“Xoay trục” sang châu Á
Trước viễn cảnh Brexit, Nhật Bản đã trở thành đối tác hậu thuẫn lớn và là cố vấn thầm lặng trong quá trình London gia tăng hiện diện ở châu Á.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn đầu tiên ký kết thỏa thuận thương mại với Anh hậu Brexit. Không ai khác ngoài Tokyo đã ủng hộ yêu cầu của London về tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Với sự thận trọng, Anh có thể nhanh chóng giành được các thỏa thuận thương mại mới ở châu Á, đồng thời định vị vai trò quan trọng trong các liên minh đa phương mới đang được hình thành nhằm kiểm soát ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc.
Thủ tướng Boris Johnson có thể tìm thấy hướng đi mới cho nước Anh ở châu Á. (Nguồn: Getty Images) |
Tuy nhiên, chính sách châu Á mới của Anh vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Giới quan sát lập luận London nên áp dụng cách tiếp cận song phương ở châu Á, tập trung vào sự thịnh vượng và an ninh bằng việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Để đạt được điều này, Anh sẽ gia tăng chi tiêu quốc phòng thêm 21 tỷ USD trong 4 năm tới, con số này thể hiện mức tăng thực tế hơn 10%, theo Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh.
Việc Anh tìm kiếm chỗ đứng vững chãi hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ củng cố lập luận của Mỹ rằng căng thẳng với Trung Quốc không chỉ dừng lại ở khuôn khổ song phương, mà đã dẫn đến sự hình thành của các liên minh đa phương nhằm đối kháng với Bắc Kinh.
Năm tới, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ được triển khai đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Khi di chuyển qua Ấn Độ Dương, Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh sẽ tập trận với quân đội của những quốc gia cùng chí hướng, bao gồm nhóm Bộ Tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) cùng một số quốc gia Đông Nam Á.
Định vị lợi ích chiến lược ở khu vực
Anh có nhiều lợi ích hợp pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. London là thành viên của thỏa thuận phòng thủ 5 nước (FPDA) cùng Malaysia, Singapore, Australia và New Zealand.
Là liên minh quốc phòng đa phương của khu vực thành lập năm 1971, nhằm ngăn chặn xung đột quanh Bán đảo Malay, FPDA đã trở nên tích cực hơn trong kiểm soát hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Theo thỏa thuận, Anh duy trì một cơ sở hậu cần hải quân tại Sembawang (Singapore) và đã từng có ý kiến cho rằng cần thiết lập một cơ sở quân sự đầy đủ trong khu vực.
Tại Đông Á, theo thỏa thuận, Anh có trách nhiệm với Hong Kong (Trung Quốc) tới năm 2047. Nước này cũng tham gia ký kết và giám sát lệnh đình chiến của Liên hợp quốc năm 1953 trong Chiến tranh Triều Tiên.
Ở Ấn Độ Dương, Anh kiểm soát một phần Ấn Độ Dương rộng 640.000 km2 ở quần đảo Chagos, phía nam Maldives. Lãnh thổ này có căn cứ Diego Garcia được Mỹ thuê để thiết lập căn cứ quân sự.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh được cho là sẽ xuất hiện thường xuyên hơn ở Biển Đông vào năm sau. (Nguồn: UKDJ) |
Bên cạnh đó, Anh cũng là một phần của liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), tập hợp các quốc gia các quốc gia có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Bắc Kinh. Đã có ý kiến về việc mời Nhật Bản tham gia liên minh tình báo này.
Với việc EU coi Trung Quốc là đối thủ mang tính hệ thống và Pháp duy trì một số vùng lãnh thổ trong khu vực, Bắc Kinh hẳn đã lường trước viễn cảnh có thêm các quốc gia châu Âu quan tâm tới an ninh khu vực.
Trong bối cảnh đó, Anh cần hành động cẩn trọng, thể hiện mình như một cường quốc tầm trung, sẵn sàng hợp tác với các quốc gia chống lại bá quyền khu vực.
Một nước Anh toàn cầu
Chiến thắng của ông Joe Biden có thể đã ảnh hưởng tới hy vọng của Anh về nhanh chóng ký thỏa thuận thương mại tự do song phương với Mỹ. Tuy nhiên, sự hiện diện của London ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể giúp củng cố lợi ích của chính quyền ông Joe Biden.
Trong bối cảnh đó, Anh cần hành động cẩn trọng, thể hiện mình như một cường quốc tầm trung, sẵn sàng hợp tác với các quốc gia chống lại bá quyền khu vực. |
Với sự hỗ trợ từ Nhật Bản, Australia và các nước khác, Anh hy vọng có thể sẽ sớm tham gia CPTPP, điều mà Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liz Truss tin có thể đặt Anh “vào trung tâm của mạng lưới các nước cam kết tự do thương mại và tuân thủ các quy tắc toàn cầu, nền tảng của thương mại quốc tế".
Sự kết hợp giữa các hiệp định thương mại và liên minh quân sự này có thể mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Đối với Anh, điều đó sẽ cho cử tri thấy rằng chủ trương “Nước Anh toàn cầu” của chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson không chỉ là khẩu hiệu dân túy.
Với châu Á, Anh sẽ mang đến sự hiện diện mới đáng kể giữa một loạt các quốc gia đang phát triển với khả năng tài chính, quân sự và ngoại giao, ít nhiều khiến Bắc Kinh cân nhắc hơn trong các chính sách mới của mình.
| Anh và EU đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit TGVN. Anh và Liên minh châu Âu (EU) tối 24/12/2020 đã đạt được thỏa thuận mở ra mối quan hệ kinh tế và an ninh ... |
| Thỏa thuận thương mại Anh-EU hậu Brexit quan trọng, tại sao? TGVN. Gần 5 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng Brexit bắt đầu, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa ... |
| Brexit: Anh-EU nhận quà Giáng sinh không thể tuyệt hơn, London vui mừng, châu Âu lạc quan TGVN. Ngày 24/12, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit sau chuỗi ngày 'đàm ... |