Tham luận tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội. |
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trao đổi văn kiện tại Lễ ký kết Hiệp định thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Narasimha Rao, năm 1982. (Ảnh tư liệu) |
I. Bối cảnh tình hình công tác xây dựng ngành đầu thập niên 1980
Tháng Giêng năm 1980, ông Nguyễn Cơ Thạch được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao. Tình hình quốc tế và trong nước thời kỳ đó có rất nhiều khó khăn, phức tạp, nổi bật là:
1. Việt Nam vừa kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước được 5 năm (từ tháng 4/1975), cả nước còn đang phải gồng mình hàn gắn vết thương của cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm với những hậu quả vô cùng nặng nề.
2. Việt Nam cũng vừa vượt qua cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 nhưng vẫn phải tiếp tục đối phó với những âm mưu và hành động lấn chiếm biên giới, lãnh thổ, biển đảo trong suốt thập niên 1980, đồng thời lại bị các nước Mỹ, phương Tây, ASEAN thực hiện bao vây cấm vận do cái gọi là vấn đề Campuchia.
3. Tình hình kinh tế trong nước vô cùng khó khăn do hậu quả tàn phá khốc liệt của các cuộc chiến tranh lâu dài chống ngoại xâm; những ưu điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã giúp đất nước huy động được toàn bộ nguồn lực để giành chiến thắng trong chiến tranh lại trở thành sức cản trong giai đoạn mới đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế thời hậu chiến.
4. Ngành ngoại giao cũng đứng trước yêu cầu cấp thiết tận dụng mọi cơ hội để hỗ trợ việc hàn gắn viết thương chiến tranh, đối phó với chính sách bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ của quốc tế, tìm lối thoát và phương hướng mới để phát triển kinh tế đất nước.
5. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ ngành Ngoại giao, những người đã có rất nhiều tài năng, kinh nghiệm và đóng góp trong thời gian chiến tranh về đấu tranh trên bàn đàm phán, vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế… nay lại đứng trước yêu cầu mới về tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế của các nước để vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam, tiếp tục vận động sự hợp tác và giúp đỡ của các nước cho việc phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.
II. Những chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về công tác xây dựng ngành Ngoại giao
1. Định hướng công tác xây dựng ngành trong giai đoạn mới
Vào đầu thập niên 1980, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã suy nghĩ rất nhiều về công tác xây dựng ngành Ngoại giao, đặt vấn đề này trên cơ sở lý luận và thực tiễn với tầm quan trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành.
(i) Trước hết, đó là những trăn trở về định hướng công tác xây dựng ngành Ngoại giao trong thời kỳ chuyển từ chiến tranh sang xây dựng hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh để phát triển kinh tế đất nước. Ngay từ khi sắp kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Cơ Thạch đã là người đi đầu trong việc xác định phương hướng mới của công tác ngoại giao - đó là “Ngoại giao làm kinh tế”.
Phương hướng này thực sự đã đem lại những kết quả rất quan trọng không chỉ trong việc vận động sự ủng hộ to lớn và hiệu quả về kinh tế của cộng đồng quốc tế, các nước XHCN và dân tộc chủ nghĩa mà còn mở ra những quan hệ hợp tác mới về kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ.
(ii) Từ giữa những năm 1980, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, phương châm “Ngoại giao làm kinh tế” được chuyển thành “Ngoại giao phục vụ kinh tế” để nhấn mạnh vai trò của ngành Ngoại giao không phải là “dẫm chân” lên các ngành kinh tế mà là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển; mở đường và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, công ty nhà nước trong việc thiết lập các quan hệ kinh tế đối ngoại; tiếp tục vận động sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế trong nước và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.
(iii) Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn tự mình nghiên cứu về nền kinh tế thị trường, coi kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa không phải là của riêng CNTB mà là kết quả phát triển của xã hội loài người, từ đó rút ra những mặt tích cực của kinh tế thị trường để có thể vận dụng cho việc phát triển nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng đã sưu tầm cuốn sách “Kinh tế học” của Paul A. Samuelson và William D. Nordhaus về nền kinh tế thị trường. Ông tự đọc và sau đó giao cho các chuyên viên của Vụ Kinh tế và Trường Ngoại giao dịch ra tiếng Việt. Nội dung cuốn sách với những điểm rất mới về xây dựng nền kinh tế thị trường đã được Bộ trưởng báo cáo với Lãnh đạo cấp cao và phổ biến tới các cấp lãnh đạo - quản lý để xem xét, vận dụng những điểm tích cực và phù hợp của nền kinh tế thị trường vào việc xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam vốn lúc đó đang chìm sâu vào cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp.
