quyền tiền nhiệm vốn thường tách riêng quan hệ Mỹ - Trung với quan hệ Mỹ - Triều.
Hành động này của Mỹ ít nhiều cũng đã đem lại kết quả khả quan. Mỹ đã thành công khi Trung Quốc tăng trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, điều mà Bắc Kinh trước đây luôn e dè do lo ngại nguy cơ sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng. Trung Quốc ngày nay không thể “nhắm mắt làm ngơ” bởi họ đang trên đà tìm kiếm vị thế lãnh đạo toàn cầu trong khi Trump không ngừng gây sức ép. Trung Quốc đã ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia tăng trừng phạt và giảm mạnh nguồn cung năng lượng cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng chắc chắn đã hiểu được thông điệp từ những hành động này.
4. Tất cả có thể chỉ là vì Thế vận hội
Tổng thống Moon Jae-in rất cần Thế vận hội mùa Đông tại PyeongChang diễn ra trong yên ổn vì uy tín của Hàn Quốc và cũng là của chính ông. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại muốn cho cả thế giới thấy được rằng Triều Tiên vĩ đại tới nhường nào. Thế vận hội là “đấu trường quốc tế” để Bình Nhưỡng thể hiện mình và cũng có thể đem lại cho ông Kim Jong-un những ảnh hưởng nhất định.
Triều Tiên đã đồng ý cử một đoàn các vận động viên tham dự Thế vận hội PyeongChang, Hàn Quốc. (Nguồn: Dragon Hill Lodge) |
Hơn thế nữa, Hàn Quốc có thói quen “có đi có lại” và Triều Tiên có thể nghĩ rằng Seoul sẽ nhượng bộ nhiều hơn nữa để đảm bảo một trong những sự kiện hàng đầu thế giới này diễn ra tốt đẹp.
5. Thống nhất liên Triều vẫn là điều xa vời
Ít nhất, những diễn biến trong tháng 1 này giúp người ta có thêm thời gian tìm lời giải cho căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, song có lẽ vẫn là chưa đủ. Mỹ cùng Nhật Bản vẫn cương quyết duy trì trừng phạt Triều Tiên tới chừng nào quốc gia này vẫn phát triển chương trình hạt nhân. Thực tế này hạn chế đáng kể khả năng của Tổng thống Moon Jae-in trong việc đưa ra những đề xuất về kinh tế đối với ông Kim Jong-un. Hơn thế nữa, thất bại của những chính sách “Ánh dương” trước đây cũng có thể sẽ khiến nhà lãnh đạo Hàn Quốc chần chừ trong việc trao cho nhà lãnh đạo Triều Tiên những gì ông ta muốn do lo ngại điều đó sẽ khiến Mỹ không hài lòng.
Đối thoại với Triều Tiên là việc làm đòi hỏi Tổng thống Moon Jae-in phải có nền tảng chính trị đáng kể. Điều này có thể khá tích cực ở thời điểm hiện tại song không có gì đảm bảo rằng trong tương lai sự ủng hộ của ông có thể vượt qua được những cáo buộc của các đối thủ chính trị, vốn cho rằng ông thực chất đang lợi dụng vấn đề Triều Tiên để đánh bóng bản thân.
Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất ở đây là nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn xem vũ khí hạt nhân là đảm bảo duy nhất để ngăn chặn nguy cơ thay đổi chế độ tại Bình Nhưỡng. Trong khi đó, một nước Triều Tiên sở hữu hạt nhân là mối đe dọa sống còn đối với cả Mỹ và Hàn Quốc. Đây rõ ràng là xung đột lợi ích khó có thể hóa giải.
Hai miền Triều Tiên ấn định ngày đàm phán tiếp theo Ngày 15/1, Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về việc Bình Nhưỡng tham gia Olympic mùa Đông ... |
Hàn - Triều đàm phán về việc Bình Nhưỡng dự Olympic mùa Đông Ngày 15/1, hai bên đã tiến hành thảo luận cấp chuyên viên về kế hoạch cử đoàn biểu diễn nghệ thuật của Triều Tiên tới ... |
Triều Tiên cáo buộc Mỹ cản trở hòa giải liên Triều Ngày 13/1, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đang tìm cách phá hoại quá trình hòa giải vừa mới được tái khởi động trong quan hệ liên Triều, ... |