📞

Châu Á và nỗi lo già hóa dân số

Quang Đào 20:00 | 25/02/2023
Già hóa dân số là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á do dân số tại nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực đang giảm nhanh hơn bất kỳ châu lục nào khác.
Nỗi lo già hóa dân số đang ám ảnh các nền kinh tế lớn tại châu Á. (Nguồn: depositphotos)

Châu Á đang đứng trước vấn đề vô cùng lớn: dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ lục địa nào khác. Tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc ngày càng tăng, khiến cho nền kinh tế của các quốc gia này đứng trước tình trạng báo động do thiếu lực lượng lao động cần thiết cho tương lai.

Ngoài ra, các nền kinh tế phát triển khác tại khu vực như Đài Loan (Trung Quốc), Nga và một phần nào đó là CHDCND Triều Tiên cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Do số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, các chính phủ cũng đang vật lộn để tìm nguồn tiền hỗ trợ người về hưu.

Tình trạng đáng lo ngại

Trong năm 1999, dân số tại các cường quốc trên thế giới có độ tuổi trung bình 40, với Nhật Bản là 40,4. Nhật Bản luôn là quốc gia có độ tuổi trung bình cao nhất thế giới, đạt 48,4 trong năm 2021.

Theo báo cáo của Cơ quan thống kê Nhật Bản (2022), phân bố dân số Nhật Bản năm 1950 có hình dạng chuẩn của một kim tự tháp, với phần đế tháp khá rộng. Tuy nhiên, tháp dân số của Nhật Bản đã thay đổi nhanh chóng, bởi sự sụt giảm của cả tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết. Năm 2021, tổng dân số Nhật Bản là 125,5 triệu người, xếp hạng thứ 11 về quy mô dân số của thế giới, nhưng quy mô dân số đã giảm so với đỉnh 128 triệu người của năm 2010.

Năm 2020, tỷ lệ già hóa dân số (trên 65 tuổi) của Nhật Bản đã ở mức 28,6% so với mức 11,4% của năm 1950, cao hơn mức 16,6% của Mỹ (10% ở năm 1970), 20,3% của Thụy Điển (10,2% ở năm 1955), 20,8% của Pháp (11,4% ở năm 1955), 21,7% của Đức (10% ở năm 1955). Năm 2021, cứ bốn người dân Nhật Bản có một người cao tuổi. Theo dự báo của cơ quan trên, tỷ lệ dân số già trong cơ cấu dân số Nhật Bản sẽ tăng lên 31,2% vào năm 2030, 35,4% vào năm 2040, 37,7% vào năm 2050 và sẽ ở mức 38,1% vào năm 2060.

Đối với Hàn Quốc, mặc cho nền kinh tế có những bước phát triển ổn định và nhanh chóng, quốc gia này sẽ phải đối đầu với vấn đề thiếu hụt nhân sự khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động bị co rút dữ dội. Bên cạnh đó, nước này đối mặt với tình trạng thiếu nam thanh niên trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Tháng 2/2021, Cơ quan thống kê Hàn Quốc công bố dữ liệu cho thấy, nước này lần đầu tiên ghi nhận suy giảm dân số tự nhiên trong năm 2020 trong bối cảnh đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp kéo dài. (Suy giảm dân số tự nhiên là tình trạng số người chết nhiều hơn số trẻ được sinh ra trong cùng một thời điểm). Bên cạnh đó, số dân ở độ tuổi trên 65 đã vượt xa số dân ở độ tuổi dưới 15.

Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, tổng tỷ suất sinh chỉ còn dưới 0,75 trẻ, thấp nhất trong lịch sử và có xu hướng tiếp tục giảm do có tới gần một nửa số cặp vợ chồng cưới trong năm 2022 không muốn sinh con. Theo Asia Times, dựa theo số liệu sinh đẻ, từ nay đến năm 2050, dân số ở độ tuổi lao động tại Hàn Quốc (20-64 tuổi) sẽ giảm 35%.

Theo Reuters, mới đây, Wang Pei'an, Phó giám đốc Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho rằng, nước này cần các chính sách khuyến khích người dân lập gia đình và thúc đẩy tỷ lệ sinh con giữa bối cảnh sự suy giảm dân số có thể đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điều tưởng chừng khó có thể xảy ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng đã trở thành sự thật sau khi các số liệu từ chính phủ cho thấy, dân số Trung Quốc đại lục đã giảm hơn 850.000 người xuống còn 1,41 tỷ người trong năm 2022, ghi dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961.

Theo kết quả tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ bảy (hoàn thành vào tháng 12/2020), dân số của Trung Quốc là trên 1,411 tỷ, tăng 72,06 triệu (5,38%) so với tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2010; tốc độ tăng trung bình hàng năm là 0,53% so với năm 2000. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ khi áp dụng chính sách một con cuối thập niên 1970.

