Một người đàn ông sử dụng súng ở Nhật Bản. (Nguồn: AP) |
Ở nước Mỹ, việc mua một khẩu súng vô cùng dễ dàng. Bạn có thể đi bộ vào một cửa hàng súng, trải qua các bước kiểm tra lý lịch và sau đó mua một khẩu súng theo ý mình. Ở một số bang của Mỹ, bạn thậm chí không phải xuất trình giấy tờ tùy thân hay trải qua bất kỳ kiểm tra hành chính nào mà vẫn có thể mua súng trực tiếp tại cửa hàng hoặc online. Thế nhưng, ở Nhật Bản, điều này không hề dễ dàng.
Để sở hữu súng, trước tiên, bạn phải tham dự một khóa học toàn phần về súng và vượt qua một bài kiểm tra viết được tổ chức định kỳ một lần/tháng. Bạn cũng phải học một lớp bắn súng với những bài kiểm tra thực hành. Sau đó, bạn tới bệnh viện để hoàn thành bài kiểm tra tâm lý và kiểm tra xem bạn có bị nghiện hay không, giấy chứng nhận sức khỏe này bạn phải nộp lại cho cảnh sát. Cuối cùng, bạn phải vượt qua công đoạn điều tra lý lịch nghiêm ngặt để xem bạn có tiền án, tiền sự hay không, có liên quan tới nhóm tội phạm cũng như nhóm cực đoan nào hay không. Sau tất cả các công đoạn, bạn có thể sở hữu một khẩu súng lục hoặc súng hơi.
Sau khi sở hữu khẩu súng, bạn phải cung cấp cho cảnh sát vị trí mà bạn đặt súng cũng như đạn ở trong nhà. Chúng đều phải được khóa và lưu giữ riêng biệt, ở vị trí an toàn. Hơn nữa, cảnh sát sẽ kiểm tra súng của bạn thường niên, đồng thời tham dự các lớp học và kỳ thi về súng 3 năm/một lần. Với những quy tắc khắt khe này khiến cho tỷ lệ người sở hữu súng ở Nhật Bản tương đối thấp. Trong khi cứ 100 người ở Mỹ sở hữu khoảng 88,8 khẩu súng thì ở Nhật Bản chỉ 100 người thì sở hữu 0,6 khẩu súng. Do vậy, tỷ lệ giết người với vũ khí bằng súng của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với Mỹ. Theo số liệu của Đại học Sydney, năm 2008, Mỹ có 12.000 vụ giết người liên quan tới súng, trong khi đó con số này ở Nhật Bản chỉ là 11.
Lý giải cho sự khác biệt giữa hai nước phát triển này, một số chuyên gia cho rằng, chính sách kiểm soát súng của Nhật Bản rất hiệu quả. Hai nhà nghiên cứu Daniel Hemenway và Matthew Miller (Đại học Harvard, Mỹ) đã khảo sát 26 quốc gia phát triển và đưa ra kết luận rằng, ở quốc gia nào người dân càng dễ dàng sở hữu súng thì tỷ lệ các vụ giết người bằng súng càng cao.
Hằng Phạm (theo Vox World)