Đây thực sự là một tư duy mới và hành động dũng cảm “vượt thời gian” của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch do lúc đó đã có nhiều ý kiến “phản biện”, thậm chí công kích ông, coi ông là người ủng hộ đường lối kinh tế TBCN. Ông đã phải nhiều lần thuyết trình cụ thể, chi tiết cho các nhà lãnh đạo và cuối cùng đạt được nhận thức chung về xây dựng và phát triển “nền kinh tế thị trường nhiều thành phần” - đó cũng chính là một kết quả vô cùng quan trọng được Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 chấp nhận và đưa vào thực hiện trong công cuộc Đổi mới.
(iv) Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng đã chỉ đạo cán bộ ngành Ngoại giao phải biết tận dụng năng lực nghiên cứu và quan hệ của những “Việt kiều” để hỗ trợ Bộ Ngoại giao trong công tác phục vụ kinh tế. Nhiều nhà khoa học “Việt kiều” như TS Vũ Quang Việt, Nguyễn Hữu Động đã được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mời về nước thường xuyên để đóng góp ý kiến, hỗ trợ công tác “ngoại giao phục vụ kinh tế”, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế thị trường, những biến chuyển của tình hình thị trường khu vực và thế giới, thiết lập các mối quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ với các nước và đối tác quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và Việt kiều tại Pháp, tháng 5/1982. (Ảnh tư liệu) |
Nhờ có tầm nhìn và những nỗ lực thực hiện thành công, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngoại giao say mê công tác nghiên cứu kinh tế và hoạt động rất hiệu quả, góp phần thực hiện thành công phương châm công tác của ngành là “Ngoại giao phục vụ kinh tế”, tạo tiền đề cho việc đề ra và thực hiện chiến lược “Ngoại giao kinh tế” trong giai đoạn mới bắt đầu từ cuối thập niên 1990 - đầu thập niên 2000.
2. Định hướng đổi mới tổ chức bộ máy và quy chế làm việc để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của ngành Ngoại giao
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch quan niệm sâu sắc rằng muốn thực hiện tốt công tác chuyên môn thì cần có tổ chức bộ máy và quy chế làm việc thực sự hiệu quả. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt các công tác sau:
(i) Cải tiến xây dựng tổ chức ngành Ngoại giao nhằm bảo đảm bộ máy tổng thể mạnh, đồng thời hoàn thiện các đơn vị cơ sở cả ở trong nước và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Công tác xây dựng ngành được thực hiện với bốn nội dung chủ yếu: a) Cải tiến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ; b) Xây dựng và hoàn thiện các đơn vị cơ sở; c) Tiêu chuẩn hóa cán bộ; d) Tuyển chọn và đào tạo cán bộ cấp Vụ theo Quy chế tập sự cấp Vụ và từ năm 1983 đào tạo cán bộ cấp Bộ theo Quy chế tập sự cấp Bộ. Việc kiện toàn tổ chức ở cơ sở, tiêu chuẩn hóa bộ máy, hoàn thiện quy chế và cơ chế hóa các quy trình công tác đã thực sự có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác của toàn ngành, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác đối ngoại trong giai đoạn mới.
(ii) Từ tháng 6/1985, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của ba vụ phụ trách kinh tế gồm: Vụ Tổng hợp kinh tế (với chức năng tham gia hình thành chính sách kinh tế trong nước như đổi mới thể chế, chống lạm phát, công nghiệp hóa…); Vụ Hợp tác kinh tế (với chức năng tham gia hình thành chính sách kinh tế đối ngoại, hỗ trợ các vụ khu vực trong hoạt động kinh tế, phối hợp với các bộ ngành thúc đẩy thu hút đầu tư và hợp tác kinh tế quốc tế); Vụ Kinh tế thế giới (với chức năng nghiên cứu kinh tế thế giới để đóng góp vào việc đánh giá tình hình, xu hướng phát triển và định hướng hợp tác).
