Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. (Nguồn: AFP) |
Theo Ủy ban Nobel Na Uy, Nobel Hòa bình 2019 được trao cho Thủ tướng Abiy Ahmed “vì những nỗ lực của ông trong việc mang lại hòa bình và hợp tác quốc tế, nhất là sáng kiến mang tính quyết định để giải quyết cuộc xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea”.
Tiến sĩ Awol Allo thuộc Đại học Keele (Anh) cho rằng Thủ tướng Ahmed xứng đáng nhận giải thưởng vì những quyết định “rất dũng cảm và đáng ghi nhận” nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Ethiopia và Eritrea. Bên cạnh đó là nỗ lực bền bỉ của ông nhằm giúp các phe phái ở Sudan đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực sau nhiều năm khủng hoảng chính trị và xung đột đẫm máu. Vị Thủ tướng 43 tuổi cũng đóng góp vào việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Eritrea - Djibouti, làm trung gian giữa Kenya và Somalia liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển…
Thành công bằng ý tưởng táo bạo
Ông Abiy Ahmed lên nắm quyền vào tháng 4/2018, thời điểm Ethiopia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Thậm chí có nhận định rằng, đất nước của hơn 80 nhóm sắc tộc đang trên bờ vực sụp đổ.
Tuy nhiên, theo Foreign Policy, Ethiopia đã thay đổi rất nhanh chóng từ khi ông Abiy Ahmed trở thành Thủ tướng. Người ta như thể đang “nhìn thấy một quốc gia khác”, nơi người dân có nhiều hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn.
Với thông điệp “đất nước cần phải đạt được thành công bằng ý tưởng táo bạo, chứ không phải bằng nòng súng”, ngay từ những tháng cầm quyền đầu tiên, Thủ tướng Ahmed đưa ra các chính sách cải cách quan trọng, gồm cả lĩnh vực an ninh và tư pháp.
Ông tuyên bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, trả tự do cho các nhà hoạt động chính trị, tiến hành biện pháp hòa giải với các lực lượng đối lập, sa thải các quan chức bị nghi ngờ tham nhũng. Ông cũng đã gặp gỡ các phe phái chính trị đối lập để thảo luận về cải cách và mời các phong trào lưu vong từng bị coi là khủng bố như Ginbot 7, Mặt trận Giải phóng Oromo (OLF) và Mặt trận Giải phóng Quốc gia Ogaden trở về nước. Kết quả là, các phong trào này đồng ý chấm dứt đấu tranh vũ trang và đăng ký trở thành đảng chính trị. Các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và phe đối lập thậm chí còn được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong Ủy ban Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Nhân quyền, hay Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang.
Đặc biệt, dưới thời của Thủ tướng Ahmed, một nửa trong số 20 Bộ trưởng là phụ nữ, trong đó có nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của đất nước châu Phi này.
Những cải cách của Thủ tướng Ahmed trong lĩnh vực kinh tế cũng được ca ngợi, nhất là việc mở cửa truyền thông, điện lực, hàng không, chấm dứt tình trạng “cấm cửa” hàng trăm kênh truyền hình và trang web. Theo CNN, GDP của Ethiopia dự kiến đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2020, đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Ahmed còn được đánh giá cao vì hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu như phát động chiến dịch Di sản xanh hồi tháng 7 vừa qua, với mục tiêu trồng hàng triệu cây xanh ở Ethiopia. Chỉ 12 tiếng sau khi phát động chiến dịch, hơn 350 triệu cây xanh được trồng, một con số được cho là kỷ lục thế giới.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki tại buổi lễ mở lại Đại sứ quán Eritrea ở Addis Ababa ngày 16/7/2018. (Nguồn: EPA) |
Ước mơ đoàn tụ thành hiện thực
Ethiopia và Eritrea đã có những trang lịch sử dài đen tối và đẫm máu, trong đó, chiến tranh biên giới 1998-2000 - cuộc chiến được cho là “vô nghĩa nhất châu Phi” - đã cướp đi sinh mạng của 80.000 người, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, khiến biết bao nhiêu gia đình phải ly tán… Đối với những người này, đoàn tụ gia đình là mong ước lớn nhất cuộc đời. Hagos, 24 tuổi đến từ thị trấn Zalambesa là một trong số đó. Anh lớn lên ở Ethiopia nhưng cha anh lại sống ở Eritrea, luôn mong mỏi một ngày được gặp người thân ở bên kia biên giới.
Trong khi đó, một hiệp định hòa bình, được ký kết giữa hai nước vào ngày 12/12/2000, lại bị lãng quên. Khu vực biên giới chung vẫn căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang.
Thế rồi, Thủ tướng Ahmed đã dần biến ước mơ của những người như Hagos thành hiện thực khi khởi động tiến trình hòa bình vào tháng 7/2018, bằng cử chỉ hòa giải đầy bất ngờ: tới thủ đô Asmara của Eritrea, gặp Tổng thống Isaias Afwerki và ký Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị, chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao song phương.
