📞

Cuộc khủng hoảng chia rẽ Trung Đông

21:47 | 14/06/2017
Ngày 5/6, khi các nước Arab vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar bởi cáo buộc quốc gia này hỗ trợ khủng bố và gây bất ổn trong khu vực, họ muốn gửi tới Qatar một thông điệp rất rõ ràng: hoặc tuân thủ những chính sách chung nhóm hoặc phải trả giá.

Việc bị các nước láng giềng cô lập dường như không khiến Qatar nao núng. Đầu tiên, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên khổng lồ khiến Qatar trở thành một trong những nước rất giàu có, với GDP thuộc hàng cao nhất thế giới. Kể cả khi Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập có đưa ra lệnh cấm về giao thông, thương mại và du lịch… nền kinh tế của Qatar cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Bên cạnh đó, Qatar là đối tác quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, thể hiện qua việc Doha cho Washington sử dụng căn cứ không quân Al-Udeid trong chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cho dù bị ảnh hưởng kinh tế khá nặng nề do lệnh cấm bởi các nước Arab vùng Vịnh, Qatar vẫn không hề nao núng. (Nguồn: Doha News)

Đối với những bất đồng xảy ra trong quá khứ giữa các nước vùng Vịnh, Washington luôn có những chính sách ngoại giao để gìn giữ hòa bình cũng như bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực này. Tuy nhiên, sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar bùng phát, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại công khai chỉ trích Qatar trên trang Twitter cá nhân. Hành động này đã làm phức tạp thêm quan hệ giữa Mỹ với Qatar, khiến Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ phải đưa ra những tuyên bố xoa dịu.

Cho đến nay, 4 quốc gia Arab nói trên đã tiến hành “chiến dịch” chống lại Qatar bằng cách đóng cửa biên giới cũng như phong tỏa đường không, đường biển. Các nước này cũng cắt đứt quan hệ thương mại, đồng thời yêu cầu công dân của mình rời khỏi Qatar. Thậm chí, UAE còn đưa ra luật cấm thể hiện sự cảm thông với Qatar trên mạng xã hội.

Cho dù nhiều nước láng giềng bắt tay nhau trừng phạt Qatar, song Kuwait và Oman lại không tham gia vào việc này, mặc cho cả hai nước đều là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Tương tự, Jordan tuyên bố quốc gia này sẽ hạ cấp nhưng không cắt đứt hẳn quan hệ ngoại giao với Qatar. Giới chuyên gia nhận định, miễn Qatar vẫn có thể duy trì quan hệ với Jordan và Kuwait, hiệu quả chiến dịch cấm vận của các nước Arab sẽ bị hạn chế.

Tuy nhiên, Qatar cần phải cẩn trọng trong quan hệ với Iran, bởi hai quốc gia này đang đồng sở hữu mỏ khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới tại Vịnh Ba Tư. Iran đã đề nghị cung cấp 40% nguồn lương thực mà Qatar không còn được nhận từ Saudi Arabia do hậu quả của việc cắt đứt quan hệ. Mặc dù nguy cơ Qatar trôi quá sâu vào quỹ đạo của Iran là không cao, song việc thắt chặt quan hệ Doha - Tehran có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Qatar - Mỹ, bởi cô lập Iran là chính sách hàng đầu của ông Trump tại Trung Đông.

Việc Mỹ không chủ động tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay đã mở ra cơ hội cho các nước khu vực, với Kuwait và Oman đang cố gắng đứng ra làm trung gian cho các bên. Có thể các bên sẽ ngừng xung đột để đi tới thỏa hiệp, nhưng rất có thể sự rạn nứt giữa các quốc gia này sẽ kéo dài hàng tháng, hoặc hàng năm trời, phản ánh rõ bản chất một Trung Đông bị chia rẽ nghiêm trọng.

* Tác giả bài viết, ông Barak Barfi là chuyên gia về Trung Đông thuộc tổ chức nghiên cứu New America (Mỹ).

(theo Project Syndicate)