Thủ tướng Malaysia Najib Razak (Nguồn: Kuala Lumpur Post) |
Với chủ đề “Xây dựng nền tảng cho tư vấn khoa học hướng tới nền kinh tế toàn diện và một thế giới tốt đẹp hơn”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp khoa học và công nghệ vào hoạch định chính sách giữa các nền kinh tế trong khu vực APEC. Ông đồng thời kêu gọi các cộng đồng khoa học tham gia nhiều hơn vào nỗ lực bảo vệ môi trường và an ninh cho mọi tầng lớp xã hội.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Malaysia khẳng định, ngoại giao khoa học chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này. Theo ông, mọi thách thức của thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, nước và an ninh lương thực, an ninh năng lượng, xóa đói giảm nghèo và sức khỏe đều liên quan tới khía cạnh khoa học. “Malaysia đang phải đứng trước nhu cầu cân bằng thích hợp giữa môi trường và phát triển. Đối với chúng tôi, đây là mấu chốt cho sự phát triển bền vững – biết cách sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý, hỗ trợ nền kinh tế và xóa đói giảm nghèo, mà không làm ảnh hưởng đến môi trường”.
Nargis, Ketsana, Mirinae và Parma - tên những cơn bão lớn tràn qua khu vực trong thời gian qua, đồng nghĩa với sự tổn thất, tàn phá và hủy diệt. Chỉ trong 5 năm vừa qua, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ghi nhận vô số những hình ảnh của sự hỗn loạn và những dư chấn của thảm họa thiên tai - từ lốc xoáy tới bão lớn và động đất. Đặc biệt, khu vực này cũng phải gánh chịu những tổn thất liên tục với số người thiệt mạng trong thiên tai thường chiếm tới 85%.
Theo đánh giá của Ủy ban kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP), một người dân sống tại châu Á bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhiều gấp 4 lần so với người dân sống tại châu Phi và 25 lần so với người dân sống tại châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao châu Á lại bị ảnh hưởng nặng nề như vậy? Thiên tai thường là hệ quả của những mối quan hệ qua lại phức tạp giữa sự tiếp xúc trực tiếp với hiểm họa thiên nhiên và tình trạng dễ bị tổn thương. Một ví dụ của hiểm họa thiên nhiên là Indonesia, đất nước nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, một khu vực thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa. Ngoài ra, 6 trong số 8 thành phố đông dân nhất trên thế giới thường phải gánh chịu động đất là những thành phố ở châu Á.
Ông Najib Razak cũng cho biết, một trong những kiến nghị về chính sách được đưa ra hiện nay là việc tối ưu hóa các tư vấn khoa học trong mọi tình huống khẩn cấp tại khu vực. Áp dụng, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm như bão, lũ lụt, khô hạn, sạt lở đất; phát triển và hoàn thiện được các công nghệ mới trong xây dựng các giải pháp, công trình phòng chống thiên tai. Ứng dụng có hiệu quả và tạo ra được công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện các nước để xử lý ô nhiễm môi trường, kết hợp với xử lý và tận dụng nguồn thải.
Bên cạnh đó, việc xác lập cơ sở khoa học cho nhận dạng đầy đủ và đánh giá đúng vị thế của các dạng tài nguyên thiên nhiên quan trọng; nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội. Tạo được các công nghệ, các giải pháp khoa học có tính khả thi và có tính ứng dụng cao; các nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh trên cơ sở kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ tiềm năng.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Malaysia hy vọng sẽ có kết quả sớm trong sự hợp tác khoa học công nghệ giữa các thành viên APEC, chung tay phát triển một thế giới toàn diện và tốt đẹp hơn.
Hồng Giang (theo APEC News)