Vài tuần sau, Tổng thống Afwerki được chào đón nồng nhiệt tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với thảm đỏ, vòng hoa hồng, âm nhạc và nụ cười rạng rỡ. Khi đó, hai nhà lãnh đạo đã quyết định khôi phục hệ thống giao thông, liên lạc giữa hai nước. Người dân Ethiopia bắt đầu gọi các số điện thoại Eritrea ngẫu nhiên chỉ để nói “xin chào”. Hãng hàng không Ethiopia nối lại các chuyến bay giữa Addis Ababa và Asmara.
Trong một động thái bất ngờ khác, Thủ tướng Ahmed tuyên bố Ethiopia chấp nhận phán quyết của Ủy ban Ranh giới Eritrea - Ethiopia (EEBC) được Liên hợp quốc ủng hộ năm 2002, trao vùng lãnh thổ tranh chấp bao gồm thị trấn Badme cho Eritrea để đổi lấy hòa bình với nước láng giềng từng là một nhà. Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá, đây chính là “tiền đề quan trọng” cho sự đột phá trong quan hệ giữa hai bên.
Tiếp đó, ngày 16/9/2018, Ethiopia và Eritrea ký Hiệp ước Hòa bình Jeddah lịch sử tại Jeddah, Saudi Arabia. Asle Sveen, nhà sử học đã viết sách về Nobel Hòa bình, cho rằng thỏa thuận trên khiến Thủ tướng Ahmed trở thành ứng viên lý tưởng mà Alfred Nobel hướng đến.
Cũng nhờ nỗ lực kiến tạo hòa bình của vị Thủ tướng trẻ nhất châu Phi, tháng 9/2018, biên giới Ethiopia - Eritrea được mở cửa trở lại lần đầu tiên sau hai thập kỷ, những gia đình bị chia cắt đoàn tụ với giọt nước mắt hạnh phúc. Cha của Hagos đã chết trong một cuộc xung đột, nhưng cuối cùng, anh đã được gặp những người họ hàng mà anh chưa từng biết. “Tôi không còn cảm thấy mình là đứa trẻ mồ côi nữa”, Hagos nói.
Khó khăn lớn nhất ở phía trước
Có ý kiến cho rằng giải Nobel Hòa bình năm nay “được trao quá vội vàng” bởi nhiều thách thức ở Ethiopia vẫn chưa được giải quyết trong 18 tháng cầm quyền của ông Ahmed. Nhiều người di cư Eritrea phản đối giải thưởng Nobel Hòa bình này khi thỏa thuận hòa bình giữa Ethiopia và Eritrea chưa mang lại nhiều thay đổi tích cực. Bạo lực sắc tộc vẫn gia tăng khiến Ethiopia là quốc gia có số người phải rời đi lánh nạn nhiều nhất thế giới trong năm 2018 với 2,9 triệu người.
Bởi vậy, như tờ Foreign Policy nhận định, tương tự một số giải Nobel Hòa bình trước đây, chẳng hạn như lần trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay trong năm đầu tiên ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng, vinh dự này có thể được coi là sự ghi nhận và khuyến khích cho một “dự án” đáng được ủng hộ hơn là một phần thưởng vì hoàn thành tốt “công việc”.
Những thách thức lớn nhất mà Thủ tướng Ahmed sẽ phải đối mặt đang ở phía trước, bởi "thành Rome không thể xây trong một ngày, sự phát triển hòa bình và dân chủ không thể đạt được trong một sớm một chiều", như phát biểu của bà Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Reiss-Andersen tại lễ công bố giải Nobel Hòa bình ngày 11/10 vừa qua.
Dẫu sao, nỗ lực của Thủ tướng Ahmed đã chứng minh một điều, ngay cả những kẻ thù dai dẳng nhất cũng có thể vượt qua sự chia rẽ sâu sắc để cùng nhau hướng tới một nền hòa bình thực sự.
Sinh ra ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc thị trấn Beshasha, miền Tây Ethiopia, có cha là người Hồi giáo và mẹ theo đạo Thiên chúa, Abiy Ahmed lớn lên trong nghèo khó, phải ngủ trên sàn nhà, thiếu nước sạch và không biết đến điện hay đường nhựa cho tới tận lớp Bảy. Khi lớn lên, Ahmed có niềm đam mê với công nghệ và gia nhập quân đội. Sau một thời gian điều hành lực lượng tình báo không gian mạng của Ethiopia, ông bắt đầu tham gia chính trị năm 2011 và nhanh chóng vươn lên hàng ngũ lãnh đạo của phe Oromo trong Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân (EPRDF) cầm quyền. Ông có bằng tiến sĩ năm 2017 tại Viện Nghiên cứu hòa bình và an ninh thuộc Đại học Addis Ababa lâu đời và danh tiếng nhất của Ethiopia. |