Dẫu vậy, thái độ có vẻ "sốt ruột" của Tổng thống Obama cũng chưa thể tạo ra sức nóng làm tan băng những bất đồng giữa hai thực thể đối đầu nhau trong suốt nhiều thập kỷ, Israel và Palestine. Kết quả cuộc gặp đầu tiên giữa Mỹ - Palestine - Israel vào ngày 22/09, như đã dự đoán trước, chỉ là cái bắt tay mang tính hình ảnh giữa 2 vị lãnh đạo đối địch, Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Mamud Abbas. Không một cam kết, không một hứa hẹn cụ thể khi nào họ sẽ nối lại đàm phán.
Đây là lần đầu tiên hai bên đối mặt kể từ khi ông Netanyahu lập nên liên minh cánh hữu vào tháng Ba vừa rồi. Cuộc họp Ba bên vẫn diễn ra mặc dù phía Israel tỏ thái độ từ chối đối thoại với yêu cầu của Mỹ và Palestine chấm dứt việc xây dựng các khu định cư.
Israel nhượng bộ - điều không tưởng
Để tạo "cú huých" trước thềm cuộc gặp Ba bên, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Trung Đông, George Mitchell, được cử đến Israel nhằm thuyết phục nước này chấm dứt phong tỏa các khu định cư. Tuy nhiên, Mỹ và Israel vẫn bất đồng về cách phong tỏa, thời gian thực thi và khu vực địa lý của các khu định cư.
Gần đây, Thủ tướng Netanyahu cho rằng Mỹ phải xét đến tình trạng không ổn định trong liên minh cầm quyền ở Israel. Ông Netanyahu đã bị các đối tác trong liên minh diều hâu truyền thống của mình "cảnh cáo" về bất cứ động thái nhượng bộ nào với phía Palestine.
Người dân Palestine hiểu rằng việc '"ngừng lại" đồng nghĩa với "dừng hoàn toàn" việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và tại nơi từng là Thánh địa Đông Jesusalem của người Ả Rập. Nhưng điều này quá xa so với những gì mà Thủ tướng Israel có thể sẵn sàng nhượng bộ. Quan điểm của Israel luôn tỏ ra cứng rắn. Thậm chí ông Netayanhu còn nói, "việc gia tăng điều kiện chỉ càng thêm tốn thời gian. Đây là điều chưa từng xảy ra trong suốt 15 năm đàm phán giữa Israel và Palestine".
Tình hình càng thêm nhiều tranh cãi khi hồi tuần trước, Israel vừa phê chuẩn xây dựng thêm hàng trăm ngôi nhà tại khu tái định cư ở Bờ Tây. Ngay lập tức chính quyền Palestine chỉ trích mạnh mẽ Israel rằng quyết định trên là "một thách thức trực tiếp đối với Mỹ và nỗ lực của quốc tế nhằm tái khởi động đàm phán".
Palestine lo lắng
Trước khi đi đến cuộc gặp tại New York vừa qua, phía Palestine đã đặt điều kiện tiên quyết cho việc nối lại đàm phán là phải chấm dứt tất cả hoạt động tại các khu tái định cư. Tổng thống Palestine M. Abbas lo ngại đàm phán với Israel trên cơ sở tạm dừng từng phần việc xây dựng các khu tái định cư trong 9 tháng có thể làm giảm uy tín của ông trước dân chúng Palestine. Hơn nữa ông cũng phải xem xét toan tính của các nhóm vũ trang chống Israel là Hamas và Hezbullah.
Phía Palestine tỏ ra không mấy lạc quan khi hợp tác với Netanyahu. Công luận Palestine cho rằng Netanyahu đại diện cho tư tưởng không muốn chứng kiến một nhà nước Palestine đứng bên cạnh Israel. Cho nên, rất khó để thuyết phục Israel ngừng các hoạt động xây dựng khu định cư chứ chưa nói là dỡ bỏ.
Có quá nhiều khó khăn và thách thức buộc Tổng thống Mỹ Obama phải mạnh tay giải quyết. Ngay sau cuộc gặp gỡ Ba bên, ông Obama đã cử ngay đặc phái viên Mitchell tiếp tục đến Trung Đông nhằm thảo luận với các nhà đàm phán của Hai bên trong tuần tới. Đồng thời, ông cũng ủy quyền cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton theo dõi và chuẩn bị báo cáo về tiến trình đàm phán trong tháng 10 này. Lộ trình dày đặc cho hoà bình Trung Đông cho thấy ông Obama đặc biệt coi trọng vấn đề này và coi đó như một trong những canh bạc đối với uy tín quốc tế của Mỹ cũng như cá nhân Tổng thống Mỹ.
Đức Tiến