📞

Chủ nghĩa dân túy cực hữu sẽ "nhấn chìm" Mỹ Latin?

14:00 | 25/10/2018
Ngày 7/10, khoảng 46% cử tri Brazil đã bỏ phiếu bầu ông Jair Bolsonaro làm Tổng thống. Điều này có nghĩa là gần 50 triệu người dân Brazil đã ủng hộ một chính trị gia theo đuổi chủ nghĩa dân túy cực hữu. Liệu thành công của Bolsonaro có báo hiệu cho một kỷ nguyên chính trị cánh hữu cấp tiến mới ở khu vực Mỹ Latin?

Mặc dù cựu sĩ quan quân đội Bolsonaro là ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Brazail, song không có nhiều người cho rằng ông sẽ giành được hơn 40% số phiếu ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên. Thay vì một cuộc “rượt đuổi” sít sao giữa Bolsonaro và ứng cử viên đảng Lao động (PT) Fernando Haddad theo cánh tả rồi kết thúc bằng chiến thắng của Haddad, thực tế cho thấy rất có thể ông Bolsonaro sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Brazil.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, làn sóng chủ nghĩa dân túy cánh hữu, vốn đã “nhấn chìm” Mỹ và phần lớn châu Âu, hiện đang hướng đến khu vực Mỹ Latin – nơi đã hội tụ các điều kiện chín muồi để các chính trị gia dân túy phát triển mạnh. Tuy nhiên, dù mối lo ngại này là điều đáng quan tâm, song bối cảnh ở Mỹ Latin – và kể cả Brazil – so với châu Âu và Mỹ vẫn có những khác biệt then chốt.

Ở châu Âu, vấn đề chính thúc đẩy người dân ủng hộ cho phe cực hữu là tình hình nhập cư, vốn trở thành sự quan tâm hàng đầu trong đời sống người dân bởi làn sóng tị nạn khổng lồ tràn vào châu Âu đạt đỉnh điểm hồi năm 2015. Tuy nhiên, ở Mỹ Latin, người dân lo ngại về vấn đề phát triển kinh tế và an toàn công cộng hơn là tình hình nhập cư.

Ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Xã hội tự do (PSL) Jair Bolsonaro (trái) và ứng viên Tổng thống của đảng Lao động Brazil Fernando Haddad. (Ảnh: AFP)

Đối với Mỹ, chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump phụ thuộc vào lòng trung thành đảng phái. Các lãnh đạo đảng Cộng hòa có thể không mấy thoải mái với phong cách cầm quyền của ông Trump, song sự ủng hộ của họ vẫn là yếu tố then chốt đối với những thành tựu của chính quyền Mỹ. Ngược lại, ông Bolsonaro không có một bộ máy đảng phái mạnh mẽ nào hậu thuẫn, ngay cả khi ông thúc đẩy các quy tắc và tiêu chuẩn. Ông là một thành viên của đảng Xã hội Tự do (PSL), vốn đã thay đổi khá nhiều trong cương lĩnh chính trị - quan tâm theo đuổi nhiều hơn các chính sách xã hội bảo thủ - kể từ khi Bolsonaro gia nhập vào năm nay.

Hiện tượng Bolsonaro thậm chí còn không đại diện cho nền chính trị rộng lớn của Mỹ Latin, vốn gần đây đang chuyển dịch sang hướng cánh hữu, nhưng vẫn ở mức độ vừa phải. Cả Tổng thống Argentina Mauricio Macriand lẫn Tổng thống Chile Sebastián Piñera – đắc cử lần lượt vào năm 2015 và 2017 – đều đang đương chức với vai trò lãnh đạo phe trung hữu.

Sự trỗi dậy của Bolsonaro là kết quả trực tiếp từ hoàn cảnh đặc biệt của Brazil, bao gồm một cuộc khủng hoàng kinh tế đang phá hủy đất nước và một loạt vụ phát giác các bê bối tham nhũng lớn làm bại hoại đảng PT và toàn bộ tầng lớp chính trị Brazil. Tuy nhiên, việc một tổng thống như Bolsonaro không phải là một phần của làn sóng chủ nghĩa dân túy cánh hữu rộng lớn ở Mỹ Latin, sẽ không khiến tương lai của Brazil trở nên ít nguy hiểm hơn.

