📞

Bí ẩn quốc gia khai thác vàng lớn nhất châu Phi

Hà Trang 14:00 | 08/06/2021
Với hơn 142 tấn vàng khai thác năm 2019, Ghana chính thức soán ngôi Nam Phi, trở thành quốc gia khai thác vàng lớn nhất châu Phi.

Nằm trên bờ vịnh Guinea và Đại Tây Dương, Ghana rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khoáng sản. Đất nước Tây Phi với 31 triệu dân này được coi là hình mẫu dân chủ ở châu Phi với nền chính trị tương đối ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trung bình đạt tới 6,65% giai đoạn 2011-2019 theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong đại dịch Covid-19, Ghana là quốc gia hiếm hoi ở châu Phi tăng trưởng dương (1,1%) trong năm 2020. Đáng chú ý, thành tựu ấn tượng này có đóng góp không nhỏ của ngành khai thác vàng. Đây là động lực mạnh mẽ của kinh tế Ghana, chiếm tới 90% nguồn thu xuất khẩu khoáng sản và 10% GDP quốc gia.

Quốc vương Ashanti Otumfuo Nana Osei Tutu II. (Nguồn: africaonlinemuseum.org)

Từ Bờ biển Vàng xưa kia…

Từ thế kỷ thứ V sau Công nguyên, người Akan đã định cư trên vùng lãnh thổ thuộc Ghana ngày nay. Với nguồn thu chủ yếu từ buôn bán vàng với các thương nhân người Berber, sau này là người Arab từ Bắc Phi băng qua sa mạc Sahara, họ đã xây dựng nên những đế chế Akan hùng mạnh. Trong số đó, nổi bật nhất là Vương quốc Ashanti vẫn tồn tại đến ngày nay và hiện là một phần của Ghana.

Vào thế kỷ thứ XV, người Bồ Đào Nha đã đặt chân tới vùng đất này và thiết lập những mối giao thương đầu tiên với người Akan bản địa. Choáng váng trước trữ lượng vàng khổng lồ, họ đã gọi nơi đây là “Bờ biển Vàng”.

Song cái tên ấy dường như là báo hiệu về thời kỳ đầy máu và nước mắt của quốc gia này. Năm 1874, thực dân Anh chính thức đô hộ phần lớn lãnh thổ Ghana ngày nay với tên Bờ biển Vàng thuộc Anh. Đào và buôn vàng, song hành với bóc lột và buôn bán nô lệ đã ghi dấu một giai đoạn lịch sử đen tối của quốc gia Tây Phi.

Tranh minh họa từ năm 1859 miêu tả một ngôi làng ở Ghana bị đốt phá và dân làng bị bắt làm nô lệ. (Nguồn: gemeinfrei)

… tới cường quốc khai thác vàng lớn nhất lục địa

Vào thời thuộc địa, hoạt động tìm kiếm và đào vàng được đẩy mạnh, nhất là trong hai cơn sốt vàng đầu thế kỷ XX. Hàng loạt mỏ vàng lớn được phát hiện trên khắp lãnh thổ Ghana như Obuasi, Tarkwa hay Preastea. Đến năm 1957, khi Bờ biển Vàng giành độc lập từ Anh và chính thức đổi tên thành Ghana, ngành công nghiệp khai thác vàng rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, sau cơn mưa trời lại sáng. Năm 1983, khi chính phủ Ghana bắt đầu triển khai Kế hoạch khôi phục kinh tế (ERP), ngành này đã nhanh chóng hồi phục và cùng với ngành trồng cacao trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế Ghana.

Một số công ty khai thác vàng lớn có thể kể tới là Kinross Gold (hoạt động ở mỏ Chirano), Newmont Goldcorp (khai thác mỏ Akyem và Ahafo), AngloGold Ashanti (khai thác mỏ Obuasi và Iduapriem), Gold Fields (hoạt động ở mỏ Tarkwa) và Asanko Gold (khai thác mỏ Asanko).

Ước tính trữ lượng vàng ở Ghana là khoảng 1.000 tấn.

Mặt tối của công nghiệp khai thác vàng

Tiềm năng là vậy nhưng ngành công nghiệp khai thác vàng cũng tồn tại những mặt tối riêng.

