Bayraktar TB2: UAV ‘sát thủ’ của Thổ Nhĩ Kỳ |
Ngày 1/3, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ rộng rãi video ghi lại cảnh một máy bay không người lái (UAV) do lực lượng Ukraine điều khiển hạ gục xe tăng, xe bọc thép và hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của Nga.
Chiếc UAV đó được xác định là Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Các đoạn video đăng trên Twitter cho thấy hình ảnh hồng ngoại về các phương tiện chiến đấu của Nga bị nhắm mục tiêu và tấn công. Dù không rõ loại đạn được sử dụng nhưng Bayraktar hoạt động với máy đo khoảng cách laser và khả năng xác định mục tiêu bằng laser.
Vũ khí tối tân
TB2 do công ty Baykar Technologies, thuộc tập đoàn Baykar Makina sản xuất và là một trong hai máy bay không người lái quân sự trang bị vũ khí nổi bật của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó nhỏ và nhẹ hơn khoảng bảy lần so với máy bay không người lái Reaper của quân đội Mỹ.
Sải cánh dài 12 m cho phép TB2 ở trên bầu trời tối đa 30 giờ mỗi lần bay. Theo tài liệu quảng cáo từ Baykar Technologies, mỗi máy bay không người lái có thể mang bốn tên lửa dẫn đường bằng laser.
Thế nhưng, sức hấp dẫn của chiếc UAV nằm ở chi phí rẻ nhưng đem lại lợi ích hiệu quả bất ngờ trên chiến trường. Với mức giá ước tính khoảng 1 triệu USD, những chiếc máy bay này có tầm bắn khoảng 150 km, bay lơ lửng ở độ cao 7.620 m, chờ đợi thời điểm thích hợp để tấn công.
Trao đổi với hãng tin AFP, một công ty đối thủ ở phương Tây của Baykar nói rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ đã phát minh lại khẩu Kalashnikov của thế kỷ XXI”, tức khẳng định TB2 có thể so sánh với súng trường AK-47, súng tự động nổi tiếng của Liên Xô và hiện tại vẫn được sử dụng tại nhiều nơi.
Bayraktar TB2 (trong tiếng Thổ nghĩa là “Người cầm cờ") đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực tình báo, chỉ định và cả tấn công mục tiêu. TB2 được phát triển vào năm 2007, dựa trên nguyên mẫu là chiếc TB1, lúc đó còn đang trong giai đoạn thử nghiệm và ra mắt năm 2009.
Bayraktar TB2 đã lập kỷ lục thế giới về máy bay không người lái thuộc hạng chiến thuật tầm trung về thời lượng bay 24 giờ 34 phút (ở độ cao 8km). Tháng 8/2014, Baykar Technologies lần đầu tiên thử nghiệm TB2 cho mục đích quân sự và ngay sau đó nhận được đơn đặt hàng của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF).
Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên sử dụng chiếc UAV này vào thực chiến ở Syria và sau đó là ở Libya vào năm 2020. TB2 ban đầu không được đánh giá cao, nhưng sau những thành công ở các nhiệm vụ chiến đầu tiên, giới truyền thông phương Tây đã phải có cái nhìn khác và gọi đây là một trong những UAV mạnh nhất thế giới.
Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất là phương tiện tác chiến "làm mưa làm gió" trên chiến trường Nagorno - Karabakh, mang lại những ưu thế vượt trội cho quân đội Azerbaijan, làm thay đổi cục diện chiến tranh.
Các UAV vũ trang Bayraktar TB2 gây ra tổn thất lớn cho Armenia, phá hủy ít nhất một tổ hợp Panzer-C1 do Nga sản xuất, trị giá gần 15 triệu USD; hàng chục hệ thống phòng không 9K33 Osa và 9K35 Strela-10. Tổng chi phí của các phương tiện quân sự bị phá hủy ở Nagorno-Karabakh đã vượt quá 1,9 tỷ USD.
Nhưng TB2 không phải là bất bại. Một số chuyên gia nhận định rằng, UAV của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dễ bị tổn thương như một máy bay trong Thế chiến II, có thể là con mồi dễ dàng, đặc biệt là đối với máy bay A-10 hoặc máy bay “Super Tucano”. Trong cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh, ít nhất 20 chiếc Bayraktar TB2 đã bị bắn tại nhiều địa điểm và trong nhiều hoàn cảnh chiến đấu khác nhau.
“Bán đắt như bánh mì nóng hổi”
Nhờ thành công của chiếc UAV này, tiếng tăm của Baykar Technologies tiếp tục bay xa. Ngoài việc bán 86 chiếc TB2 cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, công ty này liên tục thu được nhiều hợp đồng xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác.
Tháng 5/2021, Ba Lan trở thành quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên bổ sung TB2 vào kho vũ khí của mình, khi nước này mua bốn hệ thống với tổng cộng 24 máy bay không người lái. Tháng 7/2021, nhật báo Le Monde của Pháp nhận xét TB2 “bán chạy như bánh mì nóng hổi”.
