Từ trái qua: Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah. |
Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej
Một ngày mùa Đông năm 1927, Hoàng gia Thái Lan chào đón thành viên mới chào đời tại Bệnh viện Mount Auburn ở tiểu bang Massachusetts (Mỹ). Lúc đó, chưa ai nghĩ rằng đây sẽ là người kế vị ngai vàng và là người trị vì lâu nhất (69 năm) trong những vị vua còn sống và tại vị trên thế giới hiện nay - Nhà vua Bhumibol Adulyadej.
Bhumibol là con út của Hoàng tử xứ Songkla Mahidol Adulyadej (con trai Vua Chulalongkorn). Ông trưởng thành trong môi trường giáo dục phương Tây, tốt nghiệp Tú tài văn chương Pháp, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp rồi tiếp tục theo học Đại học Lausanne tại Thụy Sỹ.
Cuộc đời của Bhumibol sẽ rẽ theo hướng khác nếu như anh trai của ông là Nhà vua Ananda Mahidol không bất ngờ qua đời và ông lên ngôi từ ngày 9/6/1946 lúc mới 19 tuổi, gọi là Vua Rama IX. Vua Bhumibol vẫn ở lại châu Âu nghiên cứu Luật và Khoa học chính trị trong vòng ba năm sau lễ đăng quang ngày 5/5/1950.
Ở Thái Lan, ngôi vị Nhà vua rất thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Vua là người đứng đầu Nhà nước, Tổng Tư lệnh quân đội và là người bảo trợ Phật giáo. Dù Thái Lan theo thể chế quân chủ lập hiến, Nhà vua đã vài lần phải can thiệp vào chính trường.
Vua Bhumibol có công lớn trong nỗ lực kiến tạo tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Thái Lan khi cuộc đảo chính ngày 23/2/1991 đặt đất nước dưới sự cai trị của chế độ độc tài quân sự. Thời điểm đó, lãnh đạo cuộc chính biến là Tướng Suchinda Kraprayoon lên làm Thủ tướng khiến người dân bất bình, dẫn đến biểu tình và thương vong.
Trước tình thế cả hai phía đều không có dấu hiệu nhượng bộ, Quốc vương triệu Suchinda và nhà lãnh đạo phong trào ủng hộ dân chủ, Thiếu tướng Chamlong Srimuang, đến gặp ông trong một buổi hội kiến được phát sóng truyền hình. Ngay lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng, hình ảnh hai nhân vật chống đối nhau cùng phủ phục trước Nhà vua đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Sau quyết định từ chức của Suchinda, Tổng tuyển cử được tiến hành và nền dân chủ được phục hồi.
Người Thái sùng bái nhà Vua như một vị thần không chỉ bởi niềm tin tưởng vô điều kiện mà còn vì những gì ông thể hiện, cống hiến cho nhân dân và đất nước. Ông dùng tài sản của mình để hỗ trợ tài chính cho hơn 3.000 đề án phát triển, đặc biệt là ở nông thôn, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, y tế, huấn nghiệp, tài nguyên nước, truyền thông… với mục tiêu cải thiện đời sống của dân nghèo. Năm 2006, kỷ niệm 60 năm trị vì, ông được Liên hợp quốc trao tặng Huy chương Thành quả trọn đời vì Phát triển phân loại.
Những năm gần đây, sức khỏe nhà Vua giảm sút, phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Dẫu vậy, Vua Rama IX vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng và tác động lớn đến đời sống văn hóa và chính trị của Thái Lan.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Ngày 9/9/2015, Thủ đô London (Anh) náo nhiệt hơn mọi ngày khi tàu HMS Belfast bắn bốn phát đại bác từ sông Thames báo hiệu sự kiện Nữ hoàng Elizabeth II chính thức trở thành người trị vì lâu nhất lịch sử Anh quốc với 63 năm 223 ngày (tính đến 17/9/2015), vượt qua Nữ hoàng Victoria (63 năm, 216 ngày). Ở tuổi 89, bà cũng là nguyên thủ quốc gia Anh sống lâu nhất và là người có thời gian tại vị dài nhất châu Âu (vượt qua Vua Louis XIV của Pháp).
Nữ hoàng Elizabeth II sinh ngày 21/4/1926, lên ngôi năm 1952 sau khi Vua George VI qua đời. Lễ đăng quang của bà đã được truyền hình khắp Khối thịnh vượng chung. Khi đó, Stalin vẫn còn là lãnh tụ tối cao của Liên Xô và Tổng thống Mỹ là Harry Truman.
Đến nay, bà đã ngự trị ở Điện Buckingham qua 12 đời Thủ tướng, chứng kiến sự giải thể của Đế quốc Anh và sự phát triển của Khối thịnh vượng chung. Ngày nay, 16 nước thuộc Khối này với tổng cộng 138 triệu dân coi Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ. Bà đồng thời là Lãnh đạo tối cao Giáo hội Anh, Công tước xứ Normandy, Chúa tể xứ Mann và Thủ lĩnh tối cao xứ Fiji.
