Phong cách là lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nền nếp ổn định của một người hay một lớp người, được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt… tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của người hoặc nhóm người đó.
Phong cách người cách mạng liên quan mật thiết với tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng. Tư tưởng, đường lối có tính chất quyết định, còn phương pháp là những cách thức có tính nguyên tắc để đưa đường lối vào cuộc sống. Phương pháp dù chung hay riêng chỉ được thông qua hoạt động cụ thể với những trình độ, khí chất và phong cách khác nhau. Do vậy, việc thực hiện đường lối, vận dụng phương pháp đưa đến kết quả không bao giờ hoàn toàn giống nhau và phụ thuộc vào phong cách của mỗi người.
Tư tưởng, đường lối cách mạng đặt ra những yêu cầu về phong cách. Từng người phải không ngừng phấn đấu rèn luyện xây dựng cho mình một phong cách.
Phong cách cũng gắn liền với đạo đức. Nhiều phẩm chất đạo đức đòi hỏi mỗi người cần có, nhưng thể hiện qua các phong cách khác nhau. Ngoài ra, phong cách còn có đặc điểm là gắn với truyền thống và tập quán, thói quen do hoàn cảnh sống, làm việc tạo ra.
Truyền thống tốt đẹp có sức bền vững đi vào phong cách; ngược lại tập quán, thói quen xấu lại cản trở xây dựng phong cách khoa học. Mặt khác, phong cách bao giờ cũng mang dấu ấn cá nhân rất rõ rệt.
Phong cách ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là sự tổng hợp của phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt.
Thứ nhất, Nguyễn Cơ Thạch có tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, tư duy tầm chiến lược
Tư duy là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán, suy lý. Ông Nguyễn Cơ Thạch luôn suy nghĩ, hành động “độc lập, sáng tạo, luôn suy nghĩ để tìm cái mới”[1], không rập khuôn, máy móc theo lối mòn, không giáo điều, tự nghiên cứu, tìm tòi, tổng kết rút kinh nghiệm trên tinh thần sáng tạo, sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, lạc hậu, đề xuất những cái mới đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.
Tư duy của ông còn có tầm nhìn chiến lược. Tư duy chiến lược là tố chất, năng lực và hoạt động đặc trưng của người lãnh đạo, chủ yếu là lãnh đạo cấp cao và trước hết là của người đứng đầu; đó là tư duy vĩ mô, tổng hợp về đánh giá môi trường chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược, phương châm và lộ trình chiến lược; về các nguồn lực và kế hoạch thực hiện; về phân công trách nhiệm chỉ huy, chỉ đạo, lãnh đạo; về dự báo một số tình huống bất trắc và các phương án xử lý.
Với tư duy độc lập, sáng tạo và tư duy chiến lược, nhìn xa trông rộng [2], tư duy đổi mới[3], ông Nguyễn Cơ Thạch đã đề xuất, xử lý thành công nhiều vấn đề về chính trị đối ngoại cũng như xây dựng ngành có tầm chiến lược.
Với tư cách là Quyền Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva 1961-1962 về Lào, ông rút ra kết luận quan trọng: Phải nắm vững tình hình quốc tế, xu hướng phát triển của thế giới, đánh giá đúng ý đồ chiến lược và lợi ích các nước tham gia hội nghị, nhất là nước lớn, vận dụng khôn khéo sách lược nhằm tranh thủ đoàn kết các nước XHCN, tranh thủ trung gian, phân hóa đối phương, cô lập kẻ thù chính, lôi kéo các nước khác đi vào xu hướng hòa bình trung lập của Lào.
Thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, 12 (1965) và 13 (1967) về công tác ngoại giao, với tư cách thường trực CP-50 (Cơ quan nghiên cứu chiến lược), ông Nguyễn Cơ Thạch đã tham mưu, đồng thời trực tiếp tham gia tiến công địch, tạo cục diện vừa đánh vừa đàm đưa đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đáp ứng 4 yêu cầu của Bộ Chính trị cho Đoàn đàm phán.
