COP21 đặt lên vai mỗi quốc gia một trọng trách cao cả nhưng không kém phần nặng nề trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. |
Sau nhiều thập kỷ nỗ lực đàm phán mà đỉnh điểm là sự thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, 150 nhà lãnh đạo và 40.000 đại biểu từ các quốc gia phát triển và đang phát triển đều đem tới Hội nghị tại Paris lần này cam kết hành động trước thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệm vụ của Hội nghị kéo dài 12 ngày (từ 31/11-11/12) là đạt một thỏa thuận, trong đó tất cả các nước cam kết kiềm chế phát thải khí nhà kính toàn cầu nhằm ngăn chặn trái đất nóng lên hơn 2 độ C vào cuối thế kỷ này, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Chung mục tiêu
Đây là lần đầu tiên phiên khai mạc của một hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc mà tất cả những người đứng đầu nhà nước và chính phủ đều có bài phát biểu. Nhiều người trông đợi rằng, những bài phát biểu này sẽ mang lại những dấu hiệu tích cực để đạt được một thỏa thuận về khí hậu toàn cầu, thay thế cho Nghị định thư Kyoto năm 1997.
Quả thật, trong những ngày đầu tiên của Hội nghị, các nhà lãnh đạo đều tỏ rõ một lập trường nhất quán về tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận cụ thể nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với tương lai của nhân loại.
Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande nhấn mạnh đây là một ngày lịch sử cho toàn thế giới và kêu gọi các nước nỗ lực đạt một thỏa thuận có tính ràng buộc vào ngày 12/12 tới. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo phải “chỉ đạo các Bộ trưởng và các nhà thương thuyết của nước mình chọn con đường thỏa hiệp”.
Về phía Mỹ, cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, Tổng thống Barack Obama bày tỏ lạc quan về khả năng COP21 đạt được thỏa thuận, đồng thời cho rằng thỏa thuận cần minh bạch, rõ ràng và mục tiêu cắt giảm khí dioxide carbon phải có tính ràng buộc pháp lý.
Rõ ràng, các nhà lãnh đạo đều cảm nhận được sức nặng của trọng trách cấp thiết phải chung tay hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ Trái Đất và sự sống ngay lúc này, ngay tại đây và không còn có thể chần chừ, do dự bởi cả thế giới đang dõi theo và trông chờ vào họ.
Nhiệm vụ riêng
Tuy nhiên, bài học từ Hội nghị Thượng đỉnh tại Copenhagen năm 2009 cho thấy việc cố lập ra một tiêu chuẩn giảm khí thải chung, mang tính ràng buộc pháp lý gần như là bất khả thi. Để tránh gặp phải nút thắt đó, COP21 hướng tới mục tiêu đạt một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp nhiều hơn. Mỗi nước được lập kế hoạch hành động riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế và chính trị của họ. Điều khiến cho Hội nghị này mang tính bước ngoặt chính là hơn 180 quốc gia đã đệ trình kế hoạch cắt giảm khí thải độc hại đã góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, đại diện các nước đang phát triển bày tỏ yêu cầu các nước phát triển phải gánh vác trách nhiệm tài chính cao hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo họ, về mặt lịch sử, các quốc gia phát triển đã có một thời gian dài phát triển công nghiệp, từ vài thập kỷ đến hàng thế kỷ, điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu trách nhiệm chính trong việc làm Trái Đất nóng lên. Do đó, các nước giàu cần quyết đoán hơn trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một đại diện của các nước đang phát triển, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng nhiệm vụ riêng” chính là kim chỉ nam cho mọi hành động của các quốc gia.
Trước sức ép và yêu cầu mạnh mẽ từ các nước đang phát triển, các “ông lớn” ngay lập tức đã ra những tuyên bố và hành động cụ thể. Trong ngày khai mạc COP21, nhóm 11 nước phát triển, gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Italy, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh và Mỹ đã tuyên bố đóng góp 250 triệu USD cho Quỹ hỗ trợ các nước kém phát triển nhất. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới và các nước như Đức, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Vương quốc Anh cũng công bố gói hỗ trợ trị giá 500 triệu USD dành cho các nước bị tác động mạnh vì biến đổi khí hậu.
Bên lề COP21, Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải lượng khí nhà kính nhiều nhất, đã đồng thuận trong việc khởi động tiến trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nhiên liệu khác ít gây ô nhiễm hơn. Đây được xem như tín hiệu khả quan, khẳng định vai trò trung tâm của quan hệ Mỹ - Trung trong hợp tác chống biến đổi khí hậu nói riêng cũng như xử lý một số các thách thức khu vực và toàn cầu nói chung.
Với những nỗ lực của từng quốc gia trong thời gian qua và của các đại biểu tham dự COP21, có lẽ thế giới có cơ sở để trông đợi một “kết thúc có hậu” cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trang Trần