Ngoài ra, số người từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc lên tới 264 triệu người, chiếm 18,7% dân số, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên đạt 190 triệu người, chiếm 13,5% dân số. Cùng với số người cao tuổi tăng, kết quả điều tra cũng cho thấy, số người trong độ tuổi lao động từ 15-59 giảm 45 triệu người trong 10 năm qua; số trẻ sơ sinh giảm sáu năm liên tiếp và tỷ lệ sinh năm 2020 ở mức 1,2 con, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế 2,1 con.

Khác với các quốc gia phát triển, một số nước đang phát triển tại châu Á có mức tăng trưởng và độ tuổi dân số khả quan hơn, trong đó có Ấn Độ. Quốc gia này được dự đoán sẽ có dân số đông nhất thế giới trong năm 2024, với mức tăng trưởng 256 triệu dân vào 2050. Ấn Độ sẽ phải đối mặt với những vấn đề như có quá nhiều dân nhưng không đủ việc làm, và các vấn đề về bất ổn xã hội.

Đâu là giải pháp?

Già hóa dân số không phải là vấn đề mới. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là tỷ lệ sinh nở thấp. Ở Trung Quốc, đó là chính sách một con, dù Bắc Kinh đã bãi bỏ chính sách này vào năm 2015. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, theo ông Mokoto Rich, Trưởng văn phòng đại diện của New York Times tại Tokyo, bất bình đẳng giới và chi phí nuôi con cao đóng vai trò quan trọng dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Phụ nữ tại các quốc gia này chịu không ít áp lực về việc phải xây dựng một sự nghiệp ổn định và thành công. Kết quả là, ngày càng có nhiều phụ nữ trì hoãn sinh con hoặc quyết định không sinh dù đã lập gia đình.

Tác động của già hóa dân số vô cùng phức tạp, nhưng chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia bởi sự thiếu hụt nhân lực lao động. Các quốc gia nói trên đều là nền kinh tế lớn tại khu vực, vô hình trung khiến tốc độ phát triển kinh tế của toàn bộ châu Á bị ảnh hưởng không nhỏ.

Thêm vào đó, do số lượng người cao tuổi ngày càng tăng tạo ra gánh nặng đối với các chương trình an sinh xã hội, bao gồm: giảm nguồn thu, lực lượng lao động suy giảm dẫn đến những đóng góp của người làm việc trực tiếp giảm xuống; tăng chi cho các chương trình an sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu gia tăng do số lượng người già tăng lên. Đặc biệt, trong bối cảnh năng suất không được cải thiện, gánh nặng của già hóa dân số đối với các chương trình an sinh xã hội sẽ tăng cao; hay chất lượng cuộc sống của người già không được cải thiện cũng dẫn đến nhu cầu chăm sóc y tế tăng cao, tạo áp lực lên các chương trình an sinh xã hội.

Các quốc gia đã tìm nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng này, bao gồm khuyến khích đẻ con thứ hai, thứ ba, các chính sách hỗ trợ gia đình trẻ, xây dựng môi trường thân thiện với trẻ em... song không phải giải pháp nào cũng hiệu quả.

Bên cạnh đó, thời gian qua, một số quốc gia đã thúc đẩy chính sách du nhập cư, tức nhận thêm nhiều lao động nhập cảnh, như một phương án ngắn hạn để giải quyết vấn đề này. Một nhóm các nước trong khu vực, bao gồm Australia, New Zealand và Singapore, đã lựa chọn người nhập cư để cân bằng vấn đề tỷ lệ sinh đẻ thấp trong dân số bản địa và đã đạt được thành công đáng kể.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thử nghiệm nhận thêm nhiều lao động nhập cảnh nhưng vẫn chưa triển khai ở quy mô lớn, chưa đủ để gây ảnh hưởng đến dân số. Trong khi đó, Trung Quốc có dân số và diện tích quá lớn, người nhập cư sẽ không thể là một giải pháp cho vấn đề dân số.

Nhìn chung, già hoá dân số là vấn đề lớn và cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của các quốc gia cũng như chất lượng sống của người dân. Trước tình hình đó, các chính phủ buộc phải nhìn nhận lại chính sách của mình và tiếp tục đưa ra các giải pháp sáng tạo hơn nhằm bổ sung đủ số lượng lao động cần thiết, hướng đến việc phát triển bền vững trong tương lai xa.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tổng dân số Việt Nam tại thời điểm 1/4/2009 là 85,85 triệu người, trong khi tổng dân số tại thời điểm 1/4/2019 là 96,21 triệu người. Trong đó, số lượng người cao tuổi năm 2009 và 2019 tương ứng là 7,45 triệu (chiếm 8,68% tổng dân số) và 11,41 triệu (chiếm 11,86% tổng dân số). Tính trung bình trong giai đoạn 2009-2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.

(Nguồn: Sách chuyên khảo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam”, Tổng cục thống kê, tháng 7/2021)

(tổng hợp)