Những điều kiện này rất giống những điều kiện đã tạo thuận lợi cho sự trỗi dậy của cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chávez vào cuối những năm 1990. Ông là người đã thực hiện các cải cách hiến pháp cấp tiến vốn đã trao cho ông quyền lực không bị giới hạn nhằm mục đích phá vỡ tiến trình dân chủ. Những cải tổ này là nguyên nhân chính lý giải tại sao người kế nhiệm của ông là Nicolás Maduro có khả năng biến chính phủ Venezuela trở thành một chế độ độc tài.

Liệu một tổng thống như Bolsonaro có thể tạo ra mối đe dọa tương tự với nền dân chủ của Brazil hay không? Câu trả lời ngắn gọn là có. Chính xác là bởi, giống như Maduro, rất khó để Bolsonaro có thể cai trị đất nước theo một cách khác.

Để chi phối tính hợp pháp, Bolsonaro sẽ cần phải bảo đảm nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng và của giới tinh hoa chính trị và kinh doanh. Tuy nhiên, mặc dù Quốc hội mới của Brazil bảo thủ hơn so với Quốc hội trước, song nơi đây cũng rất chia rẽ, với các đảng phái cánh hữu và cánh tả đều thiếu hụt sự ủng hộ. Điều này sẽ khiến tổng thống tiếp theo gặp khó khăn trong việc theo đuổi chương trình lập pháp của mình, trừ khi ông đảm bảo được sự hỗ trợ của một liên minh rộng lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng bị chia rẽ trong chương trình nghị sự kinh tế của Bolsonaro. Nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về tính bền vững của các cải cách theo chủ nghĩa tân tự do mà đội ngũ kinh tế của Bolsonaro đề xuất. 

Hơn nữa, nếu Bolsonaro đắc cử, ông sẽ rất khó khăn khi phải tìm cách duy trì sự ủng hộ của dân chúng, ám chỉ những thách thức ông sẽ phải đối mặt khi thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình. Nếu ông không thể tạo ra các kết quả một cách nhanh chóng, phần lớn dân chúng có thể sẽ quay lưng với ông, đặc biệt là khi PT luôn nhận được một lượng cử tri ủng hộ lớn có thể phối hợp tạo ra sự chống đối chính quyền của Bolsonaro.

Nếu trường hợp này xảy ra, Bolsonaro và các đồng minh quân sự của ông có thể dùng đến “kế sách” phá hoại nền dân chủ của Brazil, giống như những gì ông Chávez đã làm ở Venezuela. Điều này có thể không chỉ thông qua việc cai trị đất nước bằng các nghị định và thanh trừng các tổ chức nhà nước, mà còn buộc các phương tiện truyền thông phải “im tiếng” và đàn áp xã hội dân sự. Đây sẽ là điều thật trớ trêu bởi trong chiến dịch tranh cử, Bolsonaro thường cảnh báo rằng, một chính phủ do PT cai trị sẽ biến Brazil thành Venezuela với các chính sách cánh tả, dù các chính quyền PT trước đó chưa bao giờ làm như vậy.

Như cựu Tổng thống Brazil Fernando Henrique Cardoso đã chỉ ra, đây có thể không phải là một mối đe dọa thực sự, song nó đã giúp Bolsonaro huy động sự ủng hộ của cử tri, những người đang tức giận với PT vì sự liên quan của họ trong hàng loạt vụ bê bối tham nhũng lớn.

Nếu sự giận dữ này che mờ quan điểm của người dân Brazil đến mức họ quyết định chọn Bolsonaro, nỗi sợ hãi kinh khủng nhất của họ có thể trở thành hiện thực. Đất nước của họ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, giống như Venezuela, do sự xói mòn nhanh chóng của các thể chế dân chủ. Do vậy, khu vực Mỹ Latin nói chung có lẽ sẽ không phải đối mặt với một làn sóng các nhà dân túy cánh hữu. Tuy nhiên, điều đó không khiến mối đe dọa dành cho Brazil trở nên suy yếu. Để đối phó với điều đó, các đảng chính thống cánh tả và cánh hữu sẽ phải có được một vị thế mạnh mẽ và có ảnh hưởng để bảo vệ nền dân chủ tự do.

(Bài viết thế hiện quan điểm riêng của tác giả Cristóbal Rovira Kaltwasser)

(theo Project Syndicate)