Thủ tướng Ấn Độ Modi (Nguồn AFP) |
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới UAE trong vòng 34 năm qua. Năm 1981, cựu Thủ tướng Indira Gandhi đã tới thăm UAE. Năm 2013, chuyến thăm UAE của cựu Thủ tướng Manmohan Singh đã được lên kế hoạch nhưng bị hoãn lại vào phút chót.
Củng cố quan hệ kinh tế, thương mại
Chính sách đối ngoại của New Delhi đối với khu vực Trung Đông thường được đánh giá thông qua mối quan hệ Ấn Độ - Iran. Cộng đồng quốc tế nói chung và các nước phương Tây nói riêng bị ám ảnh bởi mối quan New Delhi – Tehran và dường như không để ý tới sự gắn bó thực chất giữa Ấn Độ với các quốc gia vùng Vịnh và Israel. Quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh đã được tăng cường trong những năm qua.
Ấn Độ muốn đảm bảo nguồn cung năng lượng và củng cố quan hệ kinh tế cũng như thương mại với các nước vùng Vịnh. Đồng thời, các nước vùng Vịnh cũng ủng hộ chính sách “Hướng Đông” của cường quốc châu Á này bởi khi Ấn Độ thực thi chính sách “Hướng Đông”, họ sẽ có cơ hội thực chất hóa hơn mối quan hệ với Ấn Độ so với quá khứ.
Chính sách kinh tế với các nước vùng Vịnh của Ấn Độ thời gian qua cũng thể hiện khá rõ ràng. Với vai trò như một nhóm, Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập vùng Vịnh (GCC) là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, trong đó UAE là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ giai đoạn 2014-2015, sau Mỹ và Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại lên tới 60 tỷ USD. Các nước GCC cung cấp 45% lượng dầu khí và UAE là nguồn cung dầu khí lớn thứ 6 của Ấn Độ.
Quan hệ “cùng thắng”
Có thể nói mối quan hệ giữa Ấn Độ và các nước vùng Vịnh là mối quan hệ “có đi, có lại” và “cùng thắng” (win-win). Điều này được giải thích bằng những lý do sau:
Thứ nhất, các nước GCC vẫn là điểm đến ưu tiên của đầu tư Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ đang khuyến khích các nước GCC đầu tư trở lại vào nước này. New Delhi hy vọng, các nước trong GCC như Ả Rập Saudi, UAE và Oman sẽ tham gia vào việc mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này. Với nhu cầu ngày càng tăng về phát triển cơ sở hạ tầng, Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn đầu tư lớn từ vùng Vịnh, một nguồn tài chính tiềm năng do giá dầu đang có xu hướng tăng trở lại.
Thứ hai, năng lượng rõ ràng là động lực trong quan hệ Ấn Độ và các nước vùng Vịnh. Ả Rập Saudi, Kuwait, Oman và UAE là những nguồn cung dầu mỏ chính, còn Qatar là nhà cung cấp độc quyền khí gas tự nhiên của Ấn Độ. Hơn nữa, việc nhiều lần Iran thất hứa trước cam kết dầu khí với Ấn Độ và việc Ấn Độ bỏ phiếu chống lại Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ truyền thống này và thôi thúc New Delhi đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình.
Thứ ba, cộng đồng người Ấn là cộng đồng người nước ngoài đông nhất tại các nước GCC với khoảng 7 triệu người. Tính riêng ở UAE, có khoảng 2,6 triệu lao động người Ấn chiếm khoảng 30% dân số UAE. Lao động Ấn Độ cũng hiện diện khá đông ở Bahrain, Oman và Qatar. Hàng năm, kiều hối từ các nước nước vùng Vịnh chuyển về Ấn Độ lên tới 6 tỷ USD, lượng tiền này đã góp phần đáng kể vào sự hồi sinh của nền kinh tế Ấn Độ trong những năm qua. New Delhi đang theo đuổi nhiều thỏa thuận nhân lực với các nước vùng Vịnh để giúp lao động Ấn tại những nước này. Việc tiếp xúc với kiều bào tại UAE cũng là một phần chuyến thăm của Thủ tướng Modi sắp tới.
Hiện nay, các nước vùng Vịnh quan tâm tới nguồn nhân lực dồi dào của Ấn Độ để phát triển các ngành như công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông vận tải và dịch vụ.
Hơn nữa, hải quân Ấn Độ cũng có mối quan hệ chặt chẽ với hải quân các nước vùng Vịnh thông qua việc tiến hành các cuộc tuần tra chung chống cướp biển tại Vịnh Aden, Ấn Độ Dương.
Hằng Phạm (theo The Diplomat)