An ninh được thắt chặt bên ngoài nhà máy Sendai vào ngày tái khởi động lò phản ứng hạt nhân (Nguồn: BBC) |
Vào lúc 10h30 ngày 11/8 - giờ địa phương (01:30 GMT), lò phản ứng số 1 tại nhà máy Sendai, thuộc Công ty điện lực Kyushu, đã chính thức vận hành sau khi qua các đợt kiểm tra an toàn với điều kiện hết sức khắt khe. Theo kế hoạch, tổng cộng 25 lò phản ứng sẽ được tái khởi động.
Quyết định trên được thực hiện sau 4 năm đóng cửa các nhà máy do vụ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima sau trận động đất và sóng thần năm 2011. Việc vận hành trở lại các nhà máy được thực hiện cẩn thận theo các quy định an toàn mới mà Chính phủ nước này ban hành. Hơn 100 triệu USD đã được chi cho việc lắp đặt hệ thống an toàn mới tại nhà máy Sendai.
Để trấn an dư luận, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, các lò phản ứng đã trải qua các khâu “kiểm tra an toàn nghiêm ngặt nhất thế giới”. Chính phủ cũng như các doanh nghiệp sẽ đặt “an toàn lên trên hết và có biện pháp phòng ngừa tối đa". Cơ quan Pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã chứng nhận độ an toàn của hai lò phản ứng tại nhà máy Sendai từ tháng Chín năm ngoái.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, lý do khởi động trở lại các nhà máy hạt nhân là do nước này cần năng lượng hạt nhân để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và khí thải CO2. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, các lò phản ứng - vốn bị bỏ hoang trong nhiều năm, có khả năng phát sinh nhiều vấn đề sau khi hoạt động trở lại.
Người dân biểu tình phản đối quyết định của Chính phủ Nhật Bản. (Nguồn: BBC) |
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị phá hủy bởi thảm họa kép 2011. (Nguồn: BBC) |
Theo tường thuật của BBC, trong hai ngày 10-11/8, dưới sự dẫn đầu của ông Naoto Kan, Thủ tướng Nhật Bản vào thời điểm xảy ra khủng hoảng Fukushima, một số chính trị gia, hội đoàn cùng rất đông người dân địa phương đã biểu tình phản đối bên ngoài nhà máy Sendai và trước nhà riêng của Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo. Họ cho rằng, các biện pháp an toàn mới vẫn chưa được quy định chặt chẽ. Ngoài ra, người dân còn lo lắng về các thảm họa liên tiếp do các nguy cơ tiềm tàng từ các núi lửa đang hoạt động trong khu vực.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan – người đã quyết định đóng cửa các nhà máy, tuyên bố trước đám đông: "Chúng ta không cần các nhà máy hạt nhân". Ông cho biết, thảm họa Fukushima đã cho thấy, điện hạt nhân - "vốn tưởng như an toàn và rẻ tiền, lại trở nên nguy hiểm và tốn kém trên thực tế".
Thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản tháng 3/2011 đã lấy đi sinh mạng của 16.000 người và làm hơn 2.500 người mất tích. Tuy nhiên, không có trường hợp tử vong nào được cho là có liên quan đến thảm họa hạt nhân.
Sau khi phát hiện rò rỉ ở nhà máy Fukushima, khoảng 160.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực xung quanh nhà máy. Cho đến nay, nồng độ bức xạ tại những khu vực này tiếp tục đo được ở mức cao khiến cho những người dân này vẫn chưa thể trở về nhà.
Nguyên Bảo (theo BBC)