Tập đoàn chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiêp bán dẫn toàn cầu. (Nguồn: AP) |
Bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc, ngày 2-3/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã thăm Đài Loan (Trung Quốc). Bầu không khí căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới Mỹ-Trung một lần nữa “nóng lên” bởi phản ứng của các bên.
Tuy nhiên, động thái quan trọng không kém của bà Pelosi tại Đài Bắc khiến dư luận quốc tế “nín thở” theo dõi lại là cuộc gặp với lãnh đạo công ty chất bán dẫn TSMC. Điều gì khiến TSMC lại đặc biệt tới vậy?
Viên kim cương TSMC
Trả lời phỏng vấn Reuters (Mỹ) tháng 9/2021, người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa khẳng định ngành công nghiệp sản xuất chip gắn bó sâu sắc với tương lai hòn đảo: “Đây không chỉ là sự an toàn về kinh tế, nó còn liên quan tới an ninh của chúng tôi”. Vì thế, việc hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC bị đặt giữa căng thẳng Mỹ - Trung là mối nguy đáng quan ngại với hòn đảo này.
Dù có kích thước nhỏ, nhưng chip của TSMC lại đặc biệt quan trọng với nhiều ngành công nghiệp như sản xuất đồ điện tử, y tế, ô tô, quân sự... trong bối cảnh các thiết bị tự động và xe điện dần phổ biến.
Xét về sản lượng, các tập đoàn sản xuất chip từ Đài Loan có thể chiếm tới 66% sản lượng sản xuất chip trên thế giới năm nay, riêng TSMC là 56%. Với gần 70% thị phần toàn cầu, TSMC thống trị mảng chip cho smartphone, bỏ xa Samsung (30%). Xét về chất lượng, TSMC cung cấp từ con chip đơn giản cho đến loại chip tinh vi bậc nhất, với 92% chip bán dẫn tiến trình nhỏ hơn 10 nm được sản xuất tại Đài Loan. Không chỉ là nhà cung cấp độc quyền chip silicone của Apple, TSMC cũng được Qualcomm, Nvidia, MediaTek, Broadcom, AMD giao phó sản xuất chip.
Sau 35 năm thành lập, TSMC là công ty có giá trị hàng đầu thế giới với vốn hóa 446 tỷ USD. Hiện tập đoàn này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu thông qua việc rót 100 tỷ USD đầu tư vào sản xuất các sản phẩm chip cao cấp trong vòng ba năm tới.
Cuộc đua bán dẫn
Công nghệ là yếu tố quan trọng để một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt trong bối cảnh thế giới bước vào cách mạng công nghiệp 4.0. Mỹ và Trung Quốc, hai siêu cường hàng đầu thế giới, cũng không phải là ngoại lệ.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn phá bỏ sự phụ thuộc vào nguồn thiết bị bán dẫn bên ngoài. Tháng 4/2021, ông Joe Biden từng tuyên bố “đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực như chất bán dẫn và pin”, sẵn sàng “dẫn đầu thế giới một lần nữa”. Cuối tháng 7/2022, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chip và Khoa học nhằm nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn nội địa, cải thiện khả năng cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, trong đó có trợ cấp 52 tỷ USD cho doanh nghiệp sản xuất chip trên đất Mỹ. Đây cũng là một nội dung thảo luận giữa bà Nancy Pelosi và Chủ tịch TSMC Mark Liu tại Đài Loan hôm 3/8.
TSMC có thể hưởng lợi từ gói hỗ trợ này khi hãng đã khởi công nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona (Mỹ) năm 2021 và dự kiến xây thêm năm cơ sở khác. Đạo luật mới cũng quy định các hãng chip nhận tài trợ của Mỹ, bao gồm TSMC, sẽ bị hạn chế mở rộng sản xuất tại Trung Quốc hoặc những nước khác trong ít nhất một thập kỷ.
Trước đó, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington luôn tỏ ra gay gắt với tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Năm 2019, Tổng thống Trump đã liệt Huawei (Trung Quốc) vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Một năm sau, Mỹ yêu cầu công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của nước này phải được cấp phép để cung cấp chip cho công ty Trung Quốc. Quy định này đã buộc nhiều công ty, bao gồm TSMC, ngừng hợp tác với Huawei và đánh mạnh vào tham vọng của tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
Trên thực tế, sau giai đoạn thu hẹp, thị trường Trung Quốc hiện chỉ chiếm 10% doanh thu TSMC (2021), so với 20% hai năm trước. Trong khi đó, Mỹ là thị trường lớn nhất của TSMC, với 64% doanh thu (2021), tăng 4% so với năm 2019.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nước tiêu thụ chất bán dẫn nhiều nhất thế giới bởi quy mô thị trường điện tử nội địa lớn và nơi đặt nhà máy sản xuất quốc tế hàng đầu. Chẳng hạn, tập đoàn Foxconn (Trung Quốc) lắp ráp linh kiện cho Apple (Mỹ) sẽ nhập chip TSMC để lắp ráp iPhone. Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Trung Quốc chiếm tới 60% nhu cầu chất bán dẫn toàn cầu, với hơn 90% chất bán dẫn được sử dụng tại đây là nhập khẩu và của nhà cung cấp nước ngoài.
