Khó có khả năng Mỹ từ bỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc khi đòi hỏi quốc gia này phải chịu trách nhiệm về dịch Covid-19. |
Có lẽ Mỹ không hề sai khi nhìn nhận sự tương đồng giữa thông tin về nguồn gốc của SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 và việc Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh khiến gần 70.000 người Mỹ thiệt mạng và mất mát hàng nghìn tỷ USD, với vụ tấn công Trân Châu Cảng - mồi lửa khiến Mỹ tham gia Thế chiến II tại châu Á-Thái Bình Dương.
Nhiều nhà phân tích chiến lược đã cảnh báo rằng với những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh mạng, với nguy cơ làm nảy sinh xung đột Mỹ-Trung, Trung Quốc có thể sẽ đi đến quyết định thực hiện một vụ tấn công an ninh mạng kiểu Trân Châu Cảng nhằm vào Mỹ.
Hiện Trung Quốc đang là tâm điểm bị chỉ trích vì che giấu các thông tin liên quan đến việc bùng phát dịch bệnh hồi cuối năm 2019 với động cơ riêng. Quốc gia này cũng không hề lên tiếng xin lỗi về cách xử lý chậm trễ và sự cẩu thả ngay từ những giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 lây lan.
Trong những tuần qua, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều liên tục lên án Trung Quốc với những cáo buộc như kể trên. Nhiều người cho rằng đây có thể sẽ là “điểm bùng phát” trong quan hệ Mỹ-Trung, cũng như trong vấn đề an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày 4/5, truyền thông đưa tin cho biết báo cáo của mạng lưới tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) - gồm 5 quốc gia là Mỹ, Canada, Anh, Australia, và New Zealand - đã khẳng định SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19 đầu tiên.
Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm và trả giá cho những tổn hại mà Mỹ cùng các quốc gia châu Âu cũng như châu Á phải gánh chịu vì dịch bệnh.
Trung Quốc đã mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Trump và giới chức Mỹ ở mức độ gay gắt chưa từng có trong lịch sử quan hệ song phương.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lâu nay vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi và xung đột do các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đối với những láng giềng yếu thế hơn trong ASEAN cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Điều đáng chú ý là trong khi Mỹ đang phải dồn lực để đối phó với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 với những ảnh hưởng kinh tế tồi tệ, thì Trung Quốc, thay vì kiềm chế, lại tiếp tục những hành vi bành trướng về quân sự và chính trị tại Biển Đông nhằm vào Philippines, Việt Nam, Indonesia và cả Malaysia.
Trung Quốc bị dư luận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xem là đang cố lợi dụng khoảng trống chiến lược tại phía Tây Thái Bình Dương để thế vào chỗ của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác chiến lược của Washington.
Điều đáng tiếc là trong các cuộc đối đầu có nguy cơ nảy sinh xung đột Mỹ-Trung trước đây, người ta có thể trì hoãn thời gian để hai bên hạ nhiệt sự cực đoan, thì bối cảnh hiện nay lại rất khác.
Khó có khả năng Mỹ từ bỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc khi đòi hỏi quốc gia này phải chịu trách nhiệm về dịch Covid-19, trong khi Trung Quốc cũng sẽ không rút lại các chiến lược bành trướng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Với bối cảnh ấy, rất có thể khu vực sẽ chuẩn bị phải đón nhận một cơn bão xung đột chiến lược nghiêm trọng trong những tháng tới.