Sĩ quan cảnh sát đứng bảo vệ hiện trường vụ máy bay Ukraine bị rơi ở Shahedshahr, phía Tây Nam thủ đô Tehran, Iran, ngày 8/1. (Nguồn: Reuters) |
Khi bắn nhầm nguy hơn bỏ sót
Đầu tiên, lầm tưởng máy bay Mỹ xâm nhập không phận, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã vô tình bắn rơi máy bay chở khách PS752 của Ukraine hôm 8/1, khiến toàn bộ 176 người thiệt mạng, trong đó có công dân Iran, Ukraine, Canada, Anh, Afghanistan...
Ba ngày sau, Tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ thuộc IRGC, Thiếu tướng Amir Ali Hajizadeh đã xin lỗi, nhận hoàn toàn trách nhiệm liên quan. “Tôi ước có thể chết đi khi nghe tin về tai nạn máy bay”, ông nói. Tổng thống Iran Hassan Rouhani thừa nhận vụ bắn nhầm là “bi kịch khủng khiếp và sai lầm không thể tha thứ”. Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới tới gia đình các nạn nhân.
Nhầm lẫn này đã đẩy Iran vào tình thế khó khăn, khi phải đối mặt với chỉ trích từ nhiều quốc gia. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu Iran điều tra toàn diện và bồi thường cho gia đình nạn nhân. Nhẹ nhàng hơn, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho rằng đây là “thảm kịch” và kêu gọi các bên không leo thang căng thẳng.
Đáng ngại hơn, lần hiếm hoi trong lịch sử hơn 40 năm thành lập nền Cộng hòa Hồi giáo Iran, người dân đã đặt câu hỏi về vai trò của Lãnh đạo Tối cao khi Chính phủ phản ứng chậm, thậm chí có ý trì hoãn nhận trách nhiệm.
Ngày 12/1, một bộ phận người dân đã xuống đường tuần hành tại Tehran và nhiều thành phố lớn, kêu gọi ông Ali Khamenei từ chức. Vai trò của Lãnh đạo Tối cao trong Cộng hòa Hồi giáo Iran là tuyệt đối và hoạt động trên, dù không thể làm lung lay nền tảng vững chắc ấy, có thể khơi mào cho phong trào chống Chính phủ.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ thêm dầu vào lửa khi liên tục đăng những dòng Tweet bằng tiếng Ba Tư, cổ vũ người dân Iran. Điều chỉnh chính sách kích động biểu tình bạo loạn, đòi hỏi các thay đổi chính trị là xu hướng nổi bật năm 2019 và dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2020; Iran rõ ràng không muốn trở thành một “nạn nhân” khác của làn sóng này.
Người dân Iran giận dữ xuống đường tại Thủ đô Tehran hôm 11/1. (Nguồn: Getty Images) |
Khó càng thêm khó
Thứ hai, “dậu đổ bìm leo” – “bước hụt” đầu tiên đã kéo theo sai lầm khác khi ngày 11/1, cảnh sát Iran đã “bắt nhầm” Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire với tư cách “một người nước ngoài chưa rõ danh tính tại một cuộc tụ tập trái phép”, khẳng định ông đã được tự do 15 phút sau khi xác nhận danh tính.
Về phần mình, ông Rob Macaire phủ nhận tham gia biểu tình tại lễ tưởng niệm nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay, đồng thời cho biết đã bị bắt giữ 30 phút sau khi rời khu vực trên.
Một lần nữa, Iran đã mắc sai lầm khi vô tình vi phạm nguyên tắc miễn trừ ngoại giao, cụ thể trong Điều 29, Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961: “Quan chức ngoại giao không thể bị bắt hay giam giữ. Họ được miễn trừ truy tố dân sự hay hình sự, dù quốc gia chủ quản của họ có thể hủy quyền này theo Điều 32”.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Iran vi phạm điều khoản này khi trước đó, nước này đã hợp tác cùng Đơn vị Huy động Nhân dân (PMU) tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq thời gian qua. Sai lầm này đã khiến Iran chịu chỉ trích mạnh mẽ, đồng thời làm chiến lược tận dụng áp lực cộng đồng quốc tế để hạ nhiệt căng thẳng, khiến Mỹ nhượng bộ của phe chủ hòa tại Iran khó thành hơn.
Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire. (Nguồn: Iran Press) |
Mượn tay không còn hay
Thứ ba, Iran tiếp tục các hoạt động tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ, mượn tay lực lượng dân quân. Ngày 12/1, căn cứ Al Balad của Iraq, nơi đồn trú của chuyên gia, cố vấn Mỹ và công ty phụ trách bảo trì máy bay chiến đấu F-16, đã bị tấn công bởi 8 quả tên lửa Katyusha, khiến ít nhất 4 binh lính Iraq bị thương. Tuy nhiên, phía Mỹ không ghi nhận thiệt hại về người, khi đã điều động phần lớn lực lượng ra khỏi khu vực có thể nằm trong tầm công kích của Iran.
Được sử dụng trong nhiều xung đột lớn như Thế chiến II, Chiến tranh Triều Tiên tới Chiến tranh Việt Nam, tên lửa Katyusha phù hợp với tác chiến du kích khi giá rẻ, dễ sản xuất và sử dụng, xuất hiện gần đây nhất tại các cuộc công kích vào Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad. Do đó, nhiều khả năng dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ vũ khí của Iran, PMU đã tấn công Al Balad.
Như vậy, sau khi trực tiếp công kích căn cứ đồn trú lính Mỹ tại Iraq bằng tên lửa đạn đạo, Tehran đã trở lại với chiến thuật mượn tay PMU để gây rối Washington. Tuy nhiên, khi vai trò Iran trong chiến dịch tấn công Mỹ đã rõ, việc núp bóng PMU không còn hiệu quả. Quan trọng hơn, cuộc tấn công diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump có xu hướng “khi xong xuôi tất cả lại về”, chấm dứt hoạt động quân sự sau vụ ám sát Tướng Qassem Soleimani của IRGC, quay về với cấm vận. Khi ấy, hành động liều lĩnh của Iran có thể khiến ông Trump xem xét tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông, bởi cách tiếp cận hòa hoãn hiện tại đang không được lòng dân Mỹ.
Theo khảo sát CNN ngày 10-11/1, 56% cử tri không đồng tình với cách xử lý quan hệ Iran của ông Tổng thống; 52% cử tri cho rằng việc ám sát Tướng Soleimani đã khiến nước Mỹ kém an toàn hơn; 94% đảng Dân chủ và 52% đảng Cộng hòa quan ngại về khả năng mở rộng xung đột.
Như vậy, những “bước hụt” kể trên đang khiến Iran đối mặt tình thế khó khăn, với khả năng bị cô lập về chính trị hiện hữu hơn bao giờ hết. Thực tế này sẽ đòi hỏi chính quyền Iran, đặc biệt là Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei có bước đi hợp lý nhằm hóa giải tình hình, thể hiện khả năng lãnh đạo, đập tan những hoài nghi và củng cố vị thế "ông lớn" tại khu vực Trung Đông.