Từ giữa năm 1972, Tiểu ban CP50 trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch phụ trách được giao soạn thảo Hiệp định Paris. Trong ảnh: Những đêm làm việc căng thẳng khi bước vào đàm phán, tháng 10/1972. (Ảnh tư liệu) |
Trong hoàn cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, bị bao vây, cấm vận, với tư duy độc lập, sáng tạo tầm nhìn chiến lược, ông đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị “là một cuộc đổi mới mạnh mẽ tư duy trong việc đánh giá tình hình thế giới, trong việc đề ra mục tiêu và chuyển hướng toàn bộ chiến lược đối ngoại của ta”[4], là “bước ngoặt trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”.
Thực hiện Nghị quyết 13, đề xuất nhiều sáng kiến chiến lược bảo vệ được thành quả cách mạng Campuchia, rút được quân tình nguyện Việt Nam về nước đi đôi với việc ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại, loại bỏ được cái cớ các nước thù địch bao vây, cấm vận Việt Nam.
Cùng tiến trình giải quyết vấn đề Campuchia, Nguyễn Cơ Thạch đã đưa ra không ít sáng kiến hướng tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, đối thoại với các nước ASEAN, thúc đẩy nhanh quá trinh bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây.
Với tư duy độc lập, chiến lược, khi Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Bộ Ngoại giao dưới sự lãnh đạo của ông đã kiến nghị Bộ Chính trị: Ta nên có thái độ bình tĩnh, đúng mức, tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu đến Việt Nam; tìm các nguồn lực khác thay thế. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan khác nghiên cứu đánh giá nguyên nhân chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ để rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam.
Ngoại giao kinh tế, một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, cũng do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đề xướng. Để triển khai ngoại giao kinh tế, ông cho lập các vụ kinh tế tại Bộ Ngoại giao, phân công nhiều cán bộ giỏi nghiên cứu kinh tế[5]. Chính ông đã tìm và mang về cuốn sách nổi tiếng “Kinh tế học” của nhà kinh tế người Mỹ Paul Samuelson, người đoạt giải thưởng Nobel kinh tế đầu tiên (1970) và chỉ đạo dịch cuốn sách nhằm bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho cán bộ ngoại giao.
Mặt khác, với tư duy độc lập, sáng tạo, ông còn có cả những đóng góp rất có ý nghĩa vào đổi mới tư duy hoạch định chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Chính phủ trong công cuộc đổi mới như đường hướng cải cách kinh tế, chống lạm phát, mở cửa và hội nhập, thực hiện một nền kinh tế nhiều thành phần...
Về công tác xây dựng ngành, với tầm nhìn chiến lược, ông đề ra nhiều chủ trương quan trọng. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 13 (tháng 5/1977), qua nghiên cứu, ông rút ra kết luận quan trọng: Xây dựng ngành đóng vai trò quyết định thắng lợi công tác đối ngoại và khi ngoại giao chuyển giai đoạn phải đổi mới công tác xây dựng ngành.
Hội nghị xác định 4 nội dung cơ bản công tác xây dựng ngành, sau bổ sung 2 nội dung là: cán bộ, tổ chức, phương pháp công tác, cơ sở vật chất, xây dựng Đảng và lãnh đạo.
Ông cũng đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đề xuất chế độ tập sự cấp Vụ, cấp Bộ là kinh nghiệm hay được cả nước học tập...
Thứ hai, kiên định lập trường và bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Đây chính là phong cách đặc trưng Nguyễn Cơ Thạch. Ông đã từng nói với ông Vũ Hắc Bồng: “Cuộc đời mình cũng có người yêu, người không thích, nhưng mình cũng chỉ có công việc và lợi ích chung”.
Với tư cách là Quyền Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva về Lào, ông kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích chính đáng của lực lương yêu nước Lào, của Việt Nam; trong đấu tranh với Mỹ tại Hội nghị Paris, trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, dự các diễn đàn Không liên kết, trả lời phỏng vấn báo chí… đều vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Không chỉ kiên trì lập trường, ông luôn có bản lĩnh và quyết tâm cao để thực hiện cho được nhiệm vụ được giao, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, gian khổ, dám đối đầu với thách thức.
