Ông Mohamad Mahathir từ chức, giải tán Chính phủ chỉ để trở lại trên cương vị Thủ tướng lâm thời. (Nguồn: AP) |
“Mưa rả rích đêm ngày. Mưa tối tăm mặt mũi. Trận này chưa qua trận khác đã tới, ráo riết, hung tợn hơn… Tưởng như biển có bao nhiêu nước, trời hút lên, đổ hết xuống đất liền”. Đôi dòng trích dẫn từ truyện ngắn “Mưa mùa hạ” của nhà văn Ma Văn Kháng giờ đây lại thích hợp hơn bao giờ hết để mô tả “cơn mưa rào” đang bao trùm chính trường Malaysia, chực chờ hóa lũ cuốn trôi sự ổn định chính trị - kinh tế hiếm hoi của quốc gia này dưới thời Thủ tướng Mohamad Mahathir.
Những tưởng chính biến đã là dĩ vãng khi cựu Thủ tướng Najib Razak thất bại trong bầu cử năm 2018 trước ông Mahathir và hầu tòa vì cáo buộc biển thủ công quỹ tại công ty đầu tư Chính phủ 1Malaysia Development Berhad (1MDB).
Ngỡ rằng sau khi Quốc vương Muhammad V trở thành “Agong” đầu tiên chủ động thoái vị trong lịch sử vì bất đồng với chính phủ, hành động thiếu suy xét khi tổ chức đám cưới xa hoa với cựu người mẫu Nga, gió đã lặng.
Tuy nhiên, thay đổi chính trị liên tiếp ngày 24/2 khi ông Mohamad Mahathir từ chức, giải tán Chính phủ rồi trở lại trên cương vị Thủ tướng lâm thời đang cho thấy thực tế rất khác.
Mâu thuẫn cá nhân
Đầu tiên, đó là mâu thuẫn giữa Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim và Thủ tướng Mohamad Mahathir. Hơn 20 năm trước, hai người từng hợp tác khi ông Mahathir là Thủ tướng của đảng cầm quyền Tổ chức Quốc gia Malaysia (UMNO), song xung khắc cá nhân khiến ông Anwar bị sa thải và phải ngồi tù về tội kê gian. Những tưởng gương cũ lại lành, khi ông một lần nữa trở thành phó tướng dưới thời ông Mahathir, chờ đợi lời hứa nhường lại quyền lực tối cao từ chính trị gia 94 tuổi.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang – ngày 24/2, 26 Nghị sỹ đảng Bersatu do ông Mahathir lãnh đạo cùng 11 Nghị sỹ đào ngũ từ đảng lớn nhất trong Pakatan Harapan (PH), Parti Keadilan Rakyat (PKR), đã có ý rời đi. Đồng nghĩa rằng PH không còn chiếm đa số tại Quốc hội. Bản thân ông Mahathir cũng từ chức Chủ tịch đảng, còn Bersatu có thể thành lập một Chính phủ mới mà không có ông Anwar. Về phần mình, ông Anwar Ibrahim cũng tiến hành sa thải và khai trừ đảng với Bộ trưởng Azmin Ali, người đứng đầu nhóm Nghị sỹ đào ngũ tại PKR và được coi là truyền nhân ưa thích của ông Mohamad Mahathir.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đây là cách ông Mahathir khéo léo duy trì quyền lực. Việc giải tán chính phủ, thành lập liên minh cầm quyền mới có thể trì hoãn, ngăn cản ông Anwar kế nhiệm theo lời hứa năm nào. Dù phủ nhận vai trò của ông Mahathir trong thay đổi này, song ông Anwar nhận thức rõ tác động của nó tới vị thế cá nhân trong Chính phủ mới. Ông Mahathir chắn chắn sẽ trở lại, khi các chính trị gia đều công khai ủng hộ ông và từ chối tiến hành bầu cử sớm.
Bộ trưởng Kinh tế Azmin Ali (phải) và Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim không còn đứng chung hàng ngũ PKR. (Nguồn: MalayMail) |
Rạn nứt tập thể
Thêm vào đó, vụ việc lần này đã cho thấy rạn nứt trong quan hệ giữa các chính đảng tại PH. Trong 32 triệu người Malaysia, 69% là người Malay, 24% là người gốc Hoa và 7% là người Ấn. Tương tự, Bersatu, tách ra từ UMNO và do ông Mahathir lãnh đạo chủ trương bảo vệ và thúc đẩy địa vị người Malay về kinh tế; DAP đại diện cho lợi ích của người Hoa; PKR theo đuổi chính sách đa văn hóa còn Amanah muốn bảo vệ quyền cho người Hồi giáo.
Liên minh cầm quyền đa dạng về sắc tộc tạo điều kiện cho ông Mahathir giành phiếu từ nhiều nhóm cử tri khác nhau, song cũng khiến ông đau đầu khi cố gắng dung hòa sự khác biệt. Trên thực tế, vế đầu đã góp phần làm nên chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử năm 2018. Vế sau là thứ đã khiến Liên minh rạn nứt, khi cử tri không còn mặn mà với quyết sách của Chính phủ: Tỷ lệ ủng hộ của người dân đã giảm từ 63% xuống 24% sau 2 năm. Trước tình huống xấu, song ông Mahathir vẫn quyết không liên minh với UMNO, có lẽ phần nào đến từ kinh nghiệm không mấy tích cực khi còn ở đảng này.
Điều này khiến đàm phán, thành lập liên minh cầm quyền mới là không dễ dàng. Ngay cả khi không còn là Chủ tịch đảng, song ông Mohamed Mahathir vẫn có thể đưa Bersatu trở lại PH, với điều kiện PKR tìm kiếm người khác thay thế ông Anwar Ibrahim, cụ thể là ông Azmin Ali. Chừng nào chưa được giải quyết, mâu thuẫn cá nhân, rạn nứt tập thể ở Kuala Lumpur tiếp tục là đám mây đen, chực chờ trút cơn mưa rào nhấn chìm ổn định chính trị - kinh tế của Malaysia.