Những lo ngại về sức khỏe, các phương pháp bỏ phiếu mới, những yêu cầu về giãn cách xã hội, hay những cáo buộc gian lận bầu cử…. là một vài trong số nhiều thách thức khiến cho cuộc bầu cử Mỹ 2020 trở thành một trải nghiệm chưa từng có với những người tham gia vào sự kiện này, từ cử tri, ứng cử viên, các nhà quản lý và cả giới quan sát quốc tế.
Tính đến ngày 27/10, khoảng 70 triệu cử tri Mỹ đã đi bầu cử sớm. (Nguồn: Reuters) |
Kỷ lục về bỏ phiếu sớm
Tính đến ngày 27/10, khoảng 70 triệu cử tri Mỹ đã đi bầu cử trước, tương đương với khoảng 50% tổng số cử tri bỏ phiếu năm 2016. Bản thân đương kim Tổng thống Trump cũng đi bỏ phiếu trước và cho biết đã bầu “cho một gã tên là Trump”, vào ngày 24/10 tại một phòng phiếu ở West Palm Beach, bang Florida.
Đại dịch Covid-19 là lý do chính thúc đẩy cử tri Mỹ, đặc biệt là người cao tuổi, đi bỏ phiếu sớm vì muốn tránh đám đông trong ngày bầu cử chính thức 3/11. Số cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu trước cao gấp đôi so với cử tri Cộng hoà ở nhiều bang then chốt.
Trang New York Times ngày 12/10 ghi nhận, cử tri tại bang Georgia rất nhiệt tình khi có mặt đông đảo trước các phòng phiếu trước cả bình minh, cử tri xếp hàng dài, tôn trọng biện pháp giãn cách xã hội và nhiều người phải chờ tận 8 tiếng để được bỏ phiếu.
Số cử tri Mỹ ở nước ngoài gửi phiếu bầu sớm qua đường bưu điện cũng có xu hướng tăng do lo ngại dịch Covid-19 tác động đến vận chuyển thư tín. Theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, đến trung tuần tháng 10/2020, gần 700.000 phiếu bầu được tải xuống từ trang web của chương trình liên bang hỗ trợ bỏ phiếu ở nước ngoài.
Dựa vào số liệu do cơ quan phụ trách bầu cử ở các bang cung cấp, nhiều nhà phân tích thiên về khả năng tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sẽ đạt mức kỷ lục.
Ngày 23/10, hãng tin AFP trích dẫn một thăm dò của Đại học Harvard cho thấy, 63% cử tri Mỹ từ 18 đến 29 tuổi có ý định đi bầu cử, cao hơn 47% so với năm 2016. Trong số này, 60% ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ. Nếu tham gia đông đảo, họ có thể giúp ứng viên đảng Dân chủ giành chiến thắng ở một số bang chủ đạo như Pennylvania, Michigan hay Arizona.
Kỷ lục về sự chia rẽ của cử tri Mỹ
Đến mỗi kỳ bầu cử, bản đồ Mỹ được chia rõ rệt thành hai màu “đỏ” (đảng Cộng hoà) và “xanh dương” (đảng Dân chủ).
Theo kết quả thăm dò công bố ngày 16/10 do AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công NORC thực hiện, 85% cử tri ghi danh cho rằng, người Mỹ bị chia rẽ sâu sắc vì những giá trị của họ; chỉ có 15% cho rằng, nền Dân chủ Mỹ vẫn rất ổn hoặc cực ổn. Vẫn theo cuộc thăm dò trên, 65% (trong đó có 1/4 là cử tri ủng hộ tổng thống đương nhiệm) khẳng định, sự chia rẽ này có lẽ sẽ thêm trầm trọng trong trường hợp ông Trump tái đắc cử.
Chương trình Cap Amériques của Đài France 24 nhận định, cử tri của mỗi đảng ngày càng có khuynh hướng cực đoan hoá trong ý tưởng của họ. Có khoảng 10 chủ đề khiến hai bên không thể “nhìn mặt nhau”, chẳng hạn như nhập cư, bảo hiểm, đặc biệt là về quyền nạo phá thai.