Ông đi đầu trong đổi mới tư duy đối ngoại, đề xuất Nghị quyết 13 lịch sử, xử lý nhiều vấn đề phức tạp, đầy khó khăn của ngoại giao Việt Nam như vấn đề Campuchia, đấu tranh với Trung Quốc, đi đầu trong vấn đề ngoại giao kinh tế, trong các công tác nghiên cứu ngoại giao, công tác xây dựng ngành, đào tạo lại cán bộ, chế độ tập sự cấp Vụ, cấp Bộ...
Có được phẩm chất đó chính là do ông đã được tôi luyện quá trình hoạt động cách mạng.
Thứ ba, chủ động tiến công, nhiều sáng kiến cũng là phong cách ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 11, 12, 13 về công tác ngoại giao, ông sắp xếp lại công tác nghiên cứu của Bộ Ngoại giao, lập Vụ I, Vụ II, rồi Tiểu ban Việt Nam, CP80, trực thuộc Bộ Chính trị để nghiên cứu đối sách chống Mỹ đưa đến ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Triển khai Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về vấn đề Campuchia, ông đưa sáng kiến lập CP-87, tổ chức Tiệc rượu, gặp gỡ Hunsen-Sihanouk, Hội nghị Ngoại trưởng 3 nước Đông Dương, rút quân tình nguyện Việt Nam đi liền với ngăn chặn chính sách diệt chủng, tách mặt quốc tế và mặt nội bộ trong vấn đề Campuchia… Vấn đề Campuchia được giải quyết, loại bỏ cái cớ bao vây cấm vận Việt Nam. Ông là Bộ trưởng “phá vây”.
Trong công tác xây dựng ngành, ông đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng như lập các đơn vị tổng hợp cả về chính trị lẫn kinh tế, văn hóa và xây dựng ngành nhằm bảo đảm tính tổng thể trong công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện trên cả các lĩnh vực chủ yếu của Ngành, đồng thời phân công lại nhiệm vụ thành viên lãnh đạo Bộ theo hướng phụ trách từng mảng công việc, không theo khu vực địa lý như cũ.
Ông coi trọng đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học: thành lập Viện Quan hệ quốc tế (1977) trên cơ sở Vụ Nghiên cứu-Tư liệu, Ban Tổng kết, rồi sáp nhập Trường Đại học Ngoại giao, Vụ Huấn học vào Viện Quan hệ quốc tế để tăng cường công tác nghiên cứu (1987).
Đồng thời, ông cho tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, kinh tế quốc tế, luật quốc tế, ngoại ngữ..., chỉ đạo biên soạn giáo trình nhất là giáo trình quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại vì trước đó chúng ta chỉ sử dụng giáo trình của Liên Xô, Trung Quốc.
Ông còn tập hợp nhiều nhà nghiên cứu giỏi để soạn chiến lược quốc tế các nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô, Nhật Bản… phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo lại của Ngành.
(còn tiếp)
[1] Đinh Nho Liêm: Nguyễn Cơ Thạch - nhà ngoại giao xuất sắc, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình - chủ biên): Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Hội-2003, tr.83.
[2] Nguyễn Dy Niên: Nhà ngoại giao xuất sắc với tầm nhìn chiến lược, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình - chủ biên), Sđd, tr.57.
[3] Đồng Sỹ Nguyên: Anh Nguyễn Cơ Thạch - người cộng sản kiên cường, nhà ngoại giao có tư duy độc lập, sáng tạo, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình - chủ biên), Sđd, tr.53.
[4] Nguyễn Cơ Thạch: Những chuyển biến trên thế giới và tư duy của chúng ta, Tạp chí Quan hệ quốc tế, số 1, tháng 1/1990, tr.9.
[5] Nhiều tác giả: Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội-2013, tr.39.