📞

Argentina, nơi ẩn náu lý tưởng của sĩ quan Đức quốc xã

20:12 | 31/07/2017
Việc phát hiện bộ sưu tập các đồ vật với biểu tượng Đức quốc xã tại Beccar, Argentina một lần nữa cho thấy mối quan hệ giữa chủ nghĩa phát xít với quốc gia Nam Mỹ này. 

Mối liên kết giữa Buenos Aires với chế độ Adolf Hitler đã tồn tại từ trước và thậm chí tiếp tục đến sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc. Đúng 1 năm trước, một triệu phú bí ẩn người Argentina đã bỏ ra 700.000 USD để mua chiếc áo khoác quân sự của Hitler và bộ đồ lót của Hermann Goering trong một cuộc đấu giá ở Munich.

Giờ đây, đại lý đồ cổ Carlos Olivares đang trở nên nổi tiếng khi sở hữu bộ sưu tập 75 đồ vật với các biểu tượng của Đức quốc xã, gồm một kính lúp có thể được Hitler sử dụng và một dụng cụ đo độ cong của não thuộc về Josef Mengele, bác sĩ khét tiếng của trại tử thần Auschwitz.

Bộ sưu tập các đồ vật Đức quốc xã tại trung tâm đồ cổ Beccar, Argentina. (Nguồn: Infobae)

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng "kho báu" ở Beccar có thể là di sản của một số sĩ quan Đức quốc xã từng ẩn náu ở Argentina. Theo số liệu thống kê của Ủy ban làm rõ các hoạt động của Đức quốc xã ở Argentina (CEANA) năm 1999, có tới 150 tội phạm chiến tranh Đức quốc xã đã trú ẩn ở Argentina, nhưng ngay sau đó con số được đính chính lên tới 180.

Hành trình lẩn trốn

Hầu hết những thành viên Đức quốc xã tìm cách lánh nạn tại Argentina thường dựa vào mối quan hệ giữa Giáo Hội, Hội Chữ thập đỏ quốc tế và quan chức nhập cư Argentina. Thông qua con đường này, các sĩ quan Đức quốc xã thường đào tẩu tới Italy, sau đó bắt tàu tới Nam Mỹ.

Nổi bật nhất trong số những sĩ quan Đức quốc xã trốn chạy tới Argentina là Adolf Eichmann, Trung tá mật vụ SS, nhân vật then chốt trong chiến dịch “Giải pháp cuối cùng” nhằm xóa sổ người Do Thái ở châu Âu. Dưới lệnh của Eichmann, hàng chục nghìn người Do Thái đã bị đưa đến các trại tử thần. Sau chiến tranh, Eichmann bị bắt trong một thời gian ngắn nhưng đã trốn thoát và ẩn náu dưới tên giả tại châu Âu.

Adolf Eichmann với đồng phục mật vụ SS. (Nguồn: BBC)

Năm 1950, Eichmann có được một hộ chiếu với tên giả Ricardo Klement do Hội Chữ thập đỏ cấp và thị thực đi Argentina. Với hộ chiếu này, Eichmann đã đi từ Geneva đến Argentina, sau đó định cư và làm việc cho một công ty của Mercedes Benz tại San Fernando, tỉnh Buenos Aires.

Một sĩ quan Đức quốc xã nổi danh khác cũng đào thoát tới Argetina là “Thần Chết” Josef Mengele, nhà nhân chủng học, bác sĩ y khoa phụ trách trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan kể từ năm 1943. Cũng như Eichmann, Mengele nhận được hộ chiếu giả danh một công dân Italy với cái tên Gregor Helmut do Hội Chữ thập đỏ quốc tế cấp và đến Argentina vào ngày 20/6/1949.

Argentina cũng là nơi Eduard Roschmann, kẻ được mệnh danh là “đồ tể vùng Riga” vì đã gây ra nhiều tội ác trong khu ổ chuột của người Do Thái ở Latvia, chọn làm nơi ẩn náu. Roschmann bị bắt vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhưng đã trốn thoát vào năm 1948. Cùng năm đó, nhờ sự giúp đỡ của vị linh mục người Áo Alois Hudal ở Italy, Roschmann đã nhận được hộ chiếu với tên giả Federico Wegener và thị thực đi Argentina do Hội Chữ thập đỏ cấp. “Đồ tể vùng Riga” đã di chuyển từ Geneva đến Buenos Aires và sống tại quốc gia Nam Mỹ cho tới những năm 70.

Eduard Roschmann, tên “đồ tể vùng Riga. (Nguồn: BBC)

Erick Prieblem, Đại úy mật vụ SS từng tham gia vụ tàn sát 335 thường dân Italy ở ngoại ô thành Rome, cũng thực hiện hành trình đào tẩu tới Argentina. Như những trường hợp khác, Priebke đã bị bắt sau chiến tranh, nhưng trốn thoát khỏi trại giam và nhận được một hộ chiếu với tên giả Otto Pape, công dân của Latvia. Cùng vợ và hai đứa con, hắn đến Argentina vào tháng 11/1948 và sinh sống tại vùng Bariloche.

Kết cục tất yếu

Tuy nhiên, hầu hết danh tính của các sĩ quan Đức quốc xã kể trên sau đó đều bị vạch trần và họ đã phải trả giá cho những tội ác mà mình đã gây ra trong quá khứ.

Tháng 5/1960, sau khi danh tính thật sự bị bại lộ, Adolf Eichmann đã bị Mossad (Cơ quan Tình báo Israel) bắt cóc đến Israel, nơi ông bị xử kết án treo cổ vào ngày 31/5/1962. 

Về phần Josef Mengele, cảm thấy an toàn sau 7 năm lẩn trốn tại Argetina, cựu sĩ quan SS đã công khai danh tính và yêu cầu trở lại với tên thật của mình. Tuy nhiên, thông tin này đã bị tiết lộ và Chính phủ Đức đã yêu cầu dẫn độ bác sĩ Mengele vì đã tiến hành thí nghiệm con người trong quá trình hoạt động tại trại tập trung Auschwitz. Mengele đã quyết định chạy trốn, ẩn náu 1 năm ở Paraguay, sau đó chuyển đến Brazil, nhưng qua đời vì đột quỵ vào năm 1979.

Tương tự như vậy, tới thập niên 70, khi phong trào dẫn độ các sĩ quan Đức quốc xã của Berlin đang ở cao trào, Eduard Roschmann đã trốn sang Paraguay và qua đời vào tháng 8/1977.

Ngay sau khi bị phát hiện danh tính bởi các nhà báo tại nơi sinh sống Bariloche, tin tức về Erick Priebke được đăng trên trang nhất của tất cả các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phải đến năm 1998, Priebke mới bị chính quyền Argentina và sau đó là chính quyền Italy quản thúc tại gia cho tới khi chết ngày 11/10/2013, thọ hơn 100 tuổi.

(theo BBC)