Về lý thuyết, quyền lực của bà rất lớn. Trong vài thập niên đầu tiên, bà từng tham gia khá sâu vào công việc điều hành đất nước. Tuy vậy, gần đây hiếm khi thấy Nữ hoàng can dự vào chính trị. Công việc đã được giao dần cho Thái tử kế vị Charles cùng các hoàng thân khác. Bà ít xuất hiện nhưng tuyên bố không có ý định thoái vị.
Nữ hoàng Elizabeth II nhận được sự tin yêu của đa số người dân và giữ hình ảnh đẹp trong cộng đồng quốc tế. Trong hồi ký, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (1925–2013) viết: "Nữ hoàng là người nắm rất rõ các sự kiện đang diễn ra và có kinh nghiệm rất rộng". Theo cuộc thăm dò hôm 6/9/2015 của Sunday Times, người Anh xem bà là quốc vương vĩ đại nhất.
Công chúa Margaret, em gái của Nữ hoàng Elizabeth II từng nói về chị: "Lilibet (tên gọi thân mật của bà) luôn biết rõ những điều đúng và cần phải làm".
"Điều đúng" đòi hỏi sự kết hợp của chuẩn mực đạo đức và trí thông minh. Có thể thấy điều này trong cách bà điều phối tiến trình dân chủ ở các nền quân chủ. Elizabeth II là nguyên thủ của một nửa trong danh sách 20 nền dân chủ hàng đầu thế giới. Hiểu rõ chế độ quân chủ có thể đối lập với dân chủ, nên bà luôn hướng đến sự dung hòa, đề cao tự do và an toàn của quốc gia.
Nhiều người nói rằng không biết Khối thịnh vượng chung 63 năm qua nếu không có bà, mọi thứ sẽ thế nào. Có lẽ, sự khéo léo, đức tin và lòng kiên nhẫn của Nữ hoàng Anh kéo dài mấy thập kỷ qua trên cương vị người đứng đầu Khối thịnh vượng chung đã làm nên sức mạnh và phong cách trị vì của bà.
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah
“Một nhà lãnh đạo tuyệt vời!” – đó là câu trả lời của gần như tất cả người dân Brunei khi bạn hỏi về Quốc vương (Sultan) hiện nay của họ, người đã tại vị 48 năm.
Hassanal Bolkiah Mu'izzaddin Waddaulah là đương kim Quốc vương, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Brunei Darussalam.
Ông vốn là một phi công, từng học ở Trường Sĩ quan Lục quân Hoàng gia Sandhurst (Anh) năm 1966 khi ông 20 tuổi và đang là Thái tử. Năm 1967, ông hồi hương và kế vị Vua cha Omar Ali Saifuddien III, trở thành Sultan thứ 29 của đất nước Đông Nam Á này. Từ đây, chế độ quân chủ chuyên chế và đất nước Hồi giáo nhỏ bé có những chuyển biến quan trọng.
Năm 1984, khi Brunei tách khỏi Anh quốc, dưới sự trị vì của Sultan Hassanal Bolkiah và nhờ thực hiện chính sách kinh tế hiệu quả dựa vào khai thác tài nguyên, quốc gia này đã trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế ấn tượng kể từ những năm 1970, và đến năm 2000 đạt GDP bình quân đầu người là 56.000 USD. Trong giai đoạn từ 1999-2008, Brunei trở thành nước công nghiệp hóa mới. Brunei có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao thứ hai ở Đông Nam Á (sau Singapore). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Brunei xếp thứ năm thế giới về tổng sản phẩm bình quân đầu người theo sức mua tương đương, xếp thứ tám trong danh sách các nước giàu trên thế giới.
Quốc vương Hassanal Bolkiah sở hữu chuyên cơ riêng Boeing 747 với giá 400 triệu USD và chi khoảng 120 triệu USD để tân trang máy bay này bằng vàng ròng và pha lê Lalique. Bộ sưu tập của ông còn có một Airbus 340 bên cạnh sáu chuyên cơ nhỏ, hai trực thăng, 6.000 ôtô và một cung điện 1.788 phòng.
Ngày 11/3/2013, ông đã tự lái chuyên cơ đến Washington D.C. để hội đàm cùng Tổng thống Obama về các vấn đề hợp tác dầu khí và biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo nước Mỹ bày tỏ sự ngưỡng mộ: "Có lẽ ông ấy là nguyên thủ duy nhất trên thế giới tự điều khiển một chiếc Boeing 747" và "Nếu các phi công Không lực 1 (Air Force One) gặp vấn đề, chúng tôi đã biết sẽ tham vấn ai".
Nếu tính từ thời Vua Louis XIV của Pháp trị vì 72 năm (1643-1715) thì danh sách quốc vương trị vì lâu nhất thế giới gồm có Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej (1946-nay), Nữ hoàng Anh Elizabeth II (1952-nay), Nữ hoàng Anh Victoria (63 năm và 226 ngày, 1837-1901), Thiên hoàng Nhật Bản Hirohito (62 năm, 1926-1989), Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah (48 năm, 1967-nay), Quốc vương Oman Qaboos (45 năm, 1970-nay), Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II (43 năm, 1972-nay), Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf (42 năm, 1973-nay). |
Nguyên Dũng (tổng hợp)