📞

Chìa khóa giải quyết xung đột ở Syria nằm ở đâu?

13:23 | 09/10/2016
Quan hệ ngoại giao Mỹ-Nga lại rơi vào bế tắc vì vấn đề Syria, điều này cho thấy dù đã được nhất trí trên nguyên tắc, song thực tế khó có thể đảm bảo việc triển khai toàn diện thỏa thuận này.

Bất đồng trong cách can thiệp vào cuộc chiến ở Syria đã dẫn đến việc Mỹ quyết định cắt đứt các mối liên lạc song phương liên quan đến cuộc chiến này và vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Nga.

Cuộc nội chiến tàn phá đất nước Syria. (Nguồn: AP)

Quan điểm khác biệt

Mỹ tức giận bởi có bằng chứng cho thấy Nga đã tấn công các khu dân sự và các bệnh viện ở Syria, cùng việc Chính quyền Damascus không hề cung cấp hàng cứu trợ cho các khu vực bị bao vây. Vẫn chưa rõ chính xác điều gì đã xảy ra đối với đoàn xe tải chở hàng cứu trợ của Liên hợp quốc bị tấn công ở Syria, song các phóng viên điều tra của nhóm Bellingcat đã cung cấp các thông tin và bằng chứng cho rằng đó có thể là một cuộc không kích và máy bay của Nga được cho là đã xuất hiện ở khu vực này vào thời điểm đó.

Trong khi đó, Nga cũng có những lập luận xác đáng vì Mỹ không hoàn thành những cam kết của mình trong việc phân biệt các nhóm khủng bố với phe đối lập “ôn hòa”. Theo những gì mà Bộ Ngoại giao Nga công bố, việc phân định rõ ràng các vùng lãnh thổ do IS, Jabhat al-Nusra hay các nhóm đối lập đang kiểm soát là một ưu tiên trong thỏa thuận giữa Mỹ và Nga.

Nga lo ngại rằng Mỹ đang cố tình làm chậm tiến độ việc phân định này để gây sức ép đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Việc phân biệt nhóm khủng bố al-Nusra là việc vô cùng khó khăn bởi các tay súng của nhóm này đang trà trộn với các nhóm đối lập khác, vì vậy câu hỏi đặt ra là Mỹ dự tính sẽ thực hiện thỏa thuận như thế nào.

Gỡ nút thắt

Lòng tin giữa hai nước ngày càng suy giảm đã dẫn đến việc Mỹ quyết định dừng các cuộc đàm phán với Nga về vấn đề Syria. Còn Nga lại đổ lỗi cho Mỹ vì đã khiến thỏa thuận này thất bại. Cách tiếp cận và mục tiêu của Nga và Mỹ quá khác biệt và nhiều khi còn hoàn toàn đối lập nhau.

Mục tiêu chính của Nga trong cuộc xung đột là nhằm thể hiện rằng Nga không chấp nhận việc lật đổ các nhà lãnh đạo độc tài như là cách để giải quyết xung đột ở Trung Đông. Việc phương Tây khăng khăng đòi ông Assad “ra đi” cho thấy trong cuộc xung đột tại Syria, Nga và phương Tây ở hai chiến tuyến đối địch. Điều này đã đẩy cả Mỹ và Nga vào tình thế khó xử. Cả hai bên đều khó có thể giành chiến thắng thực sự và toàn diện nếu chỉ có một mình, song thực tế là cả hai bên dường như không thể hợp tác với nhau. Nga muốn giải quyết cuộc xung đột ở Syria theo cách riêng của mình, nhưng điều này lại mâu thuẫn với những gì mà Mỹ theo đuổi.

Việc Mỹ chấm dứt các cuộc đối thoại về cuộc khủng hoảng ở Syria càng khiến Nga cương quyết hơn và chính Mỹ mới là bên nắm chìa khóa mở ra cánh cửa tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến dữ dội kéo dài hơn 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. 

(theo CNN)