Như vậy, dù là quốc gia sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng hàng điện tử hàng đầu thế giới, Trung Quốc lại phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thành phần chip quan trọng. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc là SMIC, song công nghệ chip của tập đoàn này đi chậm hơn TSMC ít nhất vài năm. Đồng thời, cuối năm 2020, SMIC đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen, hạn chế khả năng tiếp cận với các công nghệ quan trọng của xứ cờ hoa.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã coi thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trở thành ưu tiên chiến lược, với trọng tâm là năng lực sản xuất nội địa. Nước này đã đưa chất bán dẫn trở thành trụ cột chính trong kế hoạch Made in China 2025, tung ra hàng tỷ USD đầu tư nhằm thực hiện hoá mục tiêu sản xuất 70% chất bán dẫn sử dụng năm 2025. Bắc Kinh cũng thành lập quỹ đầu tư tập trung vào chất bán dẫn trị giá 28,9 tỷ USD năm 2019 và tháng 3/2021, tiếp tục giảm thuế để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn.
Như vậy, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều công bố kế hoạch phát triển ngành bán dẫn, tạo nên “sức nóng” trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, tự chủ về chất bán dẫn vẫn là thách thức không đơn giản, bởi sản xuất chip là ngành thâm dụng vốn nhiều cùng quy trình sản xuất phức tạp.
Theo IC Insights (Mỹ), nước này, Liên minh châu Âu (EU) hay Trung Quốc phải chi ít nhất 30 tỷ USD/năm trong năm năm cho công nghiệp bán dẫn để bắt kịp TSMC và Samsung.
Tâm điểm giữa biến động
Chuyến thăm “bão tố” của bà Pelosi đã đưa ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan vào tâm điểm chú ý, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động. Bà Pelosi là quan chức cao cấp nhất của Mỹ tới hòn đảo này trong 25 năm qua. Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đã ở vị thế khác khi nước này sẵn sàng tỏ thái độ cứng rắn với nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật tại sáu vùng biển, không phận quanh eo biển Đài Loan.
Hiện cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch bệnh, tác động từ xung đột Nga - Ukraine vốn đã gây sức ép đối với phân phối hàng hoá toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào tại eo biển Đài Loan, một trong những tuyến đường vận tải nhộn nhịp nhất trên thế giới, cũng có thể phủ sắc tối hơn nữa lên bức tranh chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục trả đũa với “con át chủ bài” thương mại. Mới đây, Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu một số loại cá và trái cây từ Đài Loan. Đây là dấu hiệu đáng ngại khi nền kinh tế của hòn đảo này phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại nhiều hơn so với Mỹ. Theo dữ liệu chính thức của Wind Information, Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) chiếm tới 42% xuất khẩu của Đài Loan, trong khi Mỹ chỉ chiếm 15%. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đại lục và Hong Kong đứng đầu thị phần nhập khẩu của Đài Loan với 22%, gấp đôi so với Mỹ.
Hiện sức ép kinh tế của Bắc Kinh chưa đề cập trực tiếp đến mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Đài Loan là chất bán dẫn. Tuy nhiên, nước này đã tuyên bố ngừng xuất khẩu cát, một nguyên liệu thô sử dụng để sản xuất chip, sang hòn đảo này. Hiện thiệt hại là chưa nhiều khi doanh nghiệp ở đây đã giảm nhập khẩu cát tự nhiên từ Trung Quốc xuống còn khoảng 3% năm ngoài, so với 75% năm 2012. Song khó biết liệu Bắc Kinh có đưa ra quyết định cứng rắn hơn trong tương lai hay không.
Trả lời CNN trước chuyến thăm của bà Pelosi, Chủ tịch TSMC Mark Liu nhận định xung đột tại eo biển Đài Loan sẽ khiến nhà máy sản xuất chip “không thể hoạt động” do phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như vậy, hoà bình vẫn là yếu tố then chốt để tập đoàn này hoạt động thuận buồm xuôi gió, đảm bảo nguồn cung chip cho toàn thế giới.
| 200 phút hội đàm cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Trung Quốc thẳng thắn vạch 'lằn ranh đỏ' với Hàn Quốc Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin diễn ra trong bối cảnh khu vực nảy sinh nhiều vấn đề ... |
| Eo biển Đài Loan: Tàu Trung Quốc áp sát đường trung tuyến, Mỹ sẽ không phản ứng thái quá Theo Reuters, sáng 9/8, khoảng 20 tàu hải quân Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã được bố trí gần đường trung tuyến trên ... |