Hội Liên hiệp Công nghiệp Anh (CBI) vừa cảnh báo họ sẽ sa thải tới 250.000 người trong năm nay. |
Việc cắt giảm chi tiêu chính phủ lớn nhất kể từ Thế chiến II đến nay được chính quyền London hứa hẹn là sẽ cải tổ lại Nhà nước và xác lập lại vị thế của nước này trên trường quốc tế. Theo kế hoạch đề ra, nước này sẽ ngưng sử dụng một hàng không mẫu hạm, điều chỉnh lại hàng ngũ quân đội, cắt giảm khoảng 500.000 việc làm trong lĩnh vực công cũng như giảm các khoản hỗ trợ cho người già và người thu nhập thấp.
“Canh bạc” lớn
Cả những người ủng hộ và chỉ trích đều coi kế hoạch này của chính phủ mang tính lịch sử, đưa nước Anh vào vị trí đi đầu trong việc thoái lui khỏi hệ thống kinh tế theo trường phái Keynes, đồng thời đưa ra một cuộc thử nghiệm rộng lớn trong xã hội, theo đó đưa người dân, các tổ chức phi lợi nhuận cũng như khu vực tư nhân lên đảm nhận một số vai trò của Nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thông báo sẽ cắt giảm trung bình 19% chi tiêu trong các bộ ngành của chính phủ. Cùng với việc tăng thuế, việc cắt giảm trên sẽ cho phép chính phủ Anh bắt đầu có thể chi trả được khoản nợ dự kiến lên đến 1.400 tỷ USD (70% GDP toàn quốc) trong vài năm tới. Nhưng với nhiều người, mức độ sâu rộng và tốc độ của việc cắt giảm trên sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước đang phục hồi từ giai đoạn suy thoái, trong khi một số chuyên gia lại nghi ngờ ý tưởng đưa khu vực tư nhân lên “cầm trịch” quá trình phục hồi kinh tế đất nước của Chính phủ London.
“Người ta cho rằng khu vực công một khi lớn mạnh sẽ ức chế không cho khu vực tư nhân phát triển và nếu ta cắt giảm phát triển khu vực công thì khu vực tư, bằng một con đường kỳ diệu nào đó, sẽ thế chỗ của khu vực công.” Tony Dolphin, kinh tế gia, trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách công cho hay, “Đó là một canh bạc lớn. Kế hoạch này sẽ mang cả ngôi nhà chúng ta đang sống, nền kinh tế đất nước hay thậm chí cả một học thuyết kinh tế ra đánh cược.”
Cơ hội thay đổi
Trong khi các ý kiến chỉ trích cho rằng những người nghèo trong xã hội sẽ phải chịu tổn thất nhiều nhất từ việc cắt giảm chi tiêu. Chính phủ và nhiều trí thức cho đây là một cơ hội hiếm có để thay đổi một cách sâu sắc cấu trúc xã hội Anh.
Nhà văn Phillip Blond cho rằng việc đảm bảo cho xã hội dân sự lấp chỗ trống của nhà nước là cần thiết, nói theo cách của ông là “trao nhiều quyền hơn cho những người yếu thế hơn”, ông cũng nói về việc “tái tư bản hóa người nghèo” và tạo ra tài sản cho họ.
Ý tưởng của nhà văn Blond và chính sách “xã hội lớn” của Thủ tướng Cameron hướng đến việc chuyển giao vai trò truyền thống của chính phủ cho xã hội là một sự chuyển hướng trong suy nghĩ của các bộ óc truyền thống của Đảng Bảo thủ. Blond thừa nhận là các ý niệm về một xã hội lớn không phải là chưa có tiền lệ tại châu Âu nhưng cho rằng Anh quốc là nơi đi đầu trong việc mở cửa toàn bộ ngân sách khu vực công cho các tổ chức cộng đồng và phi lợi nhuận. Những người chống lại ý tưởng trên thì cho hay đó chỉ là cách nói ngụy trang cho việc cắt giảm chi tiêu mang động cơ ý thức hệ, mở đường cho việc tạo ra một xã hội nhẫn tâm hơn.
Bên cạnh đó, việc giảm sút tham vọng quân sự một cách rõ ràng của Anh cũng đang làm dấy lên những lo ngại về khả năng đảm trách các nhiệm vụ hỗn hợp của nước này ở nước ngoài và liệu rằng việc cắt giảm chi tiêu quân sự có làm trì hoãn kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ hạt nhân của Anh hay không.
Giáo sư Malcolm Chalmers, một chuyên gia về quốc phòng bày tỏ: “Nếu có một cuộc chiến như cuộc chiến Afghanistan xảy ra trong tương lai, chúng ta sẽ không có khả năng triển khai được một quân đội hùng hậu và lâu dài như đang làm hiện nay.”
Một số người cho là kế hoạch chi tiêu mới đã đánh dấu việc Anh quốc từ bỏ tham vọng tìm kiếm một vai trò quá sức trên trường quốc tế và chấp nhận một vị trí khiêm tốn hơn nhiều.
Trung Nguyên