📞

6 vấn đề EU muốn giải quyết tại Hội nghị Thượng đỉnh G20

17:24 | 01/09/2016
EU kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc sắp tới sẽ là cơ hội để thúc đẩy các ưu tiên chính của khối.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế khu vực châu Âu đang phục hồi yếu ớt và với hàng loạt bất ổn chính trị mà các nước trong khu vực phải đối mặt. 

Hội nghị thượng đỉnh G20 2015. (Nguồn: Wiki)

Ngày 4-5/9 tới, các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm đại diện của EU và 4 nước thành viên – Đức, Pháp, Anh và Italy – dự kiến sẽ họp tại thành phố Hàng Châu phía Tây Trung Quốc với mục tiêu nỗ lực giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi bẫy tăng trưởng thấp. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker sẽ đại diện cho EU, liên minh lớn nhất của các nước phát triển trên thế giới, tham dự hội nghị lần này.

Trước khi đến Trung Quốc, các nhà lãnh đạo EU đã gửi một bức thư chung tới các nước thành viên, nhấn mạnh các ưu tiên của khối tại hội nghị G20 và kêu gọi sự ủng hộ về mặt chính trị và sự phối hợp trong hành động.

Giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn

Trước tiên, EU kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu sắp tới có thể là cơ hội để các nhà lãnh đạo thống nhất một phản ứng toàn diện trên quy mô toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn lớn chưa từng có, và xử lý triệt để gốc rễ vấn đề này.

Hơn một triệu người di cư và tị nạn đã tràn vào châu Âu trong năm vừa qua, tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Các quốc gia EU vừa phải chật vật đối phó với làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào, vừa phải loay hoay hàn gắn những chia rẽ trong nội bộ khối khi tìm cách đương đầu với thách thức này.

Trong bức thư chung, các nhà lãnh đạo EU cho biết họ sẽ kêu gọi các quốc gia G20 tiếp tục ủng hộ các nỗ lực quốc tế và sẽ tích cực thúc đẩy nhằm đem đến thành công trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn tại hội nghị sắp tới.

Trong thư có đoạn: “Chúng tôi sẽ kêu gọi (G20) tăng cường các khoản hỗ trợ nhân đạo và phát triển, tái định cư, viện trợ cho người tị nạn và các cộng đồng tiếp đón họ thông qua các thể chế tài chính quốc tế và giải quyết tình trạng di cư bất thường này”.

Với vai trò là một nền tảng đa phương giải quyết các thách thức chung mà nền kinh tế thế giới đối mặt, các nhà lãnh đạo EU cho biết họ tin rằng G20 có thể có những đóng góp cụ thể thông qua hình thức hợp tác thương mại và phát triển, hỗ trợ người tị nạn tiếp cận các cơ sở giáo dục và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những người này.

Thúc đẩy việc làm, tăng trưởng và đầu tư

Gần một thập kỷ sau khi cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu làm chao đảo nền kinh tế EU, các nước châu Âu đã phải chật vật để quay trở lại mức tiền suy thoái. Tuy nhiên, người dân châu Âu vẫn chưa nhận thấy được những lợi ích từ tăng trưởng và thậm chí họ còn tỏ ra khá bi quan về triển vọng kinh tế.

Bởi vậy, các nhà lãnh đạo EU cho biết họ sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng trong mọi lĩnh vực và bền vững trong các bài phát biểu tại hội nghị, đề cập tới mọi công cụ chính sách từ tiền tệ, tài chính cho tới cơ cấu. Trong lá thư gửi các quốc gia thành viên, các nhà lãnh đạo cho rằng nhiều khả năng hội nghị lần này sẽ đề ra Kế hoạch Hành động Hàng Châu G20 và Các chiến lược tăng trưởng mới.

“Chúng tôi sẽ kêu gọi các quốc gia thúc đẩy việc thực hiện những chiến lược này, tập trung vào các mục tiêu mà G20 đề ra tại Brisbane để giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng thêm 2% vào năm 2018”, trích thư chung của các nhà lãnh đạo EU.

EU cũng hoan nghênh “Chương trình nghị sự đẩy mạnh cải cách cơ cấu” mà Trung Quốc đưa ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của G20, với các nguyên tắc và chỉ dẫn để đánh giá tiến trình cải cách cơ cấu. Các quan chức châu Âu khẳng định giữ vững mục tiêu trong Kế hoạch Đầu tư châu Âu là huy động được ít nhất 315 tỷ Euro (tương đương 351 tỷ USD) cho các hoạt động đầu tư vào giữa năm 2018 và cho rằng “EU và G20 có nhiều dự án ưu tiên đầu tư rất giống nhau”.

Mở cửa thương mại và đầu tư

Với vai trò như một “ủy ban điều phối kinh tế” của thế giới, G20 sẽ thảo luận về cách thức đảo ngược sự trì trệ trong hoạt động thương mại và đầu tư ra nước ngoài. Các nhà lãnh đạo EU cho biết họ hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này sẽ tạo động lực cho các nỗ lực nhằm mở cửa thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp người dân hiểu rõ hơn về các lợi ích của thương mại và giải quyết mối quan ngại của xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế trì trệ và thương mại toàn cầu tụt dốc, xu hướng hoài nghi tự do thương mại đã bắt đầu xuất hiện ở khắp châu Âu trong thời gian gần đây. Trong bức thư, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh: “Hội nghị G20 có trách nhiệm đặc biệt trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương. Bởi vậy, hội nghị nên đề ra những chỉ dẫn đúng đắn đối với thương mại toàn cầu và mục tiêu đầu tư trong tương lai”. EU nhấn mạnh việc chống chủ nghĩa bảo hộ không nên chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn hết hội nghị này tới hội nghị khác, mà cần được tăng cường thực hiện.

EU cũng lưu ý rằng các nước nên thông qua Thỏa thuận Tạo điều kiện cho Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm nay và thực hiện đầy đủ các cam kết này. Theo các nhà lãnh đạo EU, đã đến lúc cần tiến hành các cuộc thảo luận trong WTO về các vấn đề mới như thương mại điện tử, đầu tư, và giới hạn xuất khẩu. Các nhà lãnh đạo EU cũng kỳ vọng G20 có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn tất thỏa thuận sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường trong năm 2016, điều sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà còn tốt cho cả môi trường thế giới nói chung.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo EU cũng nêu lên ba ưu tiên khác của khối tại Hội nghị G20 sắp tới, đó là thúc đẩy các nước minh bạch về thuế và ngăn chặn hoạt động hỗ trợ tài chính cho các phần tử khủng bố; xây dựng một hệ thống tiền tệ và tài chính toàn cầu vững chắc và hướng đến thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Trong lá thư chung, giới lãnh đạo EU cho biết họ quyết tâm đảm bảo hội nghị tại Hàng Châu lần này sẽ là một dấu mốc quan trọng trong việc củng cố sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh: “EU mong muốn thảo luận về các thách thức chính của cộng đồng quốc tế với các đối tác trong G20 ở Hàng Châu”.

(theo THX)