Một phe nhóm đối lập tại Syria. |
Ba năm gần đây, mâu thuẫn giữa Chính phủ và các phe nhóm đối lập tại Syria đã gây ra những biến động chính trị mạnh mẽ khiến hơn 100.000 người chết và đẩy hàng triệu người dân phải chạy tị nạn sang các nước láng giềng. Các cuộc biểu tình đẫm máu, cuộc thảm sát ở vùng Houla của phe đối lập (tháng 5/2012) cho đến vụ tấn công bằng hơi độc tại Ghouta, Thủ đô Damas (tháng 8/2013) khiến hơn 100 nghìn người chết và bị thương chỉ là một phần trong cuộc nội chiến ác liệt đang diễn ra tại đất nước này.
Trong bối cảnh đó, đề xuất tổ chức Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria lần thứ hai (hay còn gọi là Hội nghị Geneva II) do Nga và Mỹ đề xuất được đánh giá là giải pháp sáng suốt và tối ưu trong tình hình hiện nay để mang lại hòa bình cho nhân dân Syria.
Sự đền đáp không mong đợi
Ngày 19/10, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Lakhdar Brahimi đã tới Trung Đông để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị dự kiến diễn ra vào ngày 23-24/11 tới tại Thụy Sĩ. Ông Lakhdar Brahimi đã liên tục có các cuộc làm việc với lãnh đạo các nước Trung Đông, Bắc Phi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Kuwait, Oman, Qatar, Iran nhằm thúc giục chính phủ các nước hành động tích cực để đảm bảo Hội nghị Geneva II diễn ra sớm nhất có thể và đạt được thành công.
Tuy nhiên, những nỗ lực này của ông Brahimi đã không được các phe đối lập ở Syria ủng hộ. Theo một diễn biến mới nhất do kênh truyền hình liên Ả-rập Al Arabiya đưa tin ngày 29/10, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập có kế hoạch yêu cầu Liên đoàn Ả-rập (AL) cách chức ông Brahimi do "không hài lòng với quan điểm và tuyên bố của ông ta, vì ông ta muốn đưa Iran vào tham gia Hội nghị Geneva II".
Cơ hội mong manh
Xem ra triển vọng đưa các bên xung đột tại Syria vào bàn đàm phán không mấy khả quan. Không những phản đối sự hiện diện của ông Brahimi, trước đó ngày 27/10, 19 nhóm hồi giáo đối lập tại Syria đã tuyên bố từ chối tham gia Hội nghị. Lãnh đạo một nhóm đối lập Syria đã nhấn mạnh rằng, Hội nghị Geneva II không và sẽ không bao giờ là sự lựa chọn và yêu cầu của người dân và các nhóm đối lập tại Syria, mà chỉ khiến tiến trình cách mạng của Syria đi chệch hướng. Tuyên bố cũng cảnh báo bất cứ ai tham gia Hội nghị sẽ là “kẻ phản bội”. Hội đồng Dân tộc Syria, tổ chức đối lập lớn nhất của Syria ở nước ngoài, cũng đã tuyên bố sẽ từ bỏ Liên minh dân tộc của phe đối lập và lực lượng cách mạng Syria, nếu liên minh này tham gia Hội nghị Geneva II.
Trong khi đó, Chính phủ Syria cho biết sẵn sàng tham dự Hội nghị Geneva II mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tuy nhiên, họ nhất quyết không đàm phán với “các phần tử khủng bố” mà theo họ, có sự hậu thuẫn của các cường quốc quốc tế và khu vực, trong đó có nhiều tổ chức có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Có thể thấy rằng, Hội nghị Geneva II chính là cơ hội lớn nhất trong 3 năm qua để tìm kiếm lối thoát cho cuộc nội chiến ác liệt ở Syria. Dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị sắp tới, song thực sự cả chính phủ và phe đối lập Syria chưa thể hiện sự sẵn sàng và thiện chí để ngồi vào bàn đàm phán.
Hải Đăng