Ngoài ra, một số chủ đề mâu thuẫn khác được nêu trong thăm dò của trang AP là an toàn cho bản thân trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Cụ thể, 60% cử tri Dân chủ lo gia đình có người bị nhiễm Covid-19, phía đảng Cộng hoà là 20% và hơn một nửa cử tri Cộng hoà không lo về Covid-19, giá trị của sự đa dạng và sức khỏe của nền Dân chủ Mỹ.
Bầu cử Mỹ 2020 đã đến tuần nước rút cuối cùng. (Nguồn: BBC) |
Số tiền vận động tranh cử đạt kỷ lục
Chiến dịch vận động tranh cử của hai ứng viên Tổng thống Mỹ 2020, cũng như cho cuộc bầu cử bán phần Quốc hội, có thể lập kỷ lục 11 tỷ USD, gần gấp đôi số tiền 6,5 tỷ USD cho cuộc Bầu cử năm 2016. Tổng chi của đảng Dân chủ chiếm 54%, đảng Cộng hoà là 39% và 7% còn lại là của các “ứng viên nhỏ”.
Số tiền gây quỹ hàng tháng của ứng viên đảng Dân chủ đã lập kỷ lục mới: 383 triệu USD cho tháng 9/2020, phá vỡ mức 365,4 triệu USD vào tháng 8 và bỏ xa mức cao nhất 200 triệu USD của ông Barack Obama vào tháng 9/2008.
Kỷ lục này có được là nhờ số tiền quyên góp ồ ạt sau cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên và sự kiện Thẩm phán Toà án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời. Phía đương kim Tổng thống nhận được 247,8 triệu USD vào tháng 9/2020.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cũng là người chi mạnh tay nhất cho các chiến dịch quảng cáo.
Về phía chủ nhân Nhà Trắng, ông Donald Trump muốn đích thân đến vận động tại các bang chủ chốt (Iowa, Ohio, Minnesota, Wisconsin và Pennsylvania), đầu tư quảng cáo trên truyền hình ở các bang miền Nam như Florida, Georgia.
Kỷ lục người dân Mỹ đổ xô đi mua súng
Người dân Mỹ lập kho vũ khí, đạn dược do lo ngại về sự thay đổi sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Số đơn yêu cầu kiểm tra lý lịch người mua vũ khí (bắt buộc đối với các cửa hàng bán vũ khí) đã đạt con số kỷ lục 3,9 triệu vào tháng 6/2020, trong khi mức trung bình trong năm 2019 là 2,3 triệu đơn.
Các nhà sản xuất thậm chí không thể cung ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn kể từ tháng 2/2020, kéo theo tình trạng khan hiếm và giá bán tăng vọt.
Có 3 lý do giải thích cho nhu cầu vũ trang này: Lo ngại về nguy cơ bùng phát tình trạng tội phạm vì dịch Covid-19, tình trạng bạo động trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và nguy cơ thay đổi về sở hữu vũ khí sau cuộc bầu cử tổng thống nếu tân chủ nhân Nhà Trắng thuộc đảng Dân chủ.
| Bầu cử Mỹ 2020 ảnh hưởng biến đổi khí hậu? TGVN. Biến đổi khí hậu là chủ đề nóng của thế giới, chứ không riêng Mỹ. Và khi cuộc Bầu cử Mỹ 2020 sắp diễn ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: Liệu ông Trump có lặp lại 'kịch bản Jimmy Carter'? TGVN. Tổng thống Mỹ gần đây nhất phải đối mặt với những rắc rối trong cuộc đua tái tranh cử nhiệm kỳ 2 giống như ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: Bốn yếu tố ‘thành bại’ của Tổng thống Donald Trump TGVN. Đại dịch Covid-19, vấn đề kinh tế, rắc rối cá nhân tới cách bỏ phiếu sẽ định đoạt 'thành bại' của ông Trump trong ... |