Thay vì là cột mốc đánh dấu sự chuyển mình của nước Anh, tách khỏi Liên minh châu Âu (EU), thứ Sáu ngày 29/3 lại tiếp tục là một ngày buồn tại London. Dù đã sử dụng mọi chiến thuật, từ gây áp lực thời gian, “chia để trị” – tách từng phần dự thảo Brexit ra để dễ dàng bỏ phiếu hơn, cho tới khẳng định sẽ từ nhiệm nếu phần dự thảo được thông qua, song Thủ tướng Theresa May vẫn không thể thuyết phục Hạ viện Anh, trong đó có các nghị sỹ bất đồng trong đảng Bảo thủ và 10 nghị sỹ đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland (DUP) hồi tâm chuyển ý.
Điểm sáng hiếm hoi mà nhà lãnh đạo này làm được trong ngày 29/3 là tránh một thất bại nặng nề - con số chênh lệch ở lần bỏ phiếu thứ ba này “chỉ” là 58 so với 220 ở lần đầu tiên.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu của Hạ viện về một phần dự thảo Brexit được công bố ngày 29/3. (Nguồn: Financial Times) |
Với thất bại lần thứ ba này, London đã bỏ lỡ thời hạn cuối cùng 22/5 để có thể “ly hôn” với Brussel “một cách có trật tự” và về lý thuyết, kịch bản tiếp theo lúc này sẽ là một Brexit không thỏa thuận sau ngày 12/4.
Đây rõ ràng là điều không ai mong muốn. Sau khi kết quả bỏ phiếu ngày 29/3 được công bố, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã triệu tập một cuộc họp khẩn của EC ngày 10/4 để bàn thảo về Brexit. Khi mà cánh cửa Brexit có thỏa thuận dần khép lại, EU đã buộc phải tính đến phương án Brexit không thỏa thuận.
Về phần mình, các Nghị sỹ Anh được cho là sẽ tìm cách “vượt mặt” Chính phủ để tự kiểm soát tiến trình Brexit bằng các cuộc bỏ phiếu thăm dò, tìm kiếm một phương án Brexit thay thế, sau khi 8 phương án do chính họ đề xuất bị bãi bỏ tại Hạ viện. Tuy nhiên, khi mà Hạ viện đã “năm lần bảy lượt” từ chối thỏa thuận do Chính phủ Thủ tướng Theresa May đề xuất, chẳng có lý do gì để bà May chấp nhận giải pháp đến từ các Nghị sỹ Hạ viện, bỏ qua 2 năm gian khó đàm phán để giành từng sự nhượng bộ của EU.
Trong khi đó, khích lệ từ “thành công” thu hẹp bất đồng giữa Chính phủ và Hạ viện về dự thảo Brexit, Thủ tướng Theresa May vẫn mong muốn đưa dự thảo quay trở lại Hạ viện một lần nữa trong tuần tới. Tuy nhiên, khả năng thành công của phương án này là không cao, khi mà luồng ý kiến phản đối dự thảo Brexit của bà May vẫn còn rất mạnh mẽ. Chừng nào bất đồng “kế hoạch dự phòng” – cho vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và xứ Bắc Ireland thuộc Anh chưa được giải quyết, mọi đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May sẽ khó qua ải Hạ viện.
Khi đó, Anh nhiều khả năng sẽ buộc phải xuống nước và tham dự Bầu cử Nghị viện châu Âu, đổi lại EU sẽ xem xét đẩy lùi thời hạn Brexit. Song ngay cả khi thời điểm Brexit được đẩy lui xuống tháng Năm, khả năng bà May tìm được lối thoát cho một bản dự thảo “thuận cả đôi đường” là không cao. Khi đó, những phương án khác như đàm phán lại thỏa thuận, tổ chức trưng cầu ý dân lần hai, tổng tuyển cử sớm hay đảo ngược Brexit đều có thể được cân nhắc.
Nước Anh thường được gọi với cái tên “xứ sở sương mù” có lẽ không chỉ bởi khí hậu đặc thù, mà còn bởi một chính trường phức tạp, diễn biến khó lường, với nhiều lớp “sương mù” khiến ngay cả những chính trị gia hàng đầu như Thủ tướng Theresa May cũng phải lạc lối.