Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố sự ra đời của AUKUS. (Nguồn: News.com.au) |
Ngày 16/9, Australia, Anh và Mỹ đã “khai sinh” liên minh Mỹ-Anh-Australia.
Theo Thủ tướng Australia Scott Morrison, trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương diễn biến ngày một phức tạp, ba nước cần nâng cấp quan hệ đối tác lên tầm cao mới, “gắn kết và không loại trừ, không kiểm soát hay ép buộc”.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định AUKUS phản ánh quan tâm chung về thúc đẩy nền dân chủ, quyền con người, quyền tự do đi lại và thương mại trên thế giới, chứ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đây là “dấu mốc lịch sử” trong thúc đẩy hợp tác ba bên nhằm đảm bảo an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về dài hạn.
Vậy đâu là yếu tố làm nên khác biệt giữa AUKUS và các cơ chế hiện có tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Cam kết mức độ mới
Đầu tiên, đó là bản chất của AUKUS.
Thời gian qua, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã chứng kiến sự hiện diện và phát triển của nhiều cơ chế hợp tác khu vực lớn như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hay Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…
Tuy nhiên, hầu hết các cơ chế này tập trung vào hợp tác chính trị-kinh tế. Cơ chế hiếm hoi về hợp tác quốc phòng là Bộ tứ, với trao đổi thường xuyên ở cấp lãnh đạo cùng vài cuộc tập trận chung.
Vì thế, sự hình thành của liên minh an ninh tập trung vào hợp tác quân sự và quốc phòng rõ ràng là làn gió mới.
Dự án đầu tiên của AUKUS về xây dựng tàu ngầm hạt nhân Australia sử dụng công nghệ Anh, Mỹ cho thấy cam kết cao và hành động thực chất hơn của các quốc gia trong AUKUS.
Dự án đầu tiên về xây dựng tàu ngầm hạt nhân của Australia sử dụng công nghệ Anh và Mỹ cho thấy cam kết cao hơn, hành động thực chất hơn của các quốc gia trong AUKUS. |
Mở rộng và củng cố
Thứ hai, AUKUS hướng tới mở rộng, củng cố ảnh hưởng của ba quốc gia, đặc biệt là Anh và Australia.
Về các thành viên, dễ thấy Australia là quốc gia có vai trò đặc biệt trong AUKUS. Ngay trong ngày ra mắt cơ chế này, Thủ tướng Scott Morrison đã công bố dự án phát triển 8 tàu ngầm hạt nhân sử dụng công nghệ của Anh và Mỹ, dù duy trì cam kết không trang bị vũ khí hạt nhân.
Nếu được triển khai, dự án này đóng vai trò quan trọng trong củng cố năng lực tác chiến trên biển của quân đội Australia. Hiện Canberra có 6 tàu ngầm động cơ diesel, song trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, với nhiều quốc gia đẩy mạnh phát triển hải quân, chừng đó là chưa đủ.
Củng cố năng lực tác chiến trên biển bằng một thế hệ tàu ngầm hiện đại không phải là chuyện mới. Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott xúc tiến nỗ lực này từ năm 2015.
Bản thân nước này cũng đã ký hợp đồng mua hàng chục tàu ngầm mới của Pháp, song chi phí đội lên từ 50 tỷ USD lên 90 tỷ USD, cùng yêu cầu bảo dưỡng và thời gian chế tạo tới năm 2030 đã khiến Canberra chùn bước.
Giờ đây, khi AUKUS thành hình và dự án hợp tác xây dựng 8 tàu ngầm hạt nhân với Anh và Mỹ được công bố, Australia đang đứng trước cơ hội trở thành thế lực biển mới tại khu vực.
Một điểm nhấn khác nằm ở sự xuất hiện ở Anh trong cơ chế an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Văn bản công bố ngày 16/3 về chính sách ngoại giao và quốc phòng của London nhấn mạnh khu vực “đang trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới”. Trong bối cảnh quan hệ với châu Âu không còn như trước, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là điểm đến mới của Anh.
Cụ thể, với chiến lược “Nước Anh toàn cầu”, chính phủ Thủ tướng Boris Johnson đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao và hợp tác tại khu vực, từ tăng tần suất thực hiện quyền tự do hàng hải trên các vùng biển khu vực, thúc đẩy đối thoại với nhiều quốc gia, tới đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cuối năm 2022.
Khi đó, hiện diện với tư cách thành viên trong một liên minh an ninh tại khu vực cùng Australia và Mỹ sẽ phản ánh cam kết lớn của Anh đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhóm tấn công tàu sân bay của Vương quốc Anh 2021, do HMS Queen Elizabeth dẫn đầu, lên đường đến Khu vực Ấn Độ Dương vào ngày 16/7. (Nguồn: Twitter @ ANI) |
Mục tiêu chung
Cuối cùng, dù không đề cập, song đối tượng mà AUKUS hướng đến là Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia trong bộ ba này đang ngày một căng thẳng.
Mới đây, Washington thách thức Bắc Kinh khi thắt chặt quan hệ với Đài Bắc (Trung Quốc), thậm chí cân nhắc đổi tên văn phòng đại diện tại đây để tăng cường tính chính danh cho vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực ngày 1/9 sẽ khiến những lần thực hiện quyền tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ trên Biển Đông căng thẳng hơn.
Mặt khác, quan hệ giữa Trung Quốc với Anh và Australia cũng không kém phần căng thẳng.
Ngày 6/5, Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ “vô thời hạn” tất cả hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược với Canberra, bước lùi nghiêm trọng nhất trong quan hệ song phương từ khi Australia kêu gọi quốc tế điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong khi đó, hồi tháng 3, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 5 nghị sĩ Hạ viện và hai thành viên Thượng viện Anh vì phát tán thông tin “dối trá về Trung Quốc”, sau khi London áp lệnh trừng phạt với quan chức của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Đáp lại, ngày 15/9, Quốc hội Anh đã hủy sự kiện có Đại sứ Trung Quốc Trịnh Trạch Quang dự. Bắc Kinh lên án và gọi đây là quyết định “đáng khinh và hèn nhát”, ảnh hưởng quan hệ hai nước.
Trong bối cảnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) tăng cường hiện diện ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, hợp tác Mỹ, Australia cùng Anh đã gửi tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc.
AUKUS là “tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho đồng minh, so với trước đây”. |
Bắc Kinh rõ ràng không thích điều này. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ cho rằng các nước “không nên xây dựng một liên minh nhằm vào hoặc gây tổn hại cho lợi ích của các bên thứ ba” và từ bỏ định kiến cùng kiểu tâm lý Chiến tranh Lạnh.
Quan trọng hơn, theo bà Orina Skylar Mastro, chuyên gia về chính sách an ninh và quân sự Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanford (Mỹ), AUKUS còn cho thấy sự đổi mới trong cách Mỹ và đồng minh hợp tác nhằm đạt mục tiêu chung.
Cụ thể, ông Charles Edel, chuyên gia về an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương, xem tuyên bố thành lập AUKUS là ví dụ mới nhất cho thấy chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden không hề đi theo hướng tiếp cận “cô độc” của người tiền nhiệm khi đối phó với Trung Quốc.
Đồng thời, đây là “tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho các đồng minh, so với trước đây”.
Tuy nhiên, liệu khoản đầu tư đắt đỏ này có giúp Mỹ, Australia và Anh đạt mục tiêu xây dựng liên minh quân sự, mở rộng ảnh hưởng hay đối trọng với Trung Quốc?
Chỉ thời gian mới có thể trả lời.