Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức mới đây tại Bratislava (Slovakia), nhiều ý kiến đề xuất rằng liên minh cần tăng cường các chính sách quân sự - an ninh. Mặc dù các nhà lãnh đạo vẫn chưa thống nhất quan điểm đối với vấn đề này, song việc thảo luận về an ninh của châu lục trong bối cảnh hiện nay là điều rất cần thiết.
Công dân EU ngày càng cho rằng an ninh là một ưu tiên hàng đầu, đồng thời muốn liên minh khẳng định vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, các đồng minh và đối tác của EU cũng mong liên minh này tăng cường vai trò đảm bảo an ninh trên trường quốc tế.
Có thể nói, việc bảo vệ công dân châu Âu đòi hỏi sự ổn định ở các khu vực xung quanh. Các sự kiện diễn ra gần đây cho thấy, cuộc khủng hoảng di cư - vốn đang làm rối loạn và chia rẽ EU – có thể dễ dàng xử lý hơn nếu tình hình xung đột Syria được cải thiện.
Vì chính sách an ninh trong nội bộ liên minh và chính sách an ninh đối ngoại của EU liên quan chặt chẽ với nhau, các nhà lãnh đạo EU không nên chia nhỏ các vấn đề an ninh của mình. Đây cũng là quan điểm được đề xuất trong “Chiến lược toàn cầu” mới được đưa ra của EU.
Lãnh đạo các nước thành viên EU nhóm họp tại Bratislava, Slovakia. (Nguồn: Mirror EU) |
Trong quá khứ, các nhà nước – dân tộc thường chống lại các thế lực bên ngoài bằng các biện pháp quân sự, đồng thời thiết lập các quy tắc trong nước để bảo vệ những quyền lợi của công dân. Ngày nay, sự chuẩn bị về quân sự vẫn cần thiết để đối phó với các đe dọa từ bên ngoài, nhưng điều đó là chưa đủ. Chúng ta cần góc nhìn từ phía dân sự.
Các nguồn lực cần thiết để đảm bảo an ninh nên được xem xét nhằm phù hợp với thực tiễn quân sự và xung đột ngày nay. Điều này có nghĩa là lực lượng quân đội EU không nên hoạt động một cách riêng lẻ, mà cần phối hợp với các lực lượng dân sự như cảnh sát, các đơn vị tình báo, tòa án và thậm chí là các tổ chức phi chính phủ.
Một trong những nguyên nhân chính làm phân tán nguồn lực của EU là khi các nước thành viên gặp những khó khăn kinh tế từ năm 2008. Tuy nhiên hiện nay, các vấn đề nghiêm trọng như khủng hoảng nhân đạo và an ninh buộc các nước phải có quan điểm chung về tương lai của liên minh.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác liên quan đến an ninh của châu Âu cần có một cơ quan quản lý chung, thay vì duy trì cơ chế như hiện tại là lập ra các trung tâm điều hành không thường trực (adhoc). Ngoài ra, để giúp EU đạt được sự độc lập mang tính chiến lược, liên minh cần phải có một nền công nghiệp quốc phòng mạnh, với đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng.
Trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: NATO) |
Nền tảng pháp lý cho cơ chế hợp tác an ninh châu Âu thực chất đã được quy định trong Hiệp ước Lisbon. Văn bản này cho phép các nước thành viên EU củng cố hợp tác quân sự cũng như triển khai nhanh chóng các nhiệm vụ quân sự chung ở bên ngoài liên minh. Triển khai cơ chế hợp tác an ninh theo Hiệp ước Lisbon cũng là một nội dung quan trọng được Hội đồng châu Âu thảo luận gần đây, đồng thời được xem là cách tốt nhất để tăng cường hội nhập quân sự trong liên minh. Có thể nói, nếu có một nền tảng quân sự và an ninh mạnh mẽ, EU có thể nâng cao vị thế của mình trên thế giới.
Một số người cho rằng hội nhập quân sự sâu hơn ở châu Âu sẽ làm suy yếu các thể chế quân sự khác, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên trên thực tế, việc EU có thể giải quyết tốt các cuộc khủng hoảng hiện nay bằng các biện pháp quân sự tập thể là điều mà NATO mong muốn.
EU được kỳ vọng không chỉ trong việc bảo vệ công dân của mình, mà còn trong giải quyết các vấn đề bên ngoài biên giới liên minh. Trong bối cảnh chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroskepticism) đang trỗi dậy như hiện nay, người dân châu Âu muốn EU có một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn trong các vấn đề đối ngoại và an ninh.