Nếu không tăng quân, chiến lược của Mỹ tại Afghanistan sẽ thất bại? |
Tăng hay giảm quân?
Trong bản đánh giá về tình hình tại Afghanistan, Tướng McChrystal cảnh báo rằng quân nổi dậy có nguy cơ lan rộng và yêu cầu chi viện thêm binh sĩ (mặc dù ông không nói cụ thể bao nhiêu quân nhưng các nguồn tin dự đoán vào khoảng 30.000 quân). Theo vị tướng này, nếu không lật ngược được tình thế trong vòng 12 tháng tới nhờ việc tăng quân, chiến lược của Mỹ tại Afghanistan sẽ thất bại!
Bản báo cáo được tung ra như một quả bom ném vào giới chính khách Mỹ. Tranh cãi nổ ra trong hàng ngũ cố vấn chủ chốt của ông Obama. Phó Tổng thống Joe Biden, tướng James Jones, cố vấn an ninh quốc gia không muốn đưa thêm quân, trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Ngoại trưởng Hillary Clinton, đặc phái viên phụ trách hồ sơ Afghanistan và Pakistan, ông Richard Holbrook, chủ trương ngược lại. Đặc biệt, ông Gates cho rằng rút quân Mỹ khỏi Afghansitan là một "sai lầm", một "thất bại thảm hại của Mỹ và là thắng lợi của Taliban và Al Qaeda".
Những quan điểm trái ngược này đã phản ánh "cuộc chiến" trong nội bộ Chính phủ Mỹ về cách thức mà Mỹ cải tiến các chiến lược và mục tiêu tại chiến trường này.
Hiện ngày càng có nhiều cảnh báo về số thương vong của quân đội Mỹ và đồng minh tại Afghanistan. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi kết quả thăm dò dư luận tại Mỹ cho thấy ngày càng có nhiều người ủng hộ việc Mỹ rút quân. Đặc biệt, số lượng các thành viên đảng Dân chủ muốn rút quân là 56% trong khi chỉ 37% (so với 71% thành viên Cộng hòa) muốn ở lại Afghanistan. Một tổng thống đang gặp khó khăn trong việc tìm nhượng bộ về cải cách y tế và thay đổi khí hậu như ông Obama chắc chắn sẽ nhận thấy rằng ông phải làm gì đó để không mang tiếng là đứng về phía Cộng hòa trong cuộc chiến ở nước ngoài.
Cần thu phục lòng tin
Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã khẳng định là Washington chưa có một đánh giá về số lượng binh sĩ cần đưa thêm tới Afghanistan và Nhà Trắng cần vài tuần lễ để xem xét chiến lược tại nước này. Trong trường hợp Washington chấp nhận thì binh lính Mỹ cũng không thể tới Afghanistan trước tháng Một tới. Tuy nhiên, tăng thêm quân chỉ là "điều kiện cần" cho thắng lợi của liên quân ở Afghanistan. Chính tướng McChrystal cũng nói rằng "chỉ quân đội nước ngoài không đủ để đánh bại quân nổi dậy" và quan trọng hơn là việc lùi vào "hậu trường" để hỗ trợ về an ninh, kinh tế cho người dân địa phương để giải quyết cuộc "khủng hoảng lòng tin" vào chính phủ Afghanistan và lực lượng nước ngoài.
Hồi tháng 3, tuyên bố khi gửi thêm quân Mỹ tới Afghanistan, ông Obama nói rằng Washington sẽ đánh giá lại tình hình sau cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan ngày 20/8. Trước mắt, trong khi cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng về việc tăng quân, có lẽ Mỹ sẽ phải có lập trường rõ ràng hơn về các vấn đề hậu bầu cử. Theo tạp chí Time, có vài kịch bản có thể cân nhắc. Thứ nhất, nếu chấp nhận kết quả bầu cử đầy tranh cãi, theo đó Tổng thống Hamid Karzai sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai, chắc chắn sẽ tạo ra một chính phủ thiếu tính hợp pháp và không thu phục được lòng dân. Nhưng phương Tây qua đó lại có thể gây áp lực buộc ông Karzai trong thế yếu phải chấp nhận các nhân vật kỹ trị trong nội các mới. Thứ hai, có thể gây áp lực buộc ông Karazai thừa nhận không chiến thắng hợp pháp và buộc phải tổ chức vòng bầu cử thứ hai. Khả năng này sẽ gây tốn kém về tài chính cũng như nhiều tranh cãi nhưng sẽ chứng minh được tính hợp pháp của chính quyền. Và thứ ba, có thể bãi bỏ kết quả bầu cử và lập chính phủ lâm thời đoàn kết bao gồm cả phe đối lập, đồng thời lập ra các ủy ban gồm những nhân vật đáng kính. Điều này cho phép chính phủ mới có đủ quyền để viết lại Hiến pháp và có thể thiết lập một đường hướng mới cho tiến trình mà nhiều người cho là đã bị đóng băng.
Dù lựa chọn giải pháp nào thì Mỹ và liên minh cũng sẽ phải bảo đảm được tính hợp pháp trong mắt của người dân địa phương. Ngoài ra, giới phân tích còn cho rằng cần phải thay đổi cách áp đặt các giá trị phương Tây đối với người dân Afghanistan và quan trọng hơn là tăng cường các nỗ lực tái thiết và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, tạo công ăn việc làm cho người dân…
Lối thoát cuối cùng?
Để đánh bại Al Qaeda, Mỹ không cần phải tăng quân. Không có một lực luợng bộ binh hay thậm chí những chiến dịch lớn tại Afghanistan, Mỹ cũng đã có thể kiềm chế các phần tử Al Qaeda tại vùng núi Pakistan thông qua các chiến dịch bí mật, các cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái. Trên thực tế, các chuyên gia tình báo Mỹ tin rằng Al Qaeda đã bị tan rã và không có khả năng thách thức công khai Mỹ.
Ông Obama cần phải nghĩ lại kế hoạch tăng thêm quân. Rút dần quân sẽ có ý nghĩa hơn, bởi nguyên nhân của sự ủng hộ dành cho Taliban là sự phản đối với lực lượng nước ngoài.
Sự rút lui của Mỹ thực tế cũng sẽ hỗ trợ cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu. Thay vì vẫn bị sa lầy ở Afghansitan và tìm cách thuyết phục quân đội Pakistan ngừng ủng hộ quân nổi dậy, Mỹ nên tự do theo đuổi một chiến lược chống khủng bố rộng rãi và cân bằng hơn.
(Theo Project Syndicate) |
Phương Nguyên