Tuy sau này có sự điều chỉnh, sáp nhập, các vụ trên đã giúp Bộ trưởng đẩy mạnh công tác nghiên cứu và quan hệ kinh tế nhằm thực hiện tốt chức năng “Ngoại giao phục vụ kinh tế”, đóng góp hiệu quả cho việc nghiên cứu và đề xuất các chủ trương chính sách kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh còn bị bao vây cấm vận của các nước.
(iii) Thành lập Vụ Tổng hợp đánh giá năm 1989 để cùng Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức Cán bộ và Vụ Tổng hợp nội bộ giúp Lãnh đạo Bộ trong công tác theo dõi, đánh giá về cách thức và hiệu quả hoạt động của các đơn vị và các cán bộ chủ chốt, qua đó đề xuất các kiến nghị về hoàn thiện bộ máy, đề bạt cán bộ…
(iv) Nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, coi việc xây dựng Đảng là nòng cốt cho công tác xây dựng ngành, chỉ có thể xây dựng Đảng có hiệu quả nếu làm tốt công tác xây dựng ngành. Công tác xây dựng và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, đứng đầu là Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao cùng Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc xây dựng ngành, xây dựng đơn vị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Ngành.
3. Định hướng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới
Trong thời kỳ lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhất là vào những năm cuối thập niên 1980 khi chế độ XHCN ở Liên Xô - Đông Âu có những diễn biến phức tạp về hệ tư tưởng, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn mang tính Đảng sâu sắc và luôn được nhắc tới như là một “bộ cộng sản”. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn coi trọng công tác đào tạo một đội ngũ cán bộ ngành Ngoại giao trung thành và kiên định thực hiện đường lối, chính sách của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại, đồng thời đạt trình độ cao cả về chuyên môn và nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và cán bộ Bộ Ngoại giao sau khi dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 17 năm 1987. (Ảnh tư liệu) |
(i) Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 17 (5/1987), Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã bổ sung nhân tố Đảng, coi đó là một trong sáu thành tố quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng ngành (cùng với các thành tố: con người, tổ chức, phương pháp và phương tiện làm việc, người lãnh đạo). Ông thường nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, tính Đảng và tính giai cấp của ngành Ngoại giao mà đội ngũ cán bộ của ngành phải thể hiện được.
Điều này đòi hỏi cán bộ ngoại giao phải là đảng viên cộng sản, luôn thấm nhuần quan điểm, lập trường, nhân sinh quan, đạo đức của người cộng sản, đồng thời kiên định thực hiện những quan điểm, mục tiêu, đường lối chính sách của Đảng trong hoạt động đối ngoại.
(ii) Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao hiện đại, giác ngộ chính trị cao, nắm vững chuyên môn và nghiệp vụ để hoàn thành các nhiệm vụ của ngành Ngoại giao trong tình hình mới. Nhiều cán bộ được cử đi dự các khóa đào tạo, bổ túc về chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài, đặc biệt là về luật pháp quốc tế, các tổ chức quốc tế, kinh tế và thương mại quốc tế. Ở trong nước, các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ (gọi chung là lớp "Kiến thức ngoại giao") cũng được thường xuyên tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ ngoại giao, kể cả các khóa học bồi dưỡng lý luận chính trị tại chức ở Bộ Ngoại giao hoặc tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), coi đó là một trong những yêu cầu và tiêu chuẩn để nâng hạng cấp chuyên viên và đề bạt cán bộ lãnh đạo cấp Vụ và cấp Bộ.
(iii) Từ kinh nghiệm bản thân về tự học ngoại ngữ (Anh, Pháp) để có thể “độc lập tác chiến” trong các hoạt động ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ ngoại giao. Các lớp bổ túc ngoại ngữ đã được tổ chức thường xuyên dành cho cán bộ ngoại giao ở mọi cấp bậc. Dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, lần đầu tiên nhiều cán bộ cấp Vụ, chuyên viên chính và trong diện đề bạt đã được cử đi tham dự các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh tại các nước như Australia, New Zealand, Singapore… Kết quả là các cán bộ cấp Bộ và cấp Vụ khi tiếp khách đối ngoại đã tự sử dụng được tiếng Anh mà không cần phải qua phiên dịch.
