TIN LIÊN QUAN | |
Đòi Uber bồi thường 38 triệu bảng Anh vì... bị vợ phát hiện ngoại tình | |
Alfred Riedl và "người tình" Đông Nam Á |
Câu chuyện Uber
Những ngày này, câu chuyện taxi Uber lại làm “nóng” các diễn đàn. Trong văn bản trả lời Uber về Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng mới đây, Bộ Giao thông Vận tải chính thức yêu cầu Uber Việt Nam không phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành, cho tới khi hoàn thiện các thủ tục hoạt động.
Sau khi thông điệp này phát đi, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giao thông Vận tải sẽ không cho phép Uber hoạt động dịch vụ taxi tại Việt Nam. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, câu chuyện của Uber đã khiến dư luận nghi ngờ về mục tiêu khuyến khích hay thủ tiêu cạnh tranh của các nhà quản lý.
Tất nhiên, đó không phải là quyết định mà các nhà chức trách muốn hướng tới. Trả lời rõ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, không có chuyện cấm Uber hoạt động taxi, nhưng yêu cầu đơn vị này phải bổ sung đăng ký ngành nghề hoạt động vận tải theo đúng quy định.
Đây không phải lần đầu tiên người ta tranh cãi về Uber. Các cơ quan chức năng rồi sẽ đưa ra những giải pháp vừa đảm bảo thu được nguồn thuế kinh doanh, vừa giúp các lái xe có thêm việc làm, tăng thu nhập. Nhưng trong khi chờ đợi, đối tượng thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng. Họ ủng hộ loại hình dịch vụ vận tải mới này bởi đơn giản là họ được hưởng lợi.
Thay đổi vận hành kinh tế toàn cầu
Kinh tế chia sẻ (Sharing economy) là thuật ngữ mô tả một phương thức trao đổi, chia sẻ tài sản, dịch vụ giữa các cá nhân với nhau thông qua một bên thứ ba là các công ty ứng dụng công nghệ thông tin. Mô hình kinh doanh này tận dụng tối đa nguồn lực dư thừa trong xã hội, dựa trên việc cho thuê, trao đổi tài sản giữa người sở hữu với người có nhu cầu sử dụng.
Được manh nha từ năm 1995, khái niệm trên chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ khi kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng (năm 2008), buộc người dân nước này phải thay đổi cách tiêu dùng. Đến nay, kinh tế chia sẻ đã thật sự làm chủ nghĩa tiêu dùng của người Mỹ bị đảo ngược, khi người dùng say sưa săn hàng giá rẻ, hàng đã qua sử dụng thông qua eBay.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các mô hình kinh tế chia sẻ ngày càng bùng nổ, hàng trăm tỷ USD đã được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vào các doanh nghiệp khởi nghiệp kiểu này, nhiều tên tuổi lớn đã được gây dựng lên như Uber, Airbnb, eBay, Craigslist... Nếu dịch vụ chia sẻ đi nhờ xe Uber đã vươn tới hàng trăm thành phố tại khoảng 70 quốc gia chỉ trong vòng sáu năm, dịch vụ đặt phòng, căn hộ Airbnb đã có mặt ở gần 200 quốc gia và được định giá lên tới hơn 20 tỷ USD trong tám năm.
Phá vỡ những rào cản, kinh tế chia sẻ đưa công nghệ vào vận hành hệ thống kinh doanh, tạo nên một thế giới phẳng hơn, kết nối mạnh mẽ hơn, chia sẻ nhiều hơn, cạnh tranh hơn và mang đến cơ hội kiếm tiền cho tất cả mọi người.
Bên sở hữu có thể kiếm được tiền từ chiếc xe hơi, căn phòng trống, thời gian rảnh, tiền nhàn rỗi, trong khi người có nhu cầu được sử dụng hàng hóa, dịch vụ chất lượng với giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với phương thức truyền thống. Người chạy “xe ôm kiểu mới” có thu nhập khá hơn, khách hàng đông hơn, giảm bớt được thời gian tìm khách, nhờ sử dụng ứng dụng Grabbike. Khách hàng của họ cũng được giảm giá một nửa so với trước, lại không mất thời gian chờ đợi, đôi bên cùng có lợi.
Đây chính là những yếu tố minh chứng rằng kinh tế chia sẻ không phải một hiện tượng nhất thời. Mô hình kinh tế mới này còn những tiềm năng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai.
Khó quản vì quá mới
Thuật ngữ kinh tế chia sẻ mới du nhập vào Việt Nam khoảng hai năm trở lại đây, song văn hóa chia sẻ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt đã khá quen thuộc. Sự có mặt của Grab và Uber tại Việt Nam đã “tiếp lửa” cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Nó cũng tạo nên cuộc cách mạng về công nghệ trong lĩnh vực vận tải, kéo giảm giá cước taxi và thúc đẩy chính các hãng taxi truyền thống phải thay đổi, cạnh tranh để sống còn.
Tuy nhiên, dù chứng tỏ được sự ưu việt, tính hấp dẫn, sự nở rộ của các mô hình kinh tế chia sẻ đang cho thấy mối lo ngại về cạnh tranh không bình đẳng, khiến cơ quan quản lý của nhiều quốc gia bối rối. Mô hình kinh tế chia sẻ vẫn luôn là đề tài nóng hổi khi lập kỷ lục vi phạm pháp luật tại nhiều nước mà nó xuất hiện. Chẳng hạn, Airbnb bị cáo buộc đã tạo ra một làn sóng cho thuê nhà bất hợp pháp, gây khó khăn cho các khách sạn truyền thống, đồng thời thất thoát tiền thuế của nhà nước. Tại New York, các công tố viên cho biết, từ năm 2010 đến 2014, Airbnb có hơn 300.000 giao dịch vi phạm luật, mang về 304 triệu USD doanh thu thuê phòng, trong đó 40 triệu USD chảy vào túi Airbnb…
Những vấn đề đó, đôi khi là lý do khiến các mô hình kinh tế chia sẻ chưa được chào đón ở các nền kinh tế mới nổi, thậm chí bị coi là “kẻ phá bĩnh” do chưa có hành lang pháp lý, chưa có tiền lệ...
Những ngày Uber mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng thẳng thắn nói, “người tiêu dùng được hưởng lợi, sao ta không hợp pháp hóa để quản lý, phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”. Tất nhiên, trong lịch sử phát triển kinh tế, bất cứ điều mới mẻ nào xuất hiện cũng có thể gây tổn thương đến những thành phần kinh tế đang tồn tại, “phần thưởng” sẽ chỉ dành cho người “chiến thắng”.
Liên hoan phim Đức tại Việt Nam lần thứ 7 Những bộ phim mới nhất và phổ biến nhất của Đức sẽ được trình chiếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và TP. ... |
Uber xây dựng hệ thống bản đồ toàn cầu trị giá 500 triệu USD Hãng xe Uber sẽ đầu tư nửa tỷ USD vào một dự án lập bản đồ mới, nhằm giúp các xe của hãng kết nối ... |
Vụ khủng bố ở Đức: Thủ phạm có quốc tịch Đức-Iran Tại cuộc họp báo sáng 23/7, Cảnh sát trưởng thành phố Munich Hubertus Andrä cho biết đối tượng 18 tuổi thực hiện vụ tấn công ... |