Đối thoại Shangri-La lần này dự kiến sẽ có 6 phiên thảo luận về các chủ đề: Mỹ và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á - Thái Bình Dương; Thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng; Xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực; Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.
Một trong những vấn đề được quan tâm lần này tại Đối thoại Shangri-La là chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khách sạn Shangri-La, nơi tổ chức Đối thoại Shangri-La thường niên. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều chủ đề nóng được thảo luận
Trong đó, một trong những trọng tâm sẽ được các Bộ trưởng cũng như các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ 27 quốc gia đưa ra bàn thảo là làm sao duy trì một trật tự dựa trên việc tuân thủ các luật lệ quốc tế, đồng thời trật tự này cũng bảo vệ hữu hiệu những lợi ích chủ chốt của các nước trong khu vực.
Vấn đề Biển Đông cũng sẽ là một chủ đề cấp bách được thảo luận, cho dù những căng thẳng đã có phần lắng dịu khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc gần đây đã đạt được nhất trí về nội dung dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Bên cạnh đó, tình hình bán đảo Triều Tiên với những diễn biến căng thẳng gần đây khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo cũng đang đặt ra thách thức cho an ninh khu vực. Điều này đòi hỏi tất cả các nước trong khu vực cần phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên một cách có hiệu quả hơn.
Một vấn đề cũng đang gây căng thẳng trong khu vực là việc Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Cho dù Chính phủ mới tại Hàn Quốc thông báo sẽ xem xét lại kế hoạch triển khai THAAD, nhưng hệ thống radar của THAAD vẫn gây ra mối lo ngại đối với nước láng giềng Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, hệ thống radar của THAAD sẽ do thám các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Việc triển khai hệ thống THAAD nhiều khả năng sẽ được bàn luận tại Đối thoại Shangri-La lần này. (Nguồn: Reuters) |
Bên cạnh đó, nguy cơ khủng bố, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, như cuộc xung đột tại miền Nam Philippines giữa lực lượng chính phủ Philippines và nhóm phiến quân ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xảy ra từ ngày 23/5 vừa qua và đến nay vẫn chưa chấm dứt, hay vụ đánh bom liều chết tại Indonesia ngày 24/5, đòi hỏi các quốc gia cần phải có những biện pháp giải quyết.
Tại Đối thoại Shangri-La lần này, sự quan tâm sẽ đổ dồn vào những tuyên bố thể hiện lập trường chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trước đó, một số nước trong khu vực đã bày tỏ quan ngại chính sách của chính quyền mới của Mỹ sẽ có thể tác động đến tình hình an ninh khu vực, bởi chiến lược của Washington đối với việc duy trì an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tới nay vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Diễn đàn cũng sẽ bàn về mối nguy hiểm hạt nhân đối với châu Á - Thái Bình Dương, các hình thức hợp tác an ninh mới, tác động của các công nghệ mới đối với lĩnh vực quốc phòng và các biện pháp để tránh xung đột trên biển.
Đại diện Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về an ninh và an toàn hàng hải.
Diễn đàn an ninh quan trọng bậc nhất khu vực
Đối thoại Shangri-La gồm 27 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Canada, Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand… Đây cũng là sáng kiến hợp tác giữa Chính phủ Singapore và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh.
Đối thoại Shangri-La được IISS lấy ý tưởng từ Hội nghị an ninh Munich bởi trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp và khó lường, cần có một diễn đàn mà ở đó các các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia cùng các học giả các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể ngồi lại với nhau, xây dựng lòng tin và tăng cường các hợp tác an ninh một cách thực chất và hiệu quả.
Đối thoại Shangri-La lấy ý tưởng từ Hội nghị An ninh Munich. (Nguồn: Sputnik) |
Được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại Shangri-La (Singapore), Đối thoại Shangri-La đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế.
Tại diễn đàn này, các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia cùng các học giả các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cơ hội để lắng nghe, nghiên cứu và nắm bắt chiến lược của các quốc gia trong khu vực. Qua đó, các bên liên quan có thể đưa ra những đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng với mục tiêu hướng tới là giải quyết các thách thức an ninh đối với khu vực và các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong những năm qua, thông qua diễn đàn, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm thúc đẩy các sáng kiến về những vấn đề an ninh quan trọng, bao gồm an ninh hàng hải ở eo biển Malacca, sự gia tăng vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ, kiến trúc an ninh khu vực, cứu trợ nhân đạo và thiên tai, thỏa thuận “không sử dụng vũ lực” ở Biển Đông... Do vậy, Đối thoại Shangri-La đã và đang khẳng định được uy tín của mình với danh nghĩa là một diễn đàn an ninh quan trọng bậc nhất khu vực.