Các nhà Lãnh đạo G20 nhóm họp tại Mexico. |
Tất cả đều hiểu rằng, việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ gây ra hậu quả sâu rộng đến cả châu Âu và thế giới. Chính vì thế, khủng hoảng kinh tế ở châu Âu là chủ đề chính trong nghị trình họp G20 lần này. Hội nghị G20 năm nay khởi đầu với một tin tốt lành: đảng Dân chủ mới ủng hộ giải pháp cứu trợ đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp. Nhờ đó, châu Âu đã thoát khỏi cái mà truyền thông phương Tây gọi là “drachmageddon”, một lối chơi chữ bằng cách ghép từ drachma (đồng tiền cũ của Hi Lạp) và từ armageddon (ngày tận thế).
Giới lãnh đạo G20 đều thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, vấn đề Hy Lạp chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Với tỷ lệ nợ rất cao so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tình trạng tương tự có thể xảy ra bất kỳ khi nào tại 2 nền kinh tế khác của châu Âu là Italy và Tây Ban Nha. Do vậy, sự thắng lợi của đảng Dân chủ mới tại Hy Lạp chỉ có thể “mua” thêm một chút thời gian cho châu Âu.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), nguyên nhân của sự suy thoái nằm ở cấu trúc nền kinh tế. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã dựa vào những biện pháp ngắn hạn để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và giờ đã đến lúc tiến hành cải cách cấu trúc nền kinh tế và đầu tư vào các nguồn tăng trưởng mới. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm kiểm soát thâm thủng ngân sách là chưa đủ. Theo tổ chức này, tăng trưởng hơn 6% mỗi năm tại các nền kinh tế mới nổi chính là động lực của nền kinh tế thế giới từ 2008 nhưng mức này khó lòng đạt được trước năm 2015.
Các phái đoàn tham dự G20 chưa đạt được tiếng nói chung về các biện pháp khôi phục kinh tế. Tổng thống Mỹ Obama chờ đợi những biện pháp quyết liệt từ châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính đang làm phương hại đến nền kinh tế Mỹ trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Theo quan điểm của Washington, kế hoạch đó phải tập trung vào khuyến khích tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định hệ thống tài chính của châu Âu. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vẫn muốn duy trì "chính sách khắc khổ", trong khi Pháp muốn đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Theo các nhà phân tích, biện pháp khả thi nhất nhằm đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia nước về giải quyết khủng hoảng là bổ sung ngân sách cho quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Cho đến nay, các nước đã đồng ý đóng góp trên 430 tỷ USD cho IMF.
G20, được thành lập năm 1999, là diễn đàn liên kết các nền kinh tế phát triển và mới nổi để đối phó với các thảm họa kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tính tập thể của G20 đã bị chương trình nghị sự đối nội của mỗi quốc gia thành viên chi phối đáng kể. Trong suốt các năm qua, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã duy trì được một trật tự thế giới, tuy không hoàn hảo, theo hướng có lợi cho mình, kiềm chế được sự bất hòa giữa các cường quốc lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, cộng với sự trở lại của Nga và trỗi dậy của Trung Quốc, trật tự thế giới đó rất khó có thể duy trì. Mỹ và phương Tây nhận thấy nhu cầu phải hợp tác với các nền kinh tế mới nổi để phù hợp và làm mới trật tự thế giới hiện thời.
Giới phân tích cho rằng Mỹ và phương Tây sẽ chú trọng đến mối quan hệ với 4 quốc gia đang nổi lên là Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù khác nhau về vị trí địa lý và lịch sử, những quốc gia này đều có 4 điểm chung rất quan trọng là: nền kinh tế lớn và đang phát triển nhanh, có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng trong vùng, là các quốc gia có dân số đông và quan trọng nhất, cả bốn quốc gia này đều thể hiện một sự không nhất quán trong các vấn đề quốc tế. Họ là những quốc gia dễ thay đổi trong hệ thống toàn cầu. Chính vì thế, Mỹ và Châu Âu sẽ tập trung mở rộng mối quan hệ sâu rộng đối với các quốc gia này. Mục tiêu của Mỹ và phương Tây là khuyến khích sự tham gia lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi này trong khi vẫn duy trì được các đặc điểm căn bản đã hình thành nên trật tự thế giới hiện nay. Theo chiều hướng đó Mỹ và phương Tây đã tỏ ý ủng hộ Ấn Độ có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an mở rộng với kỳ vọng vị thế lớn hơn sẽ song hành với trách nhiệm lớn hơn.
Lợi Trần