Trong khi đó, mặc dù đã mua UAV SkyGuardian của General Atomics với giá 20 triệu USD một chiếc, Bộ Quốc phòng Anh cũng cân nhắc đến việc liệu có nên mua thêm TB2.
Tuy nhiên, chính Ukraine đã chứng tỏ là khách hàng đầu tiên nhận ra giá trị của TB2 và nhanh tay nhập khẩu số lượng chúng. Năm 2019, Baykar thông báo đã giành được hợp đồng trị giá 69 triệu USD để bán sáu chiếc máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2 cho Ukraine. Tháng 12/2021, Bloomberg từng đưa tin Ukraine đặt hàng Thổ Nhĩ Kỳ thêm 20 chiếc TB2.
Các lực lượng Ukraine đã sử dụng chiếc UAV này để tấn công các tay súng ly khai ở miền Đông (còn gọi là vùng Donbass). Hơn nữa, TB2 đang chứng minh được khả năng vượt trội trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trên chiến trường này, quân đội Ukraine sử dụng TB2 cho một số nhiệm vụ, bao gồm trinh sát và giám sát, chế áp hệ thống phòng không của đối phương (SEAD), phá hủy hệ thống phòng không của đối phương (DEAD) và hỗ trợ bộ binh.
Theo Popular Mechanics, Bayraktar TB2 chính thức được sử dụng vào năm 2014, hoàn thành tổng cộng khoảng 430.000 giờ bay, tiêu diệt ít nhất 796 mục tiêu trên năm chiến trường khác nhau, đặc biệt là trong cuộc xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh năm 2020. |
Niềm tự hào của Thổ Nhĩ Kỳ
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, việc bán máy bay không người lái cho Ukraine phù hợp với lợi ích quân sự của quốc gia này, đó là duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực Biển Đen.
Theo ông Galip Dalay, chuyên gia chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House ở London (Anh), máy bay không người lái mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một lợi thế địa chính trị.
“Tham gia các cuộc giao tranh thông thường ở những nơi như Libya hoặc Syria là một chuyện, nhưng sử dụng máy bay không người lái lại là một chuyện khác. Drone giúp công việc của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên dễ dàng hơn”, ông khẳng định
Tuy được sản xuất bởi một công ty tư nhân, máy bay không người lái này cũng được coi là một nhánh trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc công nghệ của Baykar Technologies, ông Selçuk Bayraktar, là con rể của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Ông Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành của Baykar cho biết, các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Israel đã từ chối bán UAV vũ trang cho Ukraine. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất chấp nhận bán cho Ukraine công nghệ này.
Hiện tại, Baykar đang nghiên cứu máy bay không người lái TB3 thế hệ tiếp theo có thể cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay cũng như hạ cánh trên các tàu sân bay trực thăng cỡ nhỏ hơn.
Công ty này đang lên kế hoạch cho ra mắt chiếc TB3 đầu tiên trong năm nay, trước khi TCG Anadolu, tàu đổ bộ tấn công lớp LHD đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa vào hoạt động cuối năm nay.
Ông Ismail Demir, người đứng đầu Cục Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với truyền thông địa phương rằng TCG Anadolu sẽ được thiết kế để chứa 50-110 máy bay không người lái, tùy thuộc vào cấu hình.
Không dừng lại ở đó, Baykar còn đang tính đến việc mở rộng sang thị trường châu Á. Ông Haluk Bayraktar từng khẳng định: “Trung Quốc không sẵn sàng bán máy bay không người lái cho nhiều quốc gia ở châu Á, và chúng tôi sẽ cung cấp cho các quốc gia đó lựa chọn tốt hơn”.
Ông cũng cho biết, TB3 sẽ rất phù hợp với các tàu lớp Izumo của Nhật Bản. Những tàu lớp này có hình dáng của một tàu sân bay, thế nhưng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) lại phân loại chúng là tàu khu trục chở trực thăng.
Baykar không phải là nhà sản xuất máy bay không người lái duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 11/2021, Turkey Aerospace Industries (TAI), một công ty quốc phòng lớn khác, đã đạt được thỏa thuận cơ bản với Kazakhstan về máy bay không người lái ANKA (phượng hoàng) của họ.
Nhận thấy cơ hội phát triển tại Đông Nam Á, TAI mở văn phòng ở Selangor, ngoại ô Kuala Lumpur vào tháng 11/2021. Tháng trước, công ty này cũng đã mở một gian hàng lớn tại Singapore Airshow, trưng bày công nghệ máy bay không người lái và các sản phẩm chủ chốt khác.
Ông Ozgur Guleryuz, Giám đốc điều hành của STM, một nhà thầu quốc phòng khác của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết công ty ông cũng sẽ tham dự triển lãm quốc phòng ở Malaysia với một loạt sản phẩm, trong đó có UAV 4 cánh quạt cảm tử lưu động, có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Kargu.
Mặc dù những máy bay không người lái quân sự đáng tin cậy và chính xác từng là sản phẩm độc quyền của quân đội Mỹ, nhưng có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang từng bước trở thành một “người chơi” quan trọng trong thị trường quân sự hiện đại này.