📞

Chủ tịch EC đối mặt nhiều thách thức khi tái đắc cử

22:46 | 11/03/2017
Với đa số tuyệt đối, mới đây ông Donald Tusk đã tái đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) trong cuộc bỏ phiếu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU). 

Ngày 9/3, phát biểu sau khi tái đắc cử, ông Tusk đã bày tỏ hy vọng sẽ nỗ lực để EU được tốt hơn. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông nêu rõ: "Cảm ơn EC vì sự tin cậy và đánh giá tích cực. Tôi sẽ nỗ lực tối đa để EU được tốt hơn". Mặc dù có quyết tâm cao nhưng giới quan sát dự báo ông Tusk sẽ phải đổi mặt với nhiều thách thức trong nhiệm kỳ mới.

Phản đối của Ba Lan

Theo kết quả được công bố ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông Tusk đã giành chiến thắng với sự ủng hộ của 27 nước thành viên EU và chỉ có 1 nước phản đối. Ba Lan - quê hương của ông Tusk - đã không ủng hộ vị đương kim Chủ tịch EC tái ứng cử vào chức vụ này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: AFP)

Ngay sau khi ông Tusk được tái bổ nhiệm, người phát ngôn đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan, bà Beata Mazurek nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, điều này không dự báo điều tốt đẹp cho châu Âu, và nó là một quyết định tồi tệ. Thời gian sẽ cho chúng ta thấy nó mang lại kết quả như thế nào”.

Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuyên bố sẽ tìm mọi cách để ngăn cản ông Tusk tái đắc cử Chủ tịch EC. Chính phủ cánh hữu của Ba Lan cũng đã đe dọa làm “chệch hướng” hội nghị thượng đỉnh EU, vốn bàn về tương lai hậu Brexit (Anh rời EU) của khối, nếu lãnh đạo EU tiến cử và một lần nữa bầu ông Tusk tiếp tục giữ chức Chủ tịch EC. Phía Ba Lan cho rằng, việc EU tái bổ nhiệm ông Tusk sẽ hủy hoại tính thống nhất đang rất mong manh của khối.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ một người bị chính quê hương của ông ta phản đối.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khác trong EU lại cho rằng, ông Tusk là người phù hợp nhất với vị trí Chủ tịch EC. Theo Thủ tướng Malta Joshep Muscat, có những quy tắc rất rõ ràng cần phải tuân thủ, đó là một nước thành viên có thể phản đối quyết định của Liên minh, nhưng một nước thì cũng không thể ngăn chặn những thành viên còn lại ra quyết định.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định: “Việc ông Tusk tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch EC là dấu hiệu về sự ổn định của EU. Tôi rất mong được tiếp tục hợp tác với ông ấy”.

Ông Tusk vốn là cựu Thủ tướng Ba Lan, giữ chức Chủ tịch EC từ năm 2014 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5 năm nay. Đầu tháng 2 vừa qua, ông tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ mới (từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2019) và nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên EU, trong đó có Đức, Hà Lan. Ông Tusk sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/5 tới. Trong thời gian gần 30 tháng qua, ông Tusk được các thành viên EU - trừ chính phủ hiện tại ở Ba Lan - đánh giá cao và công nhận đã làm tốt sứ mệnh của mình, giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Vô vàn thách thức

Ông Donald Tusk tái đắc cử chức Chủ tịch EC trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới cũng như trong nội bộ châu Âu đang diễn biến vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, ông được cho là sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong số đó, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, chính sách của Nga đối với Ukaine và các nước láng giềng; tình hình xung đột và khủng bố ở Trung Đông và châu Phi mà đứng đằng sau đó là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cũng như những tuyên bố gây lo ngại của chính quyền Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump… sẽ là những bài toán khó giải đối với châu Âu.

Bên cạnh đó, làn sóng bài châu Âu và làn sóng dân tộc chủ nghĩa ngày càng lan rộng. Ngoài ra, sức hấp dẫn của xu hướng hội nhập trong các quốc gia thành viên EU đang ngày càng yếu đi, trong đó sự suy giảm về hội nhập chính trị là điều đáng quan ngại đối với lục địa già.

Làn sóng bài châu Âu đang ngày một gia tăng. (Nguồn: Toonpool)

Trước những thách thức trên, Chủ tịch EC khẳng định EU cần tập trung mọi sức lực và đoàn kết chính trị để đảm bảo sự ổn định vững chắc trong tương lai. Tinh thần thống nhất và đoàn kết sẽ củng cố sức mạnh của EU, giúp khối sở hữu một tiềm năng kinh tế và quy mô dân số làm cho EU sánh ngang với các cường quốc khác. EU cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để có thể thúc đẩy hội nhập châu Âu và cần khôi phục lại cảm giác an toàn bên ngoài và bên trong cũng như phúc lợi kinh tế-xã hội cho công dân của mình.

Ngoài ra, EU cần phải tăng cường quản lý một cách hiệu quả đường biên giới ngoài khối này, cải thiện sự hợp tác của các cơ quan phụ trách chống khủng bố, duy trì trật tự và hòa bình trong không gian chung, tăng chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng, tăng cường các chính sách đối ngoại của khối, phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia thành viên, khuyến khích đầu tư, hòa nhập xã hội, tăng trưởng và việc làm, lấy lợi thế của sự phát triển và hội tụ công nghệ trong khu vực đồng Euro cũng như phần còn lại của châu Âu.

Chủ tịch Tusk kêu gọi EU tranh thủ sự đổi hướng trong chính sách thương mại của Mỹ để mở rộng đàm phán với các đối tác mà EU quan tâm. Ông bày tỏ mong muốn EU không nên từ bỏ vai trò siêu cường thương mại nhằm bảo vệ công dân, bảo vệ doanh nghiệp và giữ tinh thần tự do thương mại song hành với giao dịch thương mại công bằng.

(theo The Guardian, Politico)