Tin liên quan |
Nguyễn Cơ Thạch – Một nhà cải cách lớn! |
(iv) Trong công tác đào tạo cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất chú trọng đào tạo về phương pháp làm việc, coi đó là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả công tác.
a) Ông thường nhấn mạnh và căn dặn cán bộ trong công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình và đề xuất chủ trương chính sách phải có tư duy biện chứng theo phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là phải nhìn nhận sự vật hay vấn đề một cách toàn diện, tổng thể, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong sự phát triển liên tục và trong mối quan hệ với các sự vật và quá trình vận động khác.
b) Trong phương pháp làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất chú trọng phương pháp tích lũy kiến thức qua việc nghiên cứu, ghi chép, suy nghĩ, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, tranh luận. Ông thường căn dặn: “Muốn làm việc tốt phải có kiến thức nhưng nếu không có phương pháp tích lũy thì dù có đọc thiên kinh vạn quyển cũng không đọng lại gì trong đầu!”.
Tôi còn nhớ trường hợp một đơn vị chức năng trong Bộ lúng túng khi được yêu cầu báo cáo toàn bộ quá trình diễn biến tình hình để chuẩn bị cho việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã rút từ trong hộp “fish” toàn bộ tư liệu và đại sự ký do ông tự ghi chép trong nhiều năm để cung cấp cho đơn vị đó.
c) Một trong những điểm quan trọng của phương pháp công tác mà Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhấn mạnh là công tác sơ kết, tổng kết và đánh giá. Ông thường rốt ráo đốc thúc công tác này để rút ra những thiếu sót, những điểm cần hoàn thiện, tránh sót việc, tránh lạc trọng tâm hoặc chệch hướng, luôn kiểm soát được công việc và hoàn thiện với kết quả và hiệu quả cao nhất.
d) Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn coi trọng tính thực tế, hiệu quả trong xử lý công việc, không câu nệ về hình thức. Ông căn dặn: Trong tiếp xúc đối ngoại để tìm hiểu, nghiên cứu hay quan hệ về việc gì, không nhất thiết cứ phải gặp người đồng cấp hoặc đòi gặp cấp cao hơn; chỉ cần “được việc” thì cấp thấp hơn mình cũng gặp. Ông cũng dặn: Công tác ngoại giao chủ yếu là đối thoại, thương lượng, đàm phán, trong đó điều cốt tử là phải nắm rõ và giữ bằng được nguyên tắc, còn những cái râu ria, hào nhoáng thì cứ nhường cho đối phương để giữ lại cho được cái nguyên tắc.
Có lẽ do phương pháp tư duy và phong cách đàm phán thực tế, hữu hiệu, biết buông bỏ cái không thật cần thiết để giữ bằng được cái nguyên tắc và lợi ích cơ bản, ông Nguyễn Cơ Thạch đã được thế giới coi là một nhà thương lượng tài năng của Việt Nam khi phải xử lý những vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp.
***
Trong hơn 10 năm (từ tháng 1/1980 đến tháng 6/1991) ở cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và một thời gian dài đảm nhiệm trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong điều kiện tình hình trong nước và đối ngoại rất khó khăn do phải hàn gắn vết thương chiến tranh, chống bao vây cấm vận, đổi mới thể chế kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn dành sự quan tâm rất lớn đối với công tác xây dựng ngành Ngoại giao. Lần đầu tiên trong ngành Ngoại giao, công tác xây dựng ngành đã được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đặt ngang tầm với công tác chuyên môn và nghiệp vụ đối ngoại với những trăn trở làm thế nào để xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, định hướng hoạt động của ngành, cải tiến phương pháp làm việc và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới.
Tầm nhìn xa rộng cùng những trăn trở, tâm huyết và các giải pháp quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thực sự đưa lại những bước tiến cơ bản trong công tác xây dựng ngành Ngoại giao trong thập niên 1980-1990, đặt nền tảng và tạo động lực mạnh mẽ cho toàn bộ công tác xây dựng ngành Ngoại giao Việt Nam hiện đại, hiệu quả và thành công.
* Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Thư ký Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch từ năm 1984-1989.