Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis sẽ hợp tác mở rộng hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc tại cảng Piraeus. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại yến tiệc chào mừng người đồng cấp cường quốc châu Á tới Athens, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos tuyên bố: “Chuyến thăm sẽ mở ra một chương mới vô cùng quan trọng trong mối quan hệ vốn đã rất tuyệt vời giữa Trung Quốc và Hy Lạp. Về cơ bản, nó sẽ nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta”.
Khẳng định của ông Pavlopoulos là hoàn toàn có cơ sở, khi hai bên đã tiến hành ký kết 16 thỏa thuận thương mại trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, du lịch và năng lượng mặt trời.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chuyến thăm Hy Lạp lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình sẽ đánh dấu sự trở lại của một lãnh đạo Trung Quốc tại Athens sau 11 năm. Đây cũng là chuyến thăm châu Âu thứ hai của Chủ tịch Trung Quốc trong năm vừa qua.
Đáng chú ý, bên cạnh Tổng thống Prokopis Pavlopoulos, tiếp đón ông Tập Cận Bình là Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis, người vừa trở về từ chuyến thăm Trung Quốc. Đón tiếp nhà lãnh đạo Hy Lạp tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã để ngỏ khả năng biến Hy Lạp thành một “trung tâm vận chuyển” hàng hóa của cường quốc châu Á sang châu Âu. Điều này đã ông Tập Cận Bình tái khẳng định tại Athens, cho rằng cả hai quốc gia đều có “nền văn minh cổ kính và nên cùng tạo ra những lợi ích lớn hơn cho người dân”.
Đối với Trung Quốc, lợi ích trong quan hệ hợp tác với Hy Lạp bao gồm các yếu tố sau.
Thứ nhất, Hy Lạp án ngữ biển Địa Trung Hải và đang đóng vai trò cửa ngõ để hàng hóa cường quốc châu Á thâm nhập châu Âu. Ảnh hưởng của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hy Lạp đã tăng đáng kể một thập kỷ trước, sau khi doanh nghiệp đóng tàu Cosco của nước này được nhượng quyền thuê hai phần của cảng Piraeus trong 35 năm. Trong vòng 10 năm, ước tính hơn 10% hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào châu Âu đã được trung chuyển qua khu vực này. Trong bối cảnh một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang ngày một cảnh giác với Trung Quốc, Hy Lạp khẳng định sẽ mở rộng hợp tác với quốc gia châu Á trong trung chuyển hàng hóa vào châu Âu.
Về phần mình, Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư 600 triệu Euro nhằm mở rộng hoạt động của Cosco tại Hy Lạp, nâng tổng vốn đầu tư của Bắc Kinh tại quốc gia Địa Trung Hải lên 2.5 tỷ Euro.
Thứ hai, Hy Lạp tiếp tục là thành viên quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường và điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Chính sách “thị thực vàng”, đổi nguồn vốn đầu tư tài chính lấy quốc tịch của Athens được đánh giá là dễ hơn nhiều so với một số quốc gia châu Âu khác. Quan trọng hơn, bất chấp mối quan hệ trắc trở sau khủng hoảng nợ công, Hy Lạp vẫn là một phần của EU và Hiệp ước Schengen – có quốc tịch Hy Lạp đồng nghĩa với việc có thể tự do ra vào phần còn lại của châu Âu.
Đổi lại, Athens cần nguồn vốn dồi dào từ Bắc Kinh để tái thiết lại nền tài chính quốc gia. Ngày 20/8/2018, Hy Lạp đã chính thức thoát khỏi chương trình cứu trợ tài chính do EU, đại diện là Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) cung cấp. Tuy nhiên, nợ công của Athens vẫn ở mức cao, 359 tỷ Euro, tương đương hơn 180%. Nguồn vốn lớn, không đi kèm ràng buộc trước mắt của Trung Quốc có thể là giải pháp để Hy Lạp tái thiết nền kinh tế sau thời gian dài khủng hoảng.
Trong bối cảnh hai bên đều cần nhau như vậy, việc Trung Quốc và Hy Lạp đẩy mạnh quan hệ hợp tác là có thể hiểu được. Song nguy cơ Athens mắc kẹt trong bẫy nợ của Bắc Kinh vẫn hiện hữu – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc “sử dụng công cụ kinh tế để ép buộc các nước tham gia vào thỏa thuận một chiều, mang lại lợi ích cho Bắc Kinh và khiến đối tác chìm trong nợ nần”. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn còn đó, Hy Lạp rõ ràng đã lựa chọn Trung Quốc và chỉ thời gian mới có thể minh chứng cho thành bại của quyết định này.