Đào vàng được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp độc hại nhất thế giới. Phát hiện mỏ vàng mới đồng nghĩa rằng nhiều người dân phải di dời, thậm chí phá rừng để lấy đất khai thác. Những người phu vàng đầu độc đất, nguồn nước và chính bản thân họ khi hít lượng bụi lớn trong quá trình khai thác và sử dụng các chất độc như thủy ngân và cyanide để chiết xuất vàng từ quặng.

Do đa số các mỏ trái phép không có nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc địa chất, phu vàng cũng thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tai nạn, với cái giá phải trả đôi khi là tính mạng.

Vụ sập hầm tại khu mỏ phía Bắc Ghana đầu năm 2019 khiến 16 người thiệt mạng là một trong những câu chuyện đau lòng như thế.

Chiết xuất vàng thủ công tại khu mỏ Nsuaem Top, Ghana. (Nguồn: Reuters)

Song đó chưa phải là tất cả. Ngành công nghiệp khai thác vàng của Ghana hiện phải đối phó với vấn nạn nhức nhối “galamsey”. Xuất phát từ cụm từ “gather them and sell”, galamsey là từ địa phương Ghana chỉ nạn khai thác vàng trái phép.

Trước sức hút quá lớn từ vàng, ngoài những công ty khai thác lớn được cấp phép, ngày càng có nhiều các khu khai thác vàng quy mô nhỏ, thủ công và phần lớn trái phép, tồn tại năm này qua năm khác. Chỉ trong năm 2016, nước này để thất thoát tới 2,3 tỷ USD chỉ vì nạn khai thác trái phép.

Đáng ngại hơn, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng chạy theo “Giấc mơ vàng”. Những khu mỏ trái phép thu hút nhiều lao động trẻ em từ 10-18 tuổi. Các em thường được giao thực hiện một số công đoạn như be bờ, vận chuyển quặng vàng trong thúng lớn đội trên đầu từ mỏ ra bãi rửa và rửa quặng. Song, thứ các em nhận về sau 7-14 giờ làm việc quần quật mỗi ngày chỉ là vài đồng bạc lẻ.

Đại dịch Covid-19 khiến tình hình lạm dụng lao động trẻ em ngày càng trầm trọng. Khi trường học đóng cửa, rất nhiều trẻ em Ghana đã tình nguyện đầu quân cho những khu mỏ trái phép để đỡ đần cha mẹ kiếm sống.

Trẻ em lao động tại một khu mỏ khai thác vàng trái phép tại Ashanti, Ghana. (Nguồn: Human Rights Watch)

Tìm kiếm giải pháp

Trước tình hình đó, chính phủ Ghana đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay.

Luật khai thác và khoáng sản chính thức có hiệu lực năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2014 là nỗ lực của quốc gia Tây Phi nhằm kiểm soát hoạt động khai thác vàng trái phép. Theo đó, công dân Ghana và cả lao động nhập cư nước ngoài đến Ghana để hiện thực hóa “Giấc mơ vàng” trái phép có thể bị khép tội hình sự.

Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo xác định siết chặt quản lý nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của hoạt động khai thác vàng trái phép là một nội dung chính trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Từ 31/7/2017, theo chỉ đạo của Tổng thống, quân đội và cảnh sát Ghana đã triển khai Chiến dịch Tiên phong (Operation Vanguard) với khoảng 400 người, nhằm trấn áp hoạt động khai thác vàng trái phép. Trải qua 2 giai đoạn và bước vào giai đoạn 3 từ giữa tháng 5/2021, chiến dịch Vanguard đã đạt một số tiến triển tích cực.

Bộ trưởng Quốc phòng Ghana Dominic Nitiwul tại lễ xuất quân của Chiến dịch Tiên phong nhằm trấn áp hoạt động khai thác vàng trái phép. (Nguồn: ghaphic.com.gh)

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ. Trên thực tế, nhiều chủ mỏ vàng trái phép đã thỏa thuận trực tiếp với chủ đất tư nhân về ăn chia lợi nhuận, hối lộ quan chức địa phương để “nhắm mắt làm ngơ”. Điều này khiến chiến dịch Vanguard gặp không ít khó khăn. Cuộc chiến chống nạn khai thác vàng trái phép tại Ghana, vì thế sẽ còn dai dẳng và nhiều chông gai.