📞

9 vấn đề quốc tế nổi bật năm 2016

17:54 | 29/12/2016
Năm 2016 chứng kiến nhiều biến động trong đời sống chính trị quốc tế. Trước thềm Năm mới 2017, TG&VN điểm lại các vấn đề nổi bật nhất trong năm qua.

1. Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Tân Tổng Thống Mỹ Donal Trupm (Ảnh:CNN)

Sau chặng đường vận động tranh cử cam go, tỷ phú Donald Trump đã bất ngờ đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11. Nêu cao mục tiêu hàng đầu là “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump còn nổi tiếng với các phát ngôn quyết liệt, gây tranh cãi. Bên cạnh việc muốn Mỹ rút khỏi các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế, ông Trump tuyên bố sẽ trục xuất các lao động nhập cư và đưa các nhà máy trở lại nước Mỹ. Vì vậy, ông Trump được cho là sẽ tạo ra những ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ quốc tế sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

2. Anh trưng cầu ý dân rời khỏi EU

(Ảnh: fortune.com)

Ngày 23/6, Vương quốc Anh tổ chức trưng cầu ý dân về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Sau khi kết quả 52% số người bỏ phiếu ủng hộ Brexit được công bố, thị trường tài chính thế giới biến động dữ dội, đồng Bảng Anh mất giá kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ. Thủ tướng David Cameron phải từ chức, chuyển giao chiếc ghế này cho nữ Bộ trưởng Nội vụ Theresa May. Bà May tuyên bố sẽ khởi động tiến trình đàm phán pháp lý với EU liên quan đến vấn đề Brexit, muộn nhất là cuối tháng 3/2017.

3. Tòa Trọng tài ra phán quyết về “đường 9 đoạn”

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines. Theo Tòa, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý đối với “đường 9 đoạn” (“đường lưỡi bò”). Đồng thời, Tòa kết luận các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông về bản chất chỉ là “đá” nên không được hưởng quy chế Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ngoài ra, theo phán quyết của Tòa, các hành vi xây dựng của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển của các rạn san hô, vi phạm nghĩa vụ bảo tồn hệ thống sinh thái, sinh vật biển.

4. Các vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên

Cảnh tượng em bé Aylan Kurdi chết đuối bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi đang trên đường tị nạn tới châu Âu ngày 2/9. (Ảnh : AP)

Năm qua, châu Âu liên tục xảy ra các vụ khủng bố đẫm máu. Ngày 22/3, các vụ đánh bom ở sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek ở thủ đô Brussels (Bỉ) khiến 34 người chết. Ngày 14/7, tại Nice (Pháp), một công dân Pháp gốc Tunisia lái xe tải lao vào đám đông đang chào mừng Quốc khánh, khiến 84 người thiệt mạng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm tiến hành hoặc truyền cảm hứng cho các vụ tấn công này.

Cũng trong năm 2016, châu Âu đón nhận một lượng lớn người tị nạn, chủ yếu từ các vùng chiến sự như Syria, Libya, Afghanistan… Việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư khiến EU chia rẽ, trong khi tư tưởng bài ngoại xuất hiện ở một số quốc gia thành viên.

Ngày 10/5, Hiệp hội các nhà báo quốc tế (ICIJ) công khai “Hồ sơ Panama”, gồm 11,5 triệu trang tài liệu liên quan đến việc trốn thuế của các chính trị gia, doanh nhân nổi tiếng thế giới. Vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất lịch sử này khiến người dân nhiều nước bất bình, nhiều chính khách phải từ chức, các quốc gia phải đưa ra thêm quy định minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh và đóng thuế.

5. Cạnh tranh Mỹ - Nga tại Syria

(Ảnh: EPA)

Năm qua, Nga tiến hành tấn công tiêu diệt các nhóm khủng bố ở Syria theo đề nghị của chính quyền Damascus. Trong khi đó, chiến dịch không kích bắt đầu từ tháng 9/2014 của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, nhằm chống lại tổ chức IS, hầu như không đạt hiệu quả. Những mâu thuẫn phức tạp giữa các phe phái ở Syria, cộng thêm bất đồng và cạnh tranh lâu nay giữa hai cường quốc Nga - Mỹ, đã biến Syria thành một “cuộc chiến ủy nhiệm”. Sau các cuộc đàm phán giữa đại diện Washington và Moscow, nhiều lệnh ngừng bắn được thiết lập song cũng mau chóng tan vỡ. Cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang năm thứ sáu, trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, làm hơn 300.000 người thiệt mạng và 12 triệu người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

6. ASEAN củng cố vai trò, thúc đẩy quan hệ với các nước lớn

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao 27 ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AP)

Về căn bản, ASEAN vẫn giữ được vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cùng 8 đối tác ở khu vực (ADMM+)… Bên cạnh đó, ASEAN tiếp tục mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác mới, như cấp quy chế Đối tác đối thoại theo lĩnh vực cho Thụy Sỹ và Đối tác phát triển cho Đức, mở rộng Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC) cho một loạt nước như Chile, Ai Cập, Iran, Morocco. Năm 2016, ASEAN đã có những cuộc họp cấp cao đặc biệt với Mỹ, Nga và Trung Quốc, qua đó đưa ra những tuyên bố, kế hoạch quan trọng, định hướng cho quan hệ hợp tác với các nước lớn này trong thời gian tới.

7. Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên

Trung Quốc từng phản đối đơn phương trừng phạt Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

Năm 2016, Triều Tiên tiến hành hai vụ thử hạt nhân vào ngày 6/1 và ngày 9/9. Hai vụ thử đánh dấu tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên về năng lực hạt nhân. Phản ứng trước những động thái này, LHQ ngày 30/11 đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới (Nghị quyết 2321) đối với Bình Nhưỡng. Ước tính các biện pháp trừng phạt mới, nhằm vào nhiều cá nhân và tổ chức của Triều Tiên, sẽ khiến nguồn thu ngoại tệ của quốc gia Đông Bắc Á này giảm khoảng 800 triệu USD/năm. Cũng nhằm chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên, Mỹ sẽ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc vào năm 2017.

8. Kinh tế thế giới chưa sáng sủa

Năm 2016, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn yếu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, trong khi các xu hướng chính trị ủng hộ chủ nghĩa dân túy ở các nền kinh tế phát triển đe dọa xóa bỏ những thành tựu đạt được. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, tình trạng nợ cao, nhu cầu thấp đang ảnh hưởng đến lực lượng lao động, làm giảm động lực đầu tư và làm chậm tốc độ tăng năng suất. Theo số liệu của IMF tháng 10/2016, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2016 dự kiến ở mức 3,1%, và tăng lên 3,4% vào năm 2017.

9. Lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời

Sinh viên Trường ĐH Havana tưởng nhớ lãnh tụ Fidel Castro hôm 26-11 (Ảnh: ABC NEWS)

Fidel Castro - nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất của Cuba, người đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, tự do, độc lập dân tộc và cũng là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam – đã từ trần ngày 25/11 ở tuổi 90. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của lãnh tụ Fidel Castro cũng như gửi lời chia buồn đến nhân dân Cuba. Quốc đảo Caribbean này đã tổ chức quốc tang 9 ngày (26/11-4/12) để tưởng nhớ cựu Chủ tịch Fidel Castro. Thi hài của ông được hỏa táng và tro cốt được đưa về thành phố lịch sử Santiago de Cuba.