Nói cách khác, sự trỗi dậy của khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy bàn cờ địa chính trị cũng như tư duy chiến lược của quốc tế đang đứng trước những thay đổi có tính thời đại.
Dòng chảy của lịch sử
Lịch sử cho thấy đại dương luôn là địa bàn tranh đấu quyết liệt của các cường quốc để định hình trật tự mới; ai kiểm soát và liên kết được các đại dương thì sẽ tận dụng được các kết nối được nguồn lực để vươn lên. Đế chế La Mã cổ đại thống trị châu Âu và Bắc Phi do kiểm soát được Địa Trung Hải. Thời kỳ đầu của lịch sử hiện đại, Anh thiết lập được hệ thống thuộc địa trên khắp toàn cầu do kiểm soát và kết nối được Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Sau Thế chiến II, hải quân Mỹ và Liên Xô cạnh tranh nhau trên khắp không gian Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ xưng bá do làm chủ được cả hai đại dương này. Khái niệm châu Á - Thái Bình Dương ra đời cuối thập niên 1980 phản ánh sự thắng thế của trật tự do Mỹ dẫn dắt dựa trên nền tảng thị trường tự do và toàn cầu hóa kinh tế. Trong trật tự đó, các đại dương đóng vai trò các huyết mạch thương mại, là nhân tố quan trọng tạo ra những kỳ tích kinh tế của các con hổ, con rồng Đông Á.
Sự trỗi dậy của cường quốc đại lục
Khác với các con rồng châu Á khác, Trung Quốc có ý đồ thiết lập hệ thống thứ bậc riêng do nước này đóng vai trò trung tâm. (Nguồn: Reuters) |
Trung Quốc là động lực chính làm xói mòn trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Khác với các con rồng châu Á khác, Trung Quốc có ý đồ thiết lập hệ thống thứ bậc riêng do nước này đóng vai trò trung tâm. Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định sẽ “phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”, trở thành một siêu cường có khả năng cạnh tranh với Mỹ vào năm 2050.
Thông qua đòn bẩy là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc tạo ra các hàng lang kinh tế trên bộ để kết nối trung tâm với các khu vực ngoại vi, từng bước thiết lập thế đứng chân tại các vị trí trọng yếu trên tuyến hàng hải quan trọng kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, BRI không đơn thuần là sáng kiến kinh tế, mà là công cụ để định hình cấu trúc an ninh mới.
Quá trình Trung Quốc trỗi dậy phản ánh thế giới quan của cường quốc lục địa, lấy chia rẽ, kiểm soát, và thần phục là cách thức cơ bản để thiết lập ảnh hưởng. Các hợp tác kinh tế của Trung Quốc đều hàm ý chiến lược trong dài hạn, mở đường cho Trung Quốc hiện diện ở hầu hết các ngóc ngách của thế giới, các cơ sở hạ tầng mang tính lưỡng dụng, có thể phục vụ mục đích quân sự khi cần.
“Sự hội tụ của hai đại dương”
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên nhận thức được áp lực đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Từ giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc đến “sự hội tụ của hai đại dương”, nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy liên kết chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ để đối phó với cục diện địa chiến lược mới. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhiều quốc gia trong khu vực coi trọng kết nối kinh tế hơn những lo ngại an ninh và địa chiến lược. Theo đó, cách tiếp cận của Nhật Bản không có được sự hưởng ứng của các quốc gia liên quan.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc đến “sự hội tụ của hai đại dương” từ giữa thập niên 2000. (Nguồn: Nikkei) |
Sự trở lại của khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kể từ 2013 phản ánh những lo ngại ở Tokyo, Canberra và New Delhi về bất ổn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, khái niệm chỉ thực sự được quan tâm ở cấp độ toàn cầu khi Tổng thống Donald Trump công bố “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng cuối năm 2017. Tuyên bố trên đánh dấu bước thay đổi căn bản trong tư duy và chính sách của Mỹ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có hai ý nghĩa. Thứ nhất, đó là “một không gian địa chính trị mới” nơi định hình tương lai chính trị thế giới. Dưới con mắt của nhiều nhà địa chính trị, ai có thể kiểm soát và kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thì có khả năng thống trị thế giới. Lý do đơn giản các khu vực xung quanh hai đại dương này, châu Á, châu Phi, sẽ chiếm 80% dân số toàn cầu vào năm 2050 và là nơi tập trung của các nền kinh tế năng động nhất thế giới. Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp bước Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.
Thứ hai, khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phản ánh định hướng chiến lược quốc gia, là “chiếc mũ” để các nước xác định “bản sắc” phục vụ mục đích lôi kéo, tập hợp lực lượng. Dù định nghĩa và xác định nội hàm của khái niệm này khác nhau, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã thực sự gia tăng hợp tác ở các cấp độ khác nhau để “cân bằng lại” ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trên lục địa châu Á, Ấn Độ Dương, Nam Thái Bình Dương. Mặc dù nhóm Bộ Tứ không liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng nó phần nào phản ánh sự hội tụ của các lợi ích chiến lược.
Biển Đông trong vòng xoáy địa chính trị
Án ngữ nhiều tuyến vận biển quan trọng kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và cũng là “cửa ngõ” của lục địa châu Á đi ra hai đại dương, Biển Đông trở thành nơi giao thoa của nhiều lợi ích chiến lược. Theo đó, không quá khó hiểu khi khu vực này trở thành trọng điểm trong chiến lược của nhiều nước lớn, nơi hội tụ nhiều mâu thuẫn địa chính trị của thế giới khi cán cân quyền lực dịch chuyển.
Trong hơn một thập kỷ qua, nguy cơ xung đột trên Biển Đông gia tăng, lòng tin chiến lược giữa quốc gia trong khu vực giảm sút nghiêm trọng do tư duy địa chính trị chi phối chính sách của các nước lớn. Căng thẳng bắt nguồn từ việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa, gia tăng sử dụng sức mạnh để chèn ép các bên tranh chấp khác, áp đặt quyền kiểm soát và bỏ qua các quy định của luật pháp quốc tế.
Đáng lo ngại, các lực lượng Trung Quốc liên tục có hoạt động nhằm phá vỡ nguyên trạng trên thực địa, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trong năm 2019, báo chí, truyền thông liên tục đưa tin về việc các tàu khảo sát, thăm dò và cảnh sát biển của Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia. Thực tế đó buộc nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực công khai lên tiếng phê phán cách hành xử của Trung Quốc.
Quả thực, việc Trung Quốc cố tình áp dụng “tư duy lãnh thổ” đối với các vùng nước trong Biển Đông thực sự tạo ra lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Biển Đông vốn là một giao lộ an toàn kết nối giữa các đại dương, là vùng biển hòa bình, giàu có cung cấp sinh kế cho hàng triệu cư dân ven biển rơi vào vòng xoáy va chạm, bất ổn, ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên. Cách tiếp cận đó lợi bất cập hại, vừa làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc ở các vùng biển khác, vừa thúc đẩy các bên sử dụng các biện pháp “phi đối xứng” để đối phó, vừa hạn chế hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh xuyên quốc gia.
ASEAN và nỗ lực ngược dòng
Thành công lớn nhất của ASEAN trong năm 2019 là việc thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIOP). (Nguồn: Thai PBS) |
Trong bối cảnh đó, ASEAN đang tìm cách ngược dòng lịch sử. Thành công lớn nhất của ASEAN trong năm 2019 là việc thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIOP). Văn kiện này không chỉ ASEAN có khả năng thống nhất trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, mà còn thể hiện quan điểm chung của các nước Đông Nam Á về xu thế chính trị lớn ở khu vực.
Trên thực tế, AIOP không phải là sự ủng hộ bất kỳ tầm nhìn, chiến lược của bất cứ quốc gia nào, mà là khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản mà ASEAN theo đuổi, đề cao các cơ chế mà ASEAN đóng vai trò trung tâm. Hay nói cách khác, Tuyên bố là khẳng định sự ủng hộ với luật lệ và các cách tiếp cận đa phương, gián tiếp phủ định xu thế “địa chính trị hóa” và chủ nghĩa đơn phương trong chiến lược của các cường quốc.
Theo đó, ASEAN bổ sung thêm một lớp ý nghĩa mới cho khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ quan điểm của ASEAN, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đại diện cho các nguyên tắc, giá trị và cơ chế mà các nước Đông Nam Á cùng theo đuổi, coi đó là “nền tảng” cho kiến trúc an ninh mới ở khu vực. Còn quá sớm để kết luận liệu ASEAN có thể thành công trong nỗ lực kiến tạo lịch sử của mình. Tiến trình đó chắc chắc khó khăn, và ASEAN cần cụ thể hóa AIOP thành các mục tiêu và kế hoạch cụ thể